Theo Reuters, Việt Nam gần đây tư vấn các chuyên gia pháp lý quốc tế nhằm kiện Trung Quốc về chủ quyền biển Đông lên tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Vài năm gần đây, Việt Nam đã phát triển sức mạnh quân sự, gồm mua các chiến hạm hiện đại cùng tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Các lãnh đạo quân sự nói mục tiêu không phải để ganh đua với quân sự Trung Quốc, nhưng để đề phòng Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Họ nói sẽ không nổ súng trước, nhưng sẵn sàng bắn trả.
Ông Trần Công Trực, cựu lãnh đạo ủy ban biên giới Việt Nam, nói “Việt Nam là đất nước yêu chuộng hòa bình, nhưng đừng đánh thức con rồng”.
Nhà phân tích an ninh khu vực Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói ông không tin Việt Nam sẽ xuống thang, dù đang chịu sức ép đối mặt với đối thủ lịch sử: “Chúng ta có thể chứng kiến sẽ còn nhiều tháng căng thẳng nữa, mà tôi cho rằng nó có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ Việt - Trung kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979”.
Ông Storey còn nói không dễ thương lượng để giải quyết vấn đề vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) như Việt Nam đã chính thức phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của mình, tức vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển.
Công ước này cho phép các quốc gia có quyền đánh cá, khai thác nguồn tài nguyên dầu khí trong một khu vực, nhưng mặc khác vẫn phải để tàu bè quốc tế qua lại.
Reuters nhận định Trung Quốc hạ dàn khoan dầu “khủng” cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý để khai thác dầu trên vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam, và việc tàu Trung Quốc húc tàu Việt Nam là những bước lùi tệ hại nhất trong quan hệ Việt-Trung.
"Từ nhiều năm qua, Hà Nội đã nỗ lực đối thoại với Bắc Kinh về các hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo này, nhấn mạnh Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam. Nhưng mỗi lần Việt Nam nêu vấn đề này, Trung Quốc lại nói chẳng có gì để bàn luận, vì Hoàng Sa do Bắc Kinh kiểm soát nên không có chuyện tranh chấp" - Reuters viết.
Nay, dù các quan chức Trung Quốc lại muốn đối thoại, nhưng họ vẫn làm tăng căng thẳng trên biển, nơi họ kéo đến hàng chục tàu tuần tra bảo vệ dàn khoan “khủng", và quyết định không bàn chuyện chủ quyền.
Người trong ngành dầu khí Trung Quốc nói nguồn hydrocarbon dưới vị trí khoan hiện nay chưa được chứng minh, và họ nói chỉ vì mục tiêu chính trị chứ không vì thương mại, khiến tập đoàn dầu mỏ Trung Quốc CNOCC đưa dàn khoan “khủng” của họ lấn sâu vào lãnh hải Việt Nam hôm 2.5.
Nhà phân tích Carl Thayer chuyên về biển Đông ở Học viện Quốc phòng Úc, nói: “Trung Quốc xem ra đang cố gây tổn thất lớn nhất cho Việt Nam. Chính việc này khiến các nước khác nhìn nhận những gì đang diễn ra ở Biển Đông không hẳn không phải là chuyện của họ”.