Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, nợ xấu tính đến cuối tháng 8 tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.
Tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính cao nhất, chiếm 21- 37% dư nợ cho vay của các đơn vị này. Còn nhóm các ngân hàng, nợ xấu phần lớn đều dưới mức quy định 3%, ngoại trừ một số ngân hàng như DongABank (6,8%), Ngân hàng Bản Việt (3,61%)...
Nợ xấu trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ lệ trên 74%, lĩnh vực phi sản xuất hơn 25%.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố cho biết, công tác xử lý nợ xấu luôn được tập trung cao suốt thời gian qua. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm, các nhà băng trên địa bàn TP HCM đã xử lý được 15.584 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2013, có 33.879 tỷ đồng nợ xấu cũng đã được giải quyết, đưa tổng số nợ xấu được xử lý tính đến 30/8 là 49.463 tỷ đồng.
Giải thích về việc nợ xấu tăng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, bên cạnh ảnh hưởng từ yếu tố nền kinh tế, nguyên nhân là do từ ngày 1/6/2014, các ngân hàng phải thực hiện phân loại và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 2.
Ngoài ra, theo lãnh đạo các ngân hàng, khâu xử lý tài sản đảm bảo hiện nay đang vướng mắc, phần nào ảnh hưởng đến vấn đề giải quyết nợ xấu. Lãnh đạo Ngân hàng Công Thương tâm sự hợp đồng ký kết luôn có điều khoản cho phép ngân hàng được xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, tuy nhiên, trên thực tế, nếu không có sự đồng ý của khách hàng thì sẽ không được phép. Trong khi đó, thủ tục khởi kiện ra tòa, xét xử rất nhiêu khê. Sau đó, phải chờ thi hành án còn mất nhiều thời gian hơn nữa.
"Nhiều vụ việc tại ngân hàng cách đây mười mấy năm, có tài sản nhưng chưa xử lý xong. Chúng tôi mong sớm có giải pháp cho vấn đề này", ông chia sẻ.
Đánh giá về việc giải quyết nợ xấu trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM dự báo sẽ có nhiều thuận lợi. Trước hết là hoạt động của VAMC sẽ có nhiều tích cực hơn, do đó số nợ xấu được bán sẽ tăng lên.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch 16 của Bộ Tư pháp-Bộ Tài nguyên môi trường-Ngân hàng Nhà nước về xử lý tài sản đảm bảo có hiệu lực từ 1/7/2014 cũng tạo thuận lợi hơn trong việc xử lý tài sản và thu hồi nợ của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng được cải thiện cũng giúp việc trích lập dự phòng rủi ro được thuận lợi và đầy đủ hơn. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2014, các ngân hàng trên địa bàn có lãi hơn 12.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Theo VnExpress