Thứ Ba, Ngày 16 Tháng 4 Năm 2024

Quỳnh Paris đau lòng vì tình trạng 'đạo' thiết kế ở Việt Nam

Thứ Sáu, 21/02/2014 12:00
Nhà thiết kế tốt nghiệp thời trang tại Pháp thẳng thắn, ở Việt Nam có rất nhiều trường hợp ăn cắp chứ không phải đi theo xu hướng bởi họ ra bộ sưu tập chậm hơn gần hai mùa so với quốc tế.

 - Gần đây, các bộ sưu tập của nhà thiết kế Việt liên tục bị cho là "đạo", "nhái" các thương hiệu nước ngoài. Là một nhà thiết kế học hành bài bản về thời trang, chị có suy nghĩ gì về tình trạng này?

- Rất đau lòng. Nhiều người cho rằng thời trang Việt đã khởi sắc vì có nhiều mẫu mã, xu hướng giống quốc tế, nhưng tôi thì thấy buồn. Những chủ sở hữu đích thực của các thiết kế đã lao động sáng tạo cực kỳ tỉ mỉ, công phu, trải qua bao nhiêu bước mới có một bộ sưu tập hoàn hảo. Vậy mà, một số người làm hàng nhái lại ngang nhiên "ăn cắp" những công đoạn để cho ra đời một bộ váy lỗi, hạ thấp giá trị của thương hiệu gốc. Có thể họ làm vì lợi nhuận mà quên một điều rằng phong cách, bản sắc mới là thứ quan trọng nhất. Giống như việc xây nhà, bạn phải xây móng cho thật vững, còn việc trang trí ít hay nhiều cho đẹp qua thời gian là rất dễ.

Nói thật, với những người học thiết kế đàng hoàng thì việc copy mẫu còn đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều. Vì chúng tôi am hiểu cách rã thân, chất liệu vải cho đến nhà in... Tôi có thể nhận làm hàng trăm mẫu "xào nấu" từ các xu hướng "hot" để bán, vừa tiết kiệm vừa sinh lời cao. Nhưng tôi cho rằng điều đó không xứng đáng với những gì tôi lao động, học tập tại Pháp.

- Nhưng ranh giới giữa "ăn cắp mẫu" và "đi theo xu hướng chung" rất mong manh. Theo chị, những yếu tố, nền tảng nào sẽ giúp giới chuyên môn phân định rạch ròi?

- Muốn nhận định một mẫu thiết kế có ăn cắp hay không, ta phải đánh giá, xem xét tinh thần, phong cách của chính nhà thiết kế được thể hiện qua sản phẩm từ trước đến nay. Dù có tên gọi, kết cấu khác nhau nhưng phong cách thì chỉ có một, đôi khi nó tiềm ẩn bên trong thiết kế mà chỉ có những người thật sự am tường thời trang mới nhìn ra. Đó là cả một quá trình để khẳng định thương hiệu, như tôi đã nói ở trước.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, tôi thấy Việt Nam có rất nhiều trường hợp ăn cắp mẫu chứ không phải đi theo xu hướng. Tôi có thể chỉ ra được cấu trúc, chất liệu vải, màu sắc và những nét style căn bản của mỗi nhà thiết kế, thương hiệu. Ở Việt Nam, các thương hiệu thời trang ra bộ sưu tập trễ gần hai mùa so với lịch thời trang quốc tế, sự trùng hợp rất khó xảy ra. Huống chi, có vài thương hiệu còn "đổ thừa" bị nhãn hàng quốc tế ăn cắp mẫu thì thật khó hiểu.

Nhà thiết kế Quỳnh Paris.

- Chị đã bao giờ rơi vào tình trạng bị ăn cắp ý tưởng?

- Tôi không nghĩ Quỳnh Paris là một cái gì đó quá lớn lao trong làng mốt. Tôi cũng rất tôn trọng các đồng nghiệp với hy vọng được cạnh tranh công bằng để thời trang nước nhà đi lên. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là không ít người chê bai những thiết kế của tôi rồi một hai mùa sau lại "copy" chúng. Những hình thái hoa 3D trong bộ sưu tập Sen (Xuân Hè 2012), dáng phồng, chỉ tua hay vai nhọn... là ví dụ rõ ràng nhất.

Vì lý do này, tôi chỉ giới thiệu rộng rãi các thiết kế Haute Couture, còn dòng Ready-to-wear (ứng dụng) tôi "giấu nhẹm", chỉ trưng bày ở cửa hàng dù sản xuất rất nhiều. Tôi sợ bị copy mẫu. Thật lòng, tôi không lên án hay bài xích ai. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng sự thật thay vì vuốt ve nhau.

- Nhưng phần lớn người Việt vẫn thích trang phục hợp mốt, dù có là "hàng nhái". Theo chị, các nhà thiết kế trẻ cần làm gì để tạo được sự khác biệt mà vẫn hòa nhịp với dòng chảy thị trường?

- Mỗi thương hiệu, nhà thiết kế đều có tinh thần, những style riêng của mình, đồng thời kết hợp với xu hướng chung. Các thương hiệu lớn, hay chúng ta vẫn gọi nôm na là "hàng hiệu" đã gây ảnh hưởng toàn cầu dựa trên danh tiếng, sự đầu tư, quảng bá... qua hàng thế kỷ. Nhiều người tưởng việc cập nhật nhanh chóng các xu hướng là tốt, nhưng dần dà, điều này sẽ làm cho thời trang Việt mãi mãi bị trì trệ, không có bản sắc riêng. "Tôi đi theo thời đại" cũng có nghĩa là: "Tôi theo sau thời đại". Vì sao chúng ta không chắt lọc những tinh hoa của văn hoá để cho người Việt mặc, để đưa thời trang của mình ra thế giới.

Mẫu áo dài vừa được Quỳnh Paris mang đi triển lãm tại Mỹ.

- Chị đã hành động thế nào để phát triển thời trang Việt theo cách mà chị mong muốn?

- Tôi vừa diễn một bộ sưu tập Áo dài 2014 và triển lãm một bộ sưu tập khác mang tên Fusion (Thống Nhất), tại Newport Beach, California. Dù trùng vào thời điểm giao thừa của Tết Nguyên đán nhưng đêm đó có rất nhiều khách mời Việt Nam và khách mời người Mỹ tham dự. Tôi rất vui vì có nhiều khách đã đặt mua trước show diễn, và nhiều mẫu trong bộ sưu tập triển lãm cũng được mua liền tại chỗ.

Các chi tiết 3D cũng như những chất liệu màu ánh kim là sự làm mới của tôi với tà áo dài dân tộc. Người Mỹ luôn thích áo dài, nhưng họ muốn nhìn thấy cái gì mới và được cập nhật theo quốc tế. 

- Hòa hợp giữa sáng tạo và thị hiếu chung là điều không dễ. Chị nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng các thiết kế của chị quá xa vời, khó hiểu cũng như thiếu tính ứng dụng?

- Quỳnh Paris là thương hiệu mới, muốn khẳng định style của mình thì phải làm đồ cao cấp trước. Các nhà thiết kế lớn trên thế giới đều làm vậy. Nếu chỉ làm đồ ứng dụng thôi thì người khác không thấy được khả năng, sự sáng tạo và khác biệt của bạn. Vì lý do này, dù dòng Haute Couture hầu như không tạo ra lợi nhuận, các thương hiệu vẫn đổ rất nhiều tiền hằng năm để sản xuất, trình diễn nhằm thu hút truyền thông và tạo nên đẳng cấp riêng. Nó giống như là bộ mặt của thương hiệu.

Tôi không chờ đợi thị trường Việt Nam hiểu hết những sáng tạo của mình. Là một nhà thiết kế, một người làm kinh doanh, việc lắng nghe khách hàng là rất quan trọng. Nhưng giữ được con đường đi riêng, thị trường riêng còn quan trọng hơn chạy theo số đông. 

- Cảm giác của chị ban đầu khi nghe những phản hồi không mấy tích cực về mình?

- Chanel khi mới trình làng cũng đã bị các quý cô thời đó kịch liệt phản đối, vì thương hiệu này mở đầu xu hướng phom dáng suông, trong khi thời đó, các thiết kế corset ép chặt eo và ngực đang là mốt. So sánh vậy để thấy rằng, nhà thiết kế, thương hiệu nào cũng phải chấp nhận hy sinh, chịu cho dư luận "mổ xẻ" trước khi được đón nhận rộng rãi. 

Tôi không có quá nhiều khách hàng nhưng khách hàng của tôi đều là những người có hiểu biết, giúp tôi có động lực và cố gắng phát triển những cái đúng đắn. Tôi chọn lọc khách hàng vì tôi nghĩ không phải cứ đông khách là thành công.

Ca sĩ Đinh Hương trong một bộ váy dạ hội thuộc dòng ứng dụng của nhà thiết kế Quỳnh Paris.

- Nếu không phải là doanh thu, điều gì làm chị tự hào nhất về thương hiệu của mình?

- Tôi tự hào vì mình có một phong cách riêng để nhận ra, dù nó có vẻ vẫn còn xa lạ với người Việt. Nhiều Việt kiều ở Mỹ hay người nước ngoài tìm đến tôi vì muốn có một bộ cánh lạ, phong thái lạ, một sáng tạo rõ rệt dù ở phương diện nào. Họ cũng muốn tìm được những điều đặc biệt, tinh túy của người Việt nhưng vẫn thể hiện được tinh thần của chính nhà thiết kế. Ý thức hệ của người nước ngoài rất cao, họ luôn ủng hộ sự sáng tạo. Họ không bao giờ đưa tôi tấm ảnh của Dior, Chanel và bảo tôi phải làm giống như vậy, vì đó là công việc của một thợ may chứ không phải nhà thiết kế.

- Chị ít giới thiệu các bộ sưu tập mới ở Việt Nam. Sự đón nhận trái chiều của khán giả chiếm mấy phần trong những lý do chính? 

- Đồ của tôi thường đi trước xu hướng hiện hành hai mùa, vì vậy mà nhiều khán giả Việt sẽ cảm thấy không quen và khó lòng đón nhận. Tôi không lấy làm lạ vì điều này và sẽ chờ thêm thời gian.

Thêm nữa, từ ngày đầu về Việt Nam, tôi đã nhắm đến thị trường quốc tế. Tôi tự tin rằng mình có khả năng để cạnh tranh với những thương hiệu lớn, và tôi đã lựa chọn cạnh tranh với họ. Mỗi lần trình diễn tại Los Angeles Fashion Week, khách mua đồ của tôi đa phần là người nước ngoài.

Mục đích tôi tham gia trình diễn chỉ có một: buôn bán chứ không phải giao lưu văn hóa hay đánh bóng tên tuổi nhờ "cộp mác" quốc tế. Nếu để ý, bạn sẽ thấy tôi diễn ở tuần lễ thời trang Los Angeles rất đều đặn. Vì khi diễn lần một, khách sẽ không mua liền. Họ phải theo dõi và tìm hiểu bạn là ai trước khi đặt đặt mua với số lượng lớn. Tôi đã mở cửa hàng tại Mỹ và có đối tác tại chỗ để quản lý. Từ Los Angeles, Quỳnh Paris sẽ đi đến New York và các thị trường khác.

Một thiết kế nằm trong bộ sưu tập Sen của Quỳnh Paris.

- Những kế hoạch lớn trong năm 2014 của chị? 

- Năm 2014 sẽ là một năm hoạt động đánh mạnh vào thị trường Mỹ của Quỳnh Paris. Tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập Thu 2014 tại Tuần lễ Thời trang Los Angeles tháng 3. Lần này, tôi muốn tuyển chọn vài người mẫu Việt để cùng mình sang Mỹ diễn. Tháng 4, tôi sẽ đến chấm điểm trong buổi diễn tốt nghiệp thời trang của trường Otis College of Art and Design. Đây là một niềm vinh dự lớn dành cho một nhà thiết kế Việt Nam khi góp phần tìm ra các tài năng thiết kế mới của nước Mỹ. 

Ở Việt Nam, tôi đang cân nhắc trước một số lời mời làm giám khảo cho các sân chơi thời trang định kỳ hay các cuộc thi nhan sắc. Tôi thích những cuộc thi có tiêu chí khó mà đúng đắn.

Về nhà thiết kế Quỳnh Paris:

- Quỳnh Paris tên thật là Quỳnh Như, đang sống và làm việc giữa Los Angeles, Paris, Lausanne and Sài Gòn. Cô đã tốt nghiệp tại trường thời trang Mod'Art International, Paris. Tại Việt Nam, cô cũng đã học và tốt nghiệp Nhạc viện TP HCM. Cô từng là chủ khảo cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2010, Youth Designer 2012...

- Quan điểm thời trang: Thời trang không chỉ là sự tạo khối, hay dáng dấp, chất liệu mà còn là âm thanh, sự chuyển động và nhiều nghệ thuật khác.

- Các chương trình từng tham gia: Công diễn bộ sưu tập mang tên "Fragile" tại Paris (2009), Trend Fashion Show (Paris 2011), Duyên dáng Việt Nam (2011), chung kết cuộc thi người mẫu "Ngôi sao tương lai" (2012), Tuần lễ thời trang Los Angeles Xuân Hè và Thu Đông 2013, trình diễn bộ sưu tập Áo dài đặc biệt tại Las Vegas và Los Angeles (2013)... 

 

Theo vnexpress

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân