Thứ Sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường: Bộ trưởng Y tế nhận trách nhiệm

Thứ Tư, 20/11/2013 08:41
“Vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường, dù là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, chủ quan hay khách quan thì Bộ y tế và người đứng đầu Bộ Y tế cũng có liên quan đến trách nhiệm”.

 Vấn đề y đức một lần nữa được các ĐBQH đề cập đến khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã lên tiếng và thẳng thắn nhận phần trách nhiệm của Bộ Y tế và cá nhân Bộ trưởng sau vụ việc bác sĩ ở Thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác phi tang.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao đổi với ĐBQH Hà Minh Huệ tại phiên giải lao sáng 19/11.  (Ảnh: Nguyễn Dũng)
 
Liên quan đến vấn đề y đức của ngành y tế trong thời gian qua, mà gần đây nhất là vụ việc ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Dù là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, chủ quan hay khách quan thì Bộ y tế và người đứng đầu Bộ Y tế cũng có liên quan đến trách nhiệm".
 
Theo Bộ trưởng Y tế, đạo đức nghề nghiệp thì ở ngành nghề nào cũng cần phải có. Đối với ngành y, vấn đề y đức không chỉ được rèn luyện trong 6 năm đào tạo nghề mà nó còn được hình thành từ lúc lọt lòng mẹ chào đời. Vụ việc ở Thẩm mỹ viện Cát Tường là hành vi mất nhân tính của con người, gây bức xúc không chỉ cho gia đình nạn nhân mà còn là vấn đề lớn nhất của ngành y.
 
Nguyên nhân được Bộ trưởng Tiến chỉ ra, trước tiên do bản thân người bác sĩ đó. Ngoài ra, cơ chế thị trường cũng có tác động tiêu cực đến y đức của người bác sĩ, đó chính là lợi nhuận. Thứ nữa, thái độ y đức của người thầy thuốc không đáp ứng được nhu cầu. Lý do khác được chỉ ra là người dân quá tin vào quảng cáo, tự đi đến những nơi không có cơ sở vật chất đầy đủ để làm các dịch vụ y tế…
 
“Đây là vụ việc cảnh tỉnh tới toàn bộ ngành Y tế để vượt qua khó khăn và quyết tâm sửa chữa” – Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
 
Đề cập đến các văn bản luật ban hành quy định về hành nghề tư nhân, công lập, Bộ trưởng Tiến cho biết đã quy định rõ những điều kiện nào thì được hành nghề. Đối với Hà Nội còn ban hành cả chỉ thị đến cấp phường, cấp quận, đặc biệt còn thành lập tổ liên ngành trong giám sát quản lý.
 
Bộ trưởng Tiến khẳng định, sắp tới sẽ tiến hành kiểm tra, rút giấy phép của những cơ sở hành nghề công lập vi phạm. Ngoài ra Bộ Y tế cũng soạn thông tư ban hành về quy chuẩn đạo đức của ngành y.
 
Bộ trưởng Y tế lý giải rằng, thông thường ngành nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Ngành công nghệ nếu xảy ra sai sót cũng chỉ bị hỏng một cái máy, còn đối với ngành y chỉ cần một sai sót nhỏ cũng gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Người thầy thuốc đồi hỏi lương tâm trách nhiệm rất cao và suốt đời.
 
Bên cạnh đó, từ hôm qua ngành y tế cũng đã thành lập đường dây nóng để người dân liên hệ, phản ánh tất cả những bất cập. Bộ trưởng Tiến cho biết đã nhận được hơn 1000 cuộc gọi trực tiếp phản ánh thái độ của cán bộ y tế và sẽ thực hiện chấn chỉnh bằng cách áp dụng biện pháp thi đua theo luật định. Cho rằng những góp ý rất thẳng thắn, chân thành, Bộ trưởng Tiến mong muốn ĐBQH và xã hội sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát thông qua đường dây nóng này.
 
Bộ trưởng Y tế cũng hứa, tới đây ngành y tế sẽ có những đột phá về chuyên môn và thực hiện chuyển giao công nghệ trong ngành.
InforNet
InforNet
Nữ doanh nhân