Ăn rau ráu bào thai rắn độc
Trên đường đi công tác ở Lâm Đồng, tôi ghé thăm người bạn thân tên Quang ở huyện Định Quán, Đồng Nai, là chủ một quán ăn gia đình khá lớn ở đây. Vừa nhìn thấy tôi, anh chạy ra tận cổng đón rồi níu tay nói nhỏ: “Anh đến đúng lúc quá vậy. Có mấy ông khách quen của quán đang chuẩn bị nhậu món hà nàm lục xà vương trong chòi lá kìa. Anh vào ngồi chung luôn đi, biết anh là chỗ thân tình, mấy ổng không ngại đâu. Nhưng đừng nói là phóng viên, nhiều cái hay cho anh viết đấy. Nhưng không biết anh có dám ăn không?”.
|
Trứng, hà nàm lục xà vương và rắn hổ ngựa với lời đồn “bổ dương” chuẩn bị phục vụ các quí ông |
Tôi nghe vậy, vội dựng xe rồi bước vào chòi lá, nơi có 4 ông khách đang ngồi quanh chiếc bàn tròn, trên giữa bàn là nồi nước lẩu bắt đầu sôi, bốc hơi nghi ngút. Theo lời giới thiệu của Quang thì 4 vị khách đều là những tay có “máu mặt” ở địa phương. Trong đó một vị là cán bộ, còn lại là chủ doanh nghiệp và đại gia cao su. “Mấy ổng đến quán mỗi tuần một lần. Trước khi đến lại gọi điện đặt trước mấy món độc khác nhau”, Quang nói nhỏ.
Trên bàn, có 2 chiếc đĩa to, trong mỗi đĩa có một con rắn đã làm thịt, cuộn tròn, ở giữa là bộ lòng, trứng và bào thai của chính con rắn vừa bị làm thịt. Một con là rắn lục đuôi đỏ có cái đầu hình tam giác và đuôi màu đỏ. Con còn lại là rắn hổ ngựa màu xám. Thấy tôi nhìn con rắn trên bàn bằng ánh mắt e ngại, ông khách giới thiệu tên Hải nháy mắt cười, bảo: “Chắc chú em chưa thấy, chưa ăn món này bao giờ đúng không? Con này gọi là lục xà vương đuôi đỏ, cực hiếm. Ăn đi, tối về biết liền. Tụi anh lớn tuổi lại mập nữa, phải nhờ nó mới “dẻo dai” được”.
Nói rồi ông gắp một con rắn nhỏ xíu, còn đang ngọ ngoạy bên trong cái bọc nhầy nhầy, nhúng vào nồi nước đang sôi sùng sục. Ông không thả xuống nồi nước mà vẫn giữ cái bào thai ở đầu đũa, khua khua vài cái rồi nhấc lên, bỏ vào miệng… Nuốt xong con rắn gần như sống nguyên, ông nâng ly rượu cụng với mọi người rồi ngửa cổ uống.
“Rượu này cũng là rượu ngâm lục xà vương đấy. Phải như vậy nó mới đủ bộ”, tợp xong ly rượu nhỏ, ông Hải nói. Sau màn khai vị này, cả 3 người đàn ông còn lại bắt đầu gắp, nhúng, nhai và uống. Tôi nhìn họ, thấy có lúc chưa kịp nhúng cho tái, họ đã vội bỏ vào miệng. Mùi tanh bốc lên nồng nặc, bao trùm căn chòi lá thấp tè.
|
Sau khi “giải quyết” xong bộ lòng, hà nàm của 2 con rắn, những người đàn ông tiếp tục “xử lý” phần thân của 2 con rắn nãy giờ vẫn đang cuộn tròn trên đĩa chờ đợi.
“Tôi nghe nói đây là bài thuốc của Từ Hy Thái Hậu bên Trung Quốc dùng cho đàn ông trong cung để phục vụ bả. Hiếm lắm, ăn một lần thì thấy sức lực khác hẳn, nó làm thân thể rạo rực, khoản ấy thì miễn chê luôn”, sau khi đã ăn no nê, người bạn nhậu ngồi kế bên ông Hải tên Hùng, vừa lau miệng vừa nói.
Tiễn mấy ông khách sộp ra về, Quang cười bảo: “Mấy ổng có tiền, nhiều lúc đến đây đặt hàng món ăn “quái đản” lắm, cứ đòi tôi kiếm cho mấy con nằm trong "Sách đỏ" không, làm sao tôi dám. Tôi làm quán gần 20 năm nay rồi mà nhiều khi còn thấy gớm chứ đừng nói anh. Rắn lục xanh, đầu gồ, đuôi đỏ thì hơi hiếm. Ăn kiểu như mấy ông vừa rồi thì cũng mới có thời gian gần đây thôi”.
Hà nàm chuột cũng xơi
“Chú mày nói muốn nhậu món hà nàm chuột lâu lắm rồi, giờ có rồi đấy, lên đi. Trong vòng 40 phút phải có mặt nha”, một ông anh khá thân, chủ một xưởng chế biến khoai mì ở Củ Chi (TP.HCM) gọi điện cho tôi nửa thông báo nửa ra lệnh như thế. Tôi mừng thầm: “Vậy là có dịp chứng kiến rồi”, tôi nghĩ thầm rồi lật đật xách xe đi.
Khi tôi đến nơi thì công tác chuẩn bị cho bữa tiệc hà nàm chuột đang đến giai đoạn cuối. Trên bàn nhậu, ngoài chiếc rổ nhựa đựng những bộ bào thai chuột, còn có một bình rượu bằng sành mà theo anh bạn thì bên trong ngâm bào thai chuột. Anh bảo: “Đây là chuột mang từ Đồng Tháp lên. Phải dặn lâu lắm mới có đấy”.
Bào thai chuột |
Tôi thắc mắc: “Chuột đẻ nhiều thế, làm gì mà hiếm vậy? Mà ở đây gần Campuchia, chuột nhiều lắm, sao phải đặt xa vậy?”. Anh đáp: “Chuột từ Campuchia không đảm bảo. Đúng là chuột đẻ rất nhiều, nhưng chuột thịt thì có chứ món hà nàm này lúc nào cũng đắt hàng. Dân nhậu bây giờ cũng sành ăn lắm, món nào ngon là tụi nó “xí” hết ngay. Giá mắc gấp mấy lần chuột thịt mà còn không có mua nữa đấy”.
Vừa nói anh vừa kêu mọi người ngồi vào bàn, rồi nhanh chóng gắp một con thả vào nồi nước lẩu, chừng 2 phút sau, anh gắp con chuột lên, bỏ vào miệng vừa nhai vừa hít hà. Tợp một ly rượu ngâm hà nàm chuột xong, anh khà một cái rõ to rồi nói: “Ngon! Món này là sạch nhất đấy. Nó còn trong bụng mẹ, đã ra ngoài đâu”.
Trong lúc chúng tôi đang ngồi vừa ăn uống vừa nói chuyện rôm rả, bất ngờ một thành viên trong bàn nhậu đứng bật dậy, đi nhanh ra vườn sau nhà khiến mọi người ngạc nhiên chẳng hiểu chuyện gì. Ít phút sau, anh bạn đi vào, mặt mày tái nhợt. Anh bạn chủ xị hỏi có chuyện gì, anh bạn ấp úng: “Em nhúng con chuột chưa chín, tanh quá nên mắc ói”!
Quả thật, nhìn những con chuột non đỏ hỏn nằm trong bọc bào thai, tôi không thể nào đủ can đảm cầm đũa gắp nó lên. May mắn là ngoài món chuột hà nàm, còn có cả chuột thịt nướng. Tuy nhiên, đến lúc cầm ly rượu ngâm chuột lên, tôi suýt ói vì không chịu nổi cái mùi vô cùng khó chịu, rất khó diễn tả của nó, vừa nồng, hăng hắc, lại có cả mùi tanh… Nhìn nét mặt nhăn nhó của tôi, anh bạn cười: “Nè, rượu ngâm hà nàm chuột là bài thuốc của Trung Hoa đấy, không phải ai cũng biết đâu. Vừa bổ dương, vừa tăng cường khí huyết lưu thông”.
Rồi anh thao thao giảng về thang thuốc rượu chuột này: Loại chuột dùng để ngâm rượu phải là chuột còn nằm trong bào thai, nếu không thì vừa đẻ xong là hốt cả ổ mang về, rửa bằng rượu trước khi ngâm. Sau đó hạ thổ từ 1 năm trở lên mới khui lên dùng.
“Bài thuốc này anh lấy ở đâu?”, tôi hỏi. “Anh có ông bạn làm thuốc đông y dưới Q.5 (TP.HCM) cho”. Tôi hỏi: “Anh uống vào thấy sao?”. Anh ngập ngừng một hồi rồi đáp: “Thú thực với chú là anh chưa thẩm định được, nhưng mấy anh bạn anh ai cũng nói có công hiệu”.
“Trong đông y, rắn là một vị thuốc bổ âm, chữa các chứng bệnh về xương, khớp, phong thấp. Còn món hà nàm rắn là một món ăn giàu đạm, nhưng phải nấu chín. Còn bổ dương thì chỉ là lời đồn chứ chưa có cơ sở khoa học. Riêng bào thai chuột mà ăn như vậy thì nguy hiểm lắm. Chuột là loài có thể truyền cho người những căn bệnh rất nguy hiểm như thận, lao, dịch hạch…”,bác sỹ Nguyễn Đức Thành, Bệnh viện Y học Dân tộc TP. HCM.