Nghĩa tình đồng bào
Đã thành thông lệ, năm nào gia đình ông Võ Hồng Nam - con trai và bà Mạc Thị Thúy Hường - con dâu Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng lên thăm Cao Bằng và tặng quà các gia đình cách mạng, người dân khó khăn và trẻ em ở vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa. Những hồi ức về người cha vẫn luôn in đậm trong tâm trí ông Võ Hồng Nam - con trai út của Đại tướng.
Ông Võ Hồng Nam (đứng ngoài cùng bên trái) đi thăm và tặng quà trường Mầm non Tam Kim (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng).
“Cùng với Bác Hồ, với các đồng chí, đồng bào các dân tộc, ba tôi đã hoạt động, chiến đấu ở vùng Cao Bắc Lạng Thái Tuyên Hà từ năm 1941 đến năm 1945. Ba tôi được đồng chí, đồng bào đùm bọc, che chở, tình cảm như trong một nhà. Gia đình chúng tôi mãi mãi ghi nhớ điều đó”, ông Nam chia sẻ.
Tam Kim (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiêu diệt đồn Phai Khắt, mở đầu truyền thống trận đầu phải thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) là nơi ghi dấu trận đánh đồn Nà Ngần - trận thắng thứ hai của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
“Lần cuối ba tôi về thăm Cao Bằng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân Đội nhân dân Việt Nam 22/12/1994, tôi cũng được đi cùng ông. Đường vào Tam Kim ngày đó khó vô cùng. Các đơn vị thuộc Binh đoàn Trường Sơn và Bộ tư lệnh công binh mới mở đường vào rừng Trần Hưng Đạo. Trời mưa nhiều ngày liền khiến đường sình lầy, ba tôi phải chống gậy, lội bùn leo núi đến địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải phóng quân. Cảm động nhất là cảnh dưới trời mưa đồng bào, cán bộ các dân tộc Dao, Tày, Nùng, Mông cùng bộ đội xếp thành từng khối đứng kín triền đồi và hai bên đường đón Đại tướng. Sau lễ khánh thành nhà bia tưởng niệm ra khỏi rừng, ba tôi thăm lại đồng bào, đồng chí ở Tam Kim. Nhà của người dân rất đơn sơ. Các em học sinh Trường Tiểu học và Trung học Tam Kim đang cắm trại ùa ra đón ba tôi. Các em học sinh phải học trong điều kiện trường sở rất nghèo nàn. Về sau này, ba tôi không còn đủ sức khoẻ để đi thăm lại đồng bào nhưng lần nào gặp các đồng chí ở tỉnh Cao Bằng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông cũng đều dặn các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến trẻ em vùng cao, đặc biệt là con em đồng bào các vùng căn cứ địa cách mạng. Đồng bào vẫn thường gửi tặng ông từng chai mật ong, từng chục trứng, ống cơm lam cùng những lời chúc sức khỏe. Nghĩa tình đồng bào thật sâu nặng”, ông Nam kể.
“Ngôi trường Đại tướng” ở nơi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Để làm tròn di tâm nguyện của cha, trong chuyến đi khánh thành trường Tiểu học Mường Phăng, huyện Điện Biên (Điện Biên), gia đình cùng làm với Công ty Boeing (Mỹ) và Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) vào tháng 5/2010, ông Võ Hồng Nam đã đề xuất ý tưởng về Dự án xây trường Tiểu học Tam Kim (Cao Bằng). Cùng với sự hỗ trợ của Uỷ ban nhân dân huyện Nguyên Bình, Công ty Boeing, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người bạn đã chung tay giúp đỡ địa phương.
Ngôi trường được khởi công xây dựng từ năm 2012 khi Đại tướng còn sống và ở tuổi 101. Trong Dự án này, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp tài trợ toàn bộ bàn ghế, thiết bị học tập, xây dựng phòng thư viện. Công ty TECAPRO (Viện Khoa học Công nghệ Quân sự) cùng gia đình Đại tướng tặng nhà trường phòng máy tính nối mạng với đầy đủ máy chiếu, máy in.
Viện Khoa học Công nghệ Quân sự tài trợ hệ thống nước sạch không những giúp trường Tiểu học Tam Kim mà còn giúp trường THCS và trường Mầm non có nguồn nước sạch an toàn trong sinh hoạt.
Các đại biểu cắt băng khánh thành nhà học 6 phòng trường Tiểu học Tam Kim (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng).
Ba năm liền từ năm 2012, gia đình ông Võ Hồng Nam và bà Mạc Thị Thúy Hường đều lên Cao Bằng tặng quà, đồ ấm, ủng cho tất cả học sinh trường Mầm non và trường Tiểu học ở hai xã Tam Kim và Hoa Thám để giúp các em vượt qua giá rét đến trường học chữ.
Trong lễ khánh thành Tiểu học Tam Kim vào ngày 21/1 vừa qua, gia đình Đại tướng cùng nhưng người bạn đã tặng tất cả các em học sinh chăn đông, sữa hộp, 1 chiếc máy lọc nước Kanguru, 9 thùng sách, vở luyện chữ của NXB Đại học Sư phạm và quà tặng các giáo viên.
Thiết kế nhà học 6 phòng đảm bảo chuẩn thiết kế trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Nam đã tin tưởng lựa chọn ông Nông Văn Tuấn làm nhà thầu thi công bởi lẽ ông Tuấn chính là con trai ông Nông Văn Xương (Bé Hồng) - người liên lạc viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và cũng là một người con của quê hương Tam Kim.
Công trình được khánh thành, xen lẫn niềm vui, ông Võ Hồng Nam vẫn trăn trở làm thế nào để học trò Tam Kim được học bán trú và phấn đấu đưa trường trở thành trường chuẩn quốc gia. Gia đình đang bàn bạc với địa phương và Ban giám hiệu nhà trường lên kế hoạch xây dựng bếp ăn bán trú cho các cháu trong thời gian tới.
Ông Võ Hồng Nam tặng các em học sinh trường Tiểu học Hoa Thám những tấm áo mới.
Ngay sau lễ khánh thành trường Tiểu học Tam Kim, gia đình Đại tướng và những người bạn tiếp tục đi thăm và tặng quà gồm áo len, khăn len, mũ len, chăn ấm cho tất cả học sinh trường Mầm non Tam Kim và trường Tiểu học Hoa Thám. Nếu như trường Tiểu học Hoa Thám là dãy nhà cấp 4, mỗi khối chỉ có một lớp với tổng số 151 học sinh và 22 giáo viên thì trường Mầm non Tam Kim cũng khó khăn không kém. Mẫu giáo Tam Kim có khuôn viên nhỏ với 110 học sinh, 10 giáo viên chia làm 7 lớp tại các bản. Các lớp phải ghép học sinh từ 2-5 tuổi . Niềm vui rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt những đứa trẻ và các bậc phụ huynh khi các em được trao tận tay những món quà Tết gồm tấm chăn ấm, tấm áo mới, mũ len, khăn len, sữa hộp,...
Niềm vui rạng ngời trên gương mặt các em học sinh trường Tiểu học Hoa Thám.
Trở về Hà Nội trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, trong khu vườn nhà quen thuộc ở số 30 Hoàng Diệu, ông Võ Hồng Nam giọng như trùng xuống: “Ngay khi trở về từ Nguyên Bình, tôi có gọi điện lên hỏi thăm, các thầy cô giáo nói trên đó nhiệt độ đã xuống gần OºC, các em học sinh co ro đốt lửa ngồi sưởi ở ngoài sân trước khi vào lớp”.
“Rất nhiều người đã giúp đỡ để các em ở Tiểu học Tam Kim có ngôi trường đẹp, có phòng máy tính kết nối internet, mong sao trường Mầm non Tam Kim, Tiểu học Hoa Thám, và các ngôi trường khác của Nguyên Bình sẽ ngày càng khang trang hơn để các em đủ điều kiện học tập như học sinh ở miền xuôi. Chúng tôi luôn tâm niệm, không chỉ giúp đỡ các em về cơ sở vật chất mà còn phải hỗ trợ các em học tập tốt hơn, hiểu được truyền thống của quê hương anh hùng, luyện cho các em tác phong sinh hoạt để làm sao từ bé các em đã biết sống vệ sinh, có ý thức với cộng đồng và môi trường”, ông Nam bày tỏ.