Chiều 11/5, Liên đoàn Luật sư Việt Nam mở cuộc họp mở rộng bất thường tuyên bố phản đối hành vi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
|
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển gần giàn khoan trái phép Hải Dương - 981. Ảnh: Reuters. |
Tại cuộc họp, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã thảo luận và nhất trí đưa ra bản tuyên bố phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương – 981), khoan thăm dò ở sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bản tuyên bố đã nêu ra chuỗi các hành vi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông diễn ra trong thời gian dài; đặc biệt là việc sử dụng vũ lực xâm chiếm Quần đảo Hoàng Sa năm 1974; sử dụng tàu hải giám cắt cáp thăm dò địa chấn các tàu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2011 và 2012; công bố mời thầu thăm dò dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam năm 2012; thành lập đơn vị hành chính lãnh thổ với tên gọi là “Chính quyền thành phố Tam Sa” bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam năm 2012.
Qua đó, Liên đoàn Luật sư khẳng định, hành vi của Trung Quốc đã "thành bản chất và mang tính hệ thống". Những hành vi đó vi phạm nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam theo pháp luật quốc tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt, cũng như vi phạm Cam kết chính trị - pháp lý của chính Trung Quốc trong quan hệ với các nước ASEAN về Biển Đông được ghi nhận tại điểm 4 và điểm 5 của Tuyên bố về ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC) năm 2002.
Thay mặt giới luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cực lực phản đối Chính phủ Trung Quốc về hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam tại Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Liên đoàn Luật sư yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam tại các Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chấm dứt các hành vi xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; chấm dứt hoạt động và rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981, rút hết các tàu công vụ và quân sự đang hộ tống giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không lặp lại hành động tương tự trong tương lai.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam kêu gọi toàn thể giới luật sư quốc tế, giới học giả và nghiên cứu quốc tế về Biển Đông lên án hành vi vi phạm của Trung Quốc; đồng thời ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ luật pháp và công lý quốc tế, giữ gìn hòa bình ổn định và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Liên đoàn Luật Sư Việt Nam Lê Thúc Anh cho biết, Liên đoàn và giới luật sư Việt Nam sẵn sàng đóng góp với Chính phủ về những cơ sở pháp lý và trong các hành động pháp lý để bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách pháp luật và Phát triển, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, nhận định, tuyên bố trên của Liên đoàn Luật sư phản ánh lập trường của giới luật sư Việt Nam trên những vấn đề pháp lý quốc tế và quốc gia; đồng thời bày tỏ quyết tâm cùng Chính phủ Việt Nam góp phần đấu tranh trên mặt trận pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Theo luật sư Lê Thanh Sơn, Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý để kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về việc xâm phạm lãnh hải và chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài ra, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Nghề cá Việt Nam hoàn toàn có thể kiện Tổng công ty Dầu khí Hải Dương (Trung Quốc).
Tính đến nay, Trung Quốc đã huy động khoảng 80 tàu hộ tống, trong đó có nhiều tàu quân sự và máy bay yểm trợ. Một số tàu Trung Quốc đã cố tình đâm thẳng vào các tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và thương tích đối với nhân viên công vụ của Việt Nam.