Theo đó Tổng thống Barack Obama đã gửi Quốc hội văn bản của thỏa thuận với nội dung sẽ cho phép Mỹ chuyển giao các lò phản ứng và công nghệ cho Việt Nam.
Thông tin trên tờ Vietnam+, từ ngày 8/5, Quốc hội Mỹ đã bắt đầu xem xét đề nghị này. Thời gian để hai viện quốc hội Mỹ xem xét văn bản này là 90 ngày làm việc và thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực nếu không có ý kiến phản đối.
Ước tính của Viện Năng lượng hạt nhân, cơ quan đại diện cho ngành công nghiệp này của Mỹ, ước tính thỏa thuận có thể mang lại 10-20 tỷ USD trong hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam và tạo ra hơn 50.000 việc làm tại Mỹ.
Viện Năng lượng hạt nhân cũng cho rằng: nếu Quốc hội Mỹ phản đối thỏa thuận, các quốc gia khác “sẽ sẵn sàng lấp đầy chỗ trống này” khi mà Nga và Nhật Bản từng có nhiều thỏa thuận đảm bảo với Việt Nam.
|
Việc lựa chọn lò phản ứng công nghệ hạt nhân Ninh Thuận Việt Nam vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng |
Mới đây nhất ngày 6/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã ký chính thức Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ hai nước về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123).
Trước đó, Hiệp định này đã được ký tắt giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào ngày 10-10-2013 tại Brunei trong khuôn khổ của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 và các Hội nghị Thượng đỉnh liên quan được tổ chức tại Brunei.
Hiệp định 123 cho phép Mỹ và Việt Nam hợp tác phát triển sử dụng năng lượng hạt nhân; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ lò phản ứng hạt nhân dân sự; quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng; đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế và môi trường...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: “Việc ký kết Hiệp định đánh dấu bước tiến quan trọng về sự tin cậy trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Mỹ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Đồng thời mở ra những cánh cửa to lớn cho cả hai bên trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về phát triển điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước”.
Giới chuyên môn trong lĩnh vực hạt nhân cho rằng việc ký kết này sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Việt Nam.
Theo GS Trần Hữu Phát, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Hiệp định có thể giúp chúng ta tiếp xúc được công nghệ nguồn một cách đàng hoàng.
Còn GS.TS Trần Đại Phúc, chuyên gia tư vấn Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận thì cho rằng: Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam có thể thu được các kinh nghiệm của các cơ quan và tổ chức ở Mỹ như DOE, USNRC về mặt pháp quy.
Theo TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Phó Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, hiện việc lựa chọn công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam chưa đi đến kết luận cuối cùng.
"Hiện nay Nhật Bản cũng đưa ra phương án công nghệ AP1000. Đây chính là thiết kế của Mỹ rồi. Việc ký kết này có thể sẽ giúp Việt Nam vững tin hơn nếu sau này quyết lựa chọn công nghệ AP1000 trong số nhiều công nghệ khác đang được giới thiệu. Cụ thể sẽ không có gì trở ngại về mặt chuyển giao công nghệ về sau.Việc ký kết sẽ giúp Việt Nam có thể mua được nhiên liệu cũng như nhiều công nghệ liên quan đến điện hạt nhân của Mỹ", TS Điền nói.