Thứ Năm, Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024

Tiền bẩn "cướp cơm" người nghèo

Thứ Năm, 27/02/2014 12:00
Thế giới còn chưa đầy một năm là hết hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc thiết lập vào năm 2000. Nghèo đói cùng cực đã được giảm đi một nửa như đã hứa, nhưng các mục tiêu về y tế, giáo dục, môi trường và bình đẳng giới còn xa vời. Lý do nào cho sự tụt hậu trong các lĩnh vực này?

 

 

Theo các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc, để đẩy nhanh nỗ lực xóa đói giảm nghèo cần phải hạn chế số lượng tiền lớn bất hợp pháp đang chảy ra khỏi nước đang phát triển. Ước tính khoảng 1 ngàn tỷ USD, gần một phần ba GDP của châu Phi, bị chuyển khỏi các nước đang phát triển hằng năm. Nguyên nhân là do thực trạng quản lý kém ở các nước đang phát triển. Nhưng nghiên cứu gần đây của OECD cho thấy, các nước giàu cũng có lỗi vì đã không xây dựng và thực thi pháp luật đầy đủ để theo dõi và ngăn chặn chuyển tiền bất hợp pháp.
 

Đầu tiên là dòng tiền liên quan đến hoạt động tội phạm như buôn bán người, ma túy, buôn lậu và tham nhũng, được rửa qua mạng lưới phức tạp của các công ty vỏ bọc và các ngân hàng cũng như bất động sản tại nước ngoài. Thứ hai là dòng tiền trốn thuế. Cả hai khoản tiền này đã tước đoạt các khoản thu để tài trợ cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dịch vụ công cộng quan trọng khác. Tệ hơn nữa, một khi hợp pháp hóa, dòng tiền bẩn sẽ tài trợ cho các hoạt động bất hợp pháp khác, kể cả các cuộc nội chiến và khủng bố.

Rửa tiền và trốn thuế có thể được ngăn chặn với sự minh bạch và nghiêm minh của pháp luật. Thật không may, chỉ có 27 trong số 34 nước OECD đáp ứng được các quy định về chống rửa tiền. Trước sức ép của dư luận, các nước G-8 và G-20 gần đây đã đồng ý chia sẻ thông tin về thuế, đồng thời mạnh tay xử lý các tập đoàn liên quan đến những hoạt động tài chính mờ ám. Chính phủ Anh gần đây đã yêu cầu đăng ký công khai chủ sở hữu công ty.

"Những thiên đường trốn thuế” như Bermuda, Cayman Islands, Anguilla, Montserrat, Turks và Caicos Islands đã ký các thỏa thuận vào tháng 5/2013 chia sẻ thông tin thuế với Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Đồng thời, các ngân hàng bị kết tội hỗ trợ rửa tiền phải đối mặt với hình phạt kỷ lục. Chẳng hạn, Ngân hàng HSBC, bị cáo buộc liên quan tới rửa tiền tại Mỹ Latinh, đã bị phạt 1,9 tỷ USD.

Các nhà điều tra tội phạm tài chính của Anh cũng đã trả lại 1,2 tỷ USD trong số 4 tỷ USD mà cựu độc tài Nigeria Sani Abacha giấu ở Thụy Sĩ, Luxembourg, Jersey, Liechtenstein, Bỉ và Anh. OECD hướng tới áp dụng cơ chế trọng tâm của cuộc chiến chống trốn thuế, đó là các ngân hàng sẽ tự động cung cấp thông tin cho một nước về tài khoản của người dân nước họ, dự định bắt đầu từ năm 2015.

Trên thực tế, những quốc gia giàu có vẫn thích đóng vai trò như những nhà lãnh đạo trong cuộc chiến chống rửa tiền nhưng họ vẫn là những kẻ chậm trễ. Một nửa trong số các nước thành viên OECD chưa thực hiện các vụ truy tố liên quan đến tội phạm rửa tiền hoặc trốn thuế.

Cũng theo Liên Hiệp Quốc, ước tính có khoảng 1 ngàn tỷ USD hối lộ cho các quan chức nhà nước để che giấu các khoản tiền bẩn. Trong khi đó, G-20 vẫn còn bất đồng về giải pháp chống gian lận thuế.

Pháp đề xuất quy định thuế cứng rắn hơn áp dụng riêng cho các công ty mạng như Google, Amazon. Trong khi đó, Mỹ khẳng định không ủng hộ bất kỳ giải pháp nào tập trung vào số ít các công ty đa quốc gia đang có nhiều thành công khi bị "đụng chạm" tới hàng loạt công ty lớn của mình.

Chẳng hạn, chỉ trong 2 năm, Apple đã lách được 12,5 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ bằng cách dựng lên các công ty con ở nước ngoài rồi chuyển tiền qua đó. Doanh thu khoảng 18 tỷ USD nhưng bằng cách chuyển lợi nhuận sang các nước khác, Google tại Anh đã tránh được thuế suất 23%, chỉ phải đóng vỏn vẹn 15 triệu USD trong vòng 5 năm.

Theo DoanhnhanSaigon

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân