Cho đến thời điểm hiện tại, thông tin về “Hội thánh của Đức Chúa trời” đã lan tràn trên mạng internet và đang len lỏi ở nhiều tỉnh, thành thì tại Thái Nguyên – một trong những điểm hình thành sớm nay chỉ còn hiện tượng sinh hoạt nhỏ lẻ.
Chúng tôi đến đây để gặp gỡ những người dân đã “tỉnh ngộ”, thoát ra khỏi “Hội thánh” bất hợp pháp này, đồng thời ghi nhận những kinh nghiệm, cách làm hay của Công an tỉnh Thái Nguyên trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy đuổi cái gọi là “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ” từng gây nhức nhối, làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn…
“Ở trong chăn mới biết chăn có rận”
Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày được rủ rê đi theo “Đức Chúa trời”, bà Nguyễn Thị Minh Loan (74 tuổi), trú tổ 1 phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên vẫn chưa hết bức xúc.
Dù mới chỉ gia nhập “Hội thánh” khoảng 3 tháng và chưa phải chịu hậu quả nghiêm trọng (nộp hơn 2 triệu đồng-PV) nhưng cũng đủ để người phụ nữ này nhận ra bản chất của tổ chức này.
Bà được rao giảng, mỗi thánh đồ phải nộp 1/10 tổng thu nhập hàng tháng gồm lương, thưởng, bán hàng, con cháu biếu…, tức cứ tiền vào tay thì phải trích ngay 10% dâng lên “Đức Chúa trời”. Nếu không làm đúng như vậy thì sẽ bị coi là… ăn cắp của “Đức Chúa trời”, bị “Đức Chúa trời” rủa xả xuống hố lửa. Ai dâng càng nhiều tiền lễ, “Đức Chúa trời” càng tha nhiều tội và ban nhiều phước.
“Đây là hành vi lừa đảo, thu tiền bất chính, bởi mỗi người tham gia hằng tháng phải nộp tiền lễ sa bát (gồm lễ chuộc tội, lễ cảm tạ, lễ phụng sự) và trích 1/10 thu nhập. Chỉ tính đến tháng 1-2016 Siôn (phòng thờ - PV) Thái Nguyên có trên 200 người, nếu trung bình mỗi người đóng 600.000 đồng thì mỗi tháng Siôn này thu về 120 triệu đồng. Chưa kể các “tiên tri” luôn phát động lôi kéo người tham gia tăng 120% so với tháng trước, rồi các Siôn khác mọc thêm thì tiền càng nhiều thêm. Trong khi không ai được biết số tiền đó sẽ được chi vào việc gì”, bà Loan phân tích.
Bà Nguyễn Thị Minh Loan trao đổi với phóng viên Báo CAND.
Theo các cán bộ Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Thái Nguyên, dù suốt ngày rao giảng mọi người nộp tiền nhưng các sổ sách thống kê thu được cho thấy thực tế các đối tượng cầm đầu lại không hề nộp, đây là hành vi có dấu hiệu trục lợi cho một nhóm người.
“Ngoài hành vi lừa đảo, họ làm cho con người ích kỷ và bất hiếu, vô trách nhiệm với cuộc sống, coi bố mẹ người thân là ma quỷ, ốm không chăm sóc, mất không thờ cúng. Có cả yếu tố phản động khi coi cuộc sống hiện tại chỉ là tạm thời, ngày tận thế sắp đến, chỉ cần nằm chờ “Đức Chúa trời” biến hoá cho lên thiên đàng. Từ đó, con người sẽ bị mất ý chí, không học tập, lao động…” – nguyên giảng viên đại học nhìn nhận. Bà mong muốn người dân khi bị rủ rê vào “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ” cần tỉnh táo để tránh sa vào cạm bẫy.
Bà Nguyễn Thị Minh Loan chỉ là một trong hàng trăm người dân nhẹ dạ, cả tin trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sa chân vào “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ”, nhưng may mắn tỉnh ngộ và từ bỏ sớm.
Đã có nhiều học sinh sinh viên bê trễ việc học hoặc bỏ học; vợ bỏ chồng con, bỏ công việc gia đình; con bỏ bố mẹ trốn khỏi nhà đi theo “Hội thánh”. Họ có suy nghĩ cực đoan, lệch lạc, không quan tâm cuộc sống thực tại, chỉ mong chờ ngày tận thế để được lên thiên đàng, coi những người còn lại là ma quỷ…
Nhiều gia đình anh em mâu thuẫn, vợ chồng bỏ nhau, thậm chí có cặp vợ chồng mê muội đi theo “Hội thánh” bỏ thai nhi trong bụng bởi cho rằng sắp chết rồi còn sinh con làm gì(?) Mà điểm chung của họ là đều được các “nhà tiên tri” dẫn đường, chỉ lối.
Chân dung “nhà tiên tri” bất hảo
Theo tài liệu của cơ quan Công an, “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ” xâm nhập vào Thái Nguyên từ cuối năm 2014, do Lương Văn Tường, 32 tuổi, trú tại Yên Thế, Bắc Giang tự xưng là “tiên tri” thuê nhà tại các phường Phú Xá, Tân Lập, TP Thái Nguyên để truyền giáo cũng như mở rộng phạm vi hoạt động. Có thời điểm Siôn của Tường có gần 300 người tham gia.
Sau khi lập nên nhiều Siôn ở Thái Nguyên, tháng 7-2016 Tường trực tiếp đi tuyên truyền, phát triển đạo tại Thái Nguyên, Cao Bằng; đồng thời giao cho 23 thành viên ở các tỉnh khác nhau đi tuyên truyền, phát triển đạo. Tường không hề có giấy chứng nhận chức sắc tôn giáo, không được phép truyền giảng Kinh Thánh cũng như hoạt động truyền đạo, giảng đạo của bất kỳ tôn giáo nào.
Mặc dù UBND phường Tân Lập có Công văn số 45 ngày 15-4-2016 không chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo của Tường, do “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ” không có tên trong danh sách các tổ chức, hệ phái tôn giáo được Nhà nước công nhận nhưng Tường và đàn em vẫn tiếp tục hoạt động…
Trước tình hình đó, Công an tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá hoạt động của “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ”; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh với hoạt động của “Hội thánh” trên địa bàn tỉnh; đề nghị các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tuyên truyền, quản lý sinh viên, tổ chức cho sinh viên ký cam kết không đi theo; phối hợp với Đài Truyền hình tỉnh xây dựng phóng sự tuyên truyền, phản bác hoạt động của tổ chức tự xưng này.
Công an TP Thái Nguyên xây dựng kế hoạch đấu tranh, tham mưu cho UBND TP thành lập tổ công tác liên ngành gồm: Phòng Nội vụ, Phòng Văn hoá, CATP, UBND các phường Phú Xá, Tân Lập tiến hành kiểm tra các địa điểm sinh hoạt tôn giáo, yêu cầu chấm dứt các hoạt động tôn giáo trái pháp luật.
Cụ thể, ngày 14-9-2016, Công an TP Thái Nguyên xử phạt hành chính Tường về hành vi “tàng trữ, xuất bản phẩm in không có hoá đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp”.
Ngày 15-10-2016, Công an TP Thái Nguyên triệu tập Tường cùng 4 đối tượng để đấu tranh và đối tượng đã thừa nhận hành vi tuyên truyền hiện tượng cá chết ở biển miền Trung và Hồ Tây dấu hiệu của ngày tận thế là vô căn cứ.
Ngày 21-10-2016, UBND TP Thái Nguyên xử phạt Lương Văn Tường về hành vi “lợi dụng truyền bá sấm trạng để trục lợi”.
Quá trình xử lý Tường cũng đã ký cam kết nếu tiếp tục tái diễn các hoạt động vi phạm pháp luật là cơ sở để cơ quan Công an áp dụng xử lý tội hành nghề mê tín dị đoan, đồng thời củng cố tài liệu, chứng cứ xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự. Do công tác đấu tranh quyết liệt của lực lượng Công an, Lương Văn Tường đã rời khỏi địa bàn Thái Nguyên…
Đại uý Trần Văn Tuân, cán bộ Phòng An ninh xã hội, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ làm kinh doanh nên sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải nhưng không tìm được công việc phù hợp, Tường đã về quê dạy thêm cho học sinh trung học, nấu cao ngựa bán…
Thấy không ăn thua, Tường xuống phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội gia nhập “Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ” thông qua Nguyễn Đình Tám (33 tuổi), trú Sơn Tây, Hà Nội; mở hiệu kinh doanh xe máy cũ, đồng thời mở Siôn sinh hoạt tôn giáo ở đây.
Còn theo ông Lương Viết Nghĩa, bố đẻ của Tường, do kinh doanh thua lỗ, Tường từng tham gia bán hàng đa cấp MB24, mở được hơn 40 cửa hàng ảo. Sau khi MB24 bị sập, Tường về nhà vay mẹ 150 triệu đồng lên Thái Nguyên cùng vợ chưa cưới và hội bạn bè đa cấp nhóm họp lại để phát triển Siôn. Bản chất của “Hội thánh” này giống hình thức kinh doanh đa cấp, muốn tham gia phải nộp tiền và lôi kéo càng nhiều người càng tốt…