Trao đổi với VnExpress tối 10/5, Phó tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu cho biết, Trung Quốc đang tăng cường bảo vệ xung quanh khu vực giàn khoan HD-981. Mặc dù Cục hải sự Trung Quốc công bố lệnh cấm tàu bè hoạt động quanh khu vực 3 hải lý, song trên thực địa giới hạn rộng hơn nhiều.
Ngày 8/5, tàu Trung Quốc ngăn cản không cho tàu bè đi vào phía trong cách khu vực giàn khoan với bán kính 5 - 7 hải lý. Đến ngày 10/5, phạm vi bảo vệ đã mở rộng lên trên 10 hải lý (trên 18,5km). Lực lượng bảo vệ hùng hậu trong đó có 3 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534, hai tàu tuần tiễu tấn công nhanh 752 và 753, ngăn cản không cho tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam lại gần giàn khoan.
|
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam. Cho đến nay Việt Nam chưa một lần chủ động tấn công tàu Trung Quốc. Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp. |
Cuối chiều ngày 10/5, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho hay, tình hình khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chưa có dấu hiệu lắng dịu. Phía Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng như đưa thêm tàu quân sự, tàu hải giám, máy bay tới khu vực này.
Hiện nay, Trung Quốc đã sử dụng tới 79 tàu các loại thuộc 6 lực lượng hoạt động tại khu vực. Các tàu Trung Quốc chủ động chặn mũi, chặn hướng, dùng vòi rồng công suất lớn tấn công, đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ thực thi luật pháp trên vùng biển Việt Nam, gây ra những thiệt hại về người.
3 tàu quân sự cùng hàng chục máy bay đã tham gia vào hoạt động bảo vệ giàn khoan HD-981. Tướng Đạm khẳng định, việc làm của Trung Quốc không những vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng hải quốc tế, đến hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) và tuyên bố 6 điểm của ASEAN.
"Phương châm chung của Việt Nam là kiềm chế, tránh gây căng thẳng và đấu tranh bằng biện pháp hòa bình nhưng kiên quyết, không nhân nhượng trước vấn đề chủ quyền", Tư lệnh Cảnh sát biển nói và cho hay, cho đến nay, chưa hề có trường hợp nào tàu Việt Nam chủ động đâm vào tàu Trung Quốc. Cảnh sát biển và lực lượng Kiểm ngư chủ yếu đấu tranh bằng tuyên truyền pháp lý.
Vị Tư lệnh khẳng định, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng nòng cốt, trực tiếp trên biển thực thi pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Để bảo vệ chủ quyền Việt Nam, Cảnh sát biển sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết, có thể và phù hợp với một tinh thần vững vàng nhất, một quyết tâm cao nhất.
5h22’ sáng 1/5, các tàu kiểm ngư của Việt Nam phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc cùng 3 tàu dịch vụ di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xuống phía nam nhằm hạ đặt khoan thăm dò Hải Dương 981 ngay trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý. Hơn 70 tàu các loại trong đó có cả tàu hộ vệ tên lửa và máy bay tuần tiễu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan. Phía Việt Nam đã sử dụng lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi phạm vi chủ quyền của Việt Nam. ít nhất 9 người trong lực lượng kiểm ngư của Việt Nam đã bị thương trong các cuộc đụng độ, tấn công của lực lượng Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đổi quyết liệt, mạnh mẽ. Mỹ, Nhật, ASEAN bày tỏ sự quan tâm đặc biệt, yêu cầu các bên không sử dụng vũ lực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa vấn đề Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ra Hội nghị cấp cao ASEAN vào ngày mai. |