Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024

Đời hiệu trưởng làm thuê

Thứ Bảy, 19/04/2014 12:00
Nếu hiệu trưởng trường công lập được quyền quyết định mọi việc trong phạm vi hoạt động của trường, thì hiệu trưởng trường ngoài công lập có thể không tạo được dấu ấn riêng nào, bởi đơn giản họ chỉ là người được thuê ngồi vào ghế hiệu trưởng.

 

 

Hiệu trưởng phải là người có kinh nghiệm quản lý, đưa ra các đường lối, quan điểm giáo dục đúng đắn, phù hợp để phát triển nhà trường theo hướng lâu dài, ổn định.

Tuy nhiên rất ít hiệu trưởng trường tư có được những quyền này khi mà hội đồng quản trị (HĐQT) nhúng tay quá sâu vào các công tác điều hành nhà trường, từ tuyển sinh đến chuyên môn, nhân sự.

Ngoài những hiệu trưởng chỉ đơn thuần “làm công ăn lương”, không có thực quyền, thì ngay cả những hiệu trưởng có góp vốn và nằm trong HĐQT cũng bị “ép” phải đưa nhà trường phát triển theo định hướng của HĐQT với mục tiêu lợi nhuận được đặt lên hàng đầu.

Quyền lực không trong tay hiệu trưởng

Tại trường H (Q.Tân Bình, TP.HCM), khi phát hiện một nhóm học sinh nam tổ chức ăn nhậu tại trường trong khu nội trú, đích thân chủ tịch HĐQT xách vào trường 20 lít rượu, gọi tất cả những học sinh nam này ra nhậu một trận tơi bời, với lý giải “cho bọn nó nhậu một lần thật xỉn để mai mốt không nhậu nữa”.

Ban giám hiệu phản ứng kịch liệt với cách làm này nhưng rồi cũng đành chịu trận.

Chủ tịch HĐQT còn đưa con, cháu mình giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà trường, dù những người này chưa hề được đào tạo về quản lý giáo dục.

Đó là trường hợp HĐQT nhúng tay quá sâu vào công tác chuyên môn khiến hiệu trưởng... tự ái.

Lại có trường hợp HĐQT chỉ lo kinh doanh, không thiết tha mấy với giáo dục, nhiều người đầu tư mở trường vì những mục đích khác nằm ngoài giáo dục.

Ví dụ như ở trường tư thục nọ, chủ trường đầu tư mở trường chỉ vì muốn giữ miếng đất đã được quy hoạch là phục vụ giáo dục, sợ Nhà nước thu hồi.

Chủ tịch HĐQT thường xuyên đặt câu hỏi “Lợi nhuận đâu? Bao giờ có lời?” khi mà ngôi trường chỉ vừa mới định hình và chưa có đông học sinh.

Tại TP.HCM, có thể dễ nhận thấy một hình ảnh nghịch lý là trong một số ngôi trường tư, ngoài phòng làm việc của hiệu trưởng còn có phòng làm việc của chủ tịch HĐQT, thậm chí phòng này còn to, đẹp hơn phòng hiệu trưởng rất nhiều.

Đó là khi nhà đầu tư muốn tự mình giám sát, tham gia hoạt động nhà trường. Có hiệu trưởng chán nản cho biết nhà trường rất khắt khe trong việc tuyển chọn nhân sự, nhưng thi thoảng chủ tịch HĐQT lại đưa con, cháu, họ hàng, người thân vào và bắt hiệu trưởng phải nhận.

Việc phân công chủ nhiệm, đứng lớp, việc mua sắm học cụ, tổ chức ngoại khóa... đều được HĐQT trực tiếp kiểm tra, cho ý kiến. Hiệu trưởng không được toàn quyền quyết định hướng giáo dục học sinh và phát triển nhà trường.

Cô Lý Thục Trang - hiệu trưởng Trường tư thục Thành Nhân (Q.Tân Phú), cũng là người sáng lập và là thành viên HĐQT - cho biết: “Tôi là người may mắn khi có thể tự ra quyết định và làm ráo riết những việc mình cho là đúng để phát triển nhà trường. Chuyện đó chỉ có thể xảy ra khi hiệu trưởng vừa là nhà đầu tư, và những nhà đầu tư khác, những cộng sự khác phải cùng đồng lòng, cùng tiếng nói và mục tiêu giáo dục. Tôi biết nhiều hiệu trưởng tài giỏi, đầy kinh nghiệm và rất tâm huyết với học trò nhưng không thực hiện được hoài bão của mình vì đưa ra định hướng gì cũng bị HĐQT cản”.

Không theo thì... rút

Có hai kiểu “hiệu trưởng làm thuê” trong khối các trường ngoài công lập. Một là những người được “mượn tên” để hợp thức hóa thủ tục lập trường hoặc những người dễ chấp nhận sự điều hành của nhà đầu tư, của HĐQT. Trong trường hợp này, hiệu trưởng không có thực quyền, đôi khi không làm việc.

Một giáo viên trường ngoài công lập ở Hà Nội cho biết: “Chỉ đạo, quản lý, trả lương cho chúng tôi đều là người của HĐQT. Trong suy nghĩ của cán bộ, giáo viên, chủ tịch HĐQT mới là hiệu trưởng. Nhưng vì lý do nào đó cần đúng thủ tục, họ vẫn có một hiệu trưởng. Hiệu trưởng ít khi đến trường, trừ khi cần đến chữ ký”.

Nhận xét của giáo viên trên có thể khái quát được chân dung cơ bản của kiểu hiệu trưởng thứ nhất. Còn kiểu hiệu trưởng thứ hai là những người từng có kinh nghiệm, có uy tín. Họ được thuê một phần vì danh tiếng của họ, nhưng cũng có những nhà đầu tư hi vọng có thể sử dụng được năng lực của hiệu trưởng trong việc gây dựng “thương hiệu”.

Với kiểu hiệu trưởng thứ hai, khó khăn đôi khi nảy sinh từ cả hai phía. Theo PGS Văn Như Cương, người sáng lập và tạo nên uy tín cho Trường THPT Lương Thế Vinh, nhưng cũng vừa nhường chức hiệu trưởng cho người khác vì hết tuổi đảm trách, thì “ở vai trò làm thuê, cũng có những hiệu trưởng không gắn bó, hết mình vì chất lượng giáo dục. Họ để xảy ra sai sót trong điều hành, có những người đòi hỏi thù lao hơn những gì mình cống hiến. Những hiệu trưởng như thế cũng khó tồn tại vì đương nhiên những người góp vốn xây trường sẽ phải giải quyết mà cách duy nhất là chấm dứt hợp đồng”.

Tuy nhiên, PGS Cương cũng thừa nhận nhiều hiệu trưởng có tài, có tâm nhưng phải rút lui vì không có tiếng nói chung với những người góp vốn.

Một hiệu trưởng chủ động xin thôi chức ở một trường tư có “thương hiệu” chia sẻ: “Tôi không tìm được tiếng nói chung với HĐQT. Vì khi bắt đầu có uy tín, những người góp vốn muốn điều chỉnh một số quy định về tuyển sinh đầu vào, nâng học phí, giảm lương giáo viên, một số cam kết trước đây với cha mẹ học sinh đã bị lờ đi, cách quản lý tài chính không minh bạch... Những điều chỉnh này nhằm nâng lợi nhuận lên cao. Nhiều quy định về chuyên môn tôi đặt ra với giáo viên nhằm đảm bảo chất lượng dạy học bị phản bác. Tôi cảm thấy mình không được tôn trọng, và nếu ở lại tôi phải chấp nhận những vấn đề đi ngược với quan điểm giáo dục. Bởi vậy, tôi rút lui”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên hiệu trưởng Trường Hà Nội Academy, cũng thừa nhận khó khăn đó không phải hi hữu với “hiệu trưởng làm thuê”. Ngay trong HĐQT có người quan điểm thế này, người muốn thế kia. Hiệu trưởng không chỉ phải thuyết phục HĐQT đồng ý với cách điều hành của mình, mà còn phải thuyết phục được phụ huynh, học sinh, cán bộ giáo viên “chia sẻ với chủ trương của HĐQT”. Như vậy, hiệu trưởng vừa là người thừa hành, vừa phải là cầu nối, tạo chất xúc tác để duy trì “hòa khí chung”.

“Theo quy định, những hiệu trưởng “làm thuê” được phép tham dự các cuộc họp của HĐQT để báo cáo và trả lời thắc mắc, thuyết phục các thành viên hội đồng. Nhưng hiệu trưởng không được bỏ phiếu, không có tiếng nói góp phần quyết định nếu hiệu trưởng không phải thành viên hội đồng, không phải đại cổ đông” - ông Đại cho biết.


 

 

 

Nỗi niềm hiệu trưởng bị ép từ chức

Khi được mời sáng lập một ngôi trường với vốn đầu tư 3 tỉ đồng, tôi đồng ý góp vốn 10% và được đề nghị làm hiệu trưởng nhờ có 40 năm kinh nghiệm giảng dạy và quản lý. Tôi được sở công nhận chức danh hiệu trưởng có thời hạn trong năm năm. Trường mới mở, tuyển sinh khó khăn, chưa có thương hiệu, trong thời buổi hàng loạt trường tư cạnh tranh và lỗ thê thảm. Tôi dồn hết tâm sức để động viên phụ huynh, nghiêm túc với học trò, tìm kiếm giáo viên, phân loại học sinh để bồi dưỡng. Giáo viên của trường phải phụ đạo cho học trò miễn phí vì biết học trò không khá giả, chỉ có khả năng đóng học phí từng đó.

Kết quả ngay năm đầu tiên trường có tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100%, tuy chưa có lời nhưng cũng không bị lỗ. Cá nhân tôi trong năm đầu tiên ấy, mỗi ngày có mặt ở trường từ 7g-23g để giải quyết công việc, tôi cũng chỉ nhận mức lương 10 triệu đồng/tháng bởi biết hoạt động nhà trường những năm đầu còn khó khăn, eo hẹp.

Sau năm đầu tiên, mọi việc vào khuôn khổ, số lượng học sinh vào học tăng lên, chủ tịch HĐQT muốn vợ của mình nắm quyền điều hành trường nên đột ngột thương lượng với tôi “nhường” chức danh hiệu trưởng và chỉ làm “hiệu trưởng danh dự” với mức lương 2 triệu đồng/tháng, lâu lâu dự họp, ký tên, ngoài ra không có quyền hạn gì. Tôi đành viết đơn từ chức và chấp nhận đồng vốn bỏ vào không biết bao giờ mới lấy lại được. Hiện tôi đã nghỉ trường này được hai năm và được biết sau đó với cách làm mới, trường không tuyển sinh được nhiều.

Câu chuyện của tôi không lạ lùng gì trong ngành giáo dục tư thục. Khi “bột chưa gột nên hồ”, hiệu trưởng được ưu ái, đối xử vồn vã, ân cần. Khi trường bắt đầu định hình và có chút lời, người ta lại muốn “truất quyền” hiệu trưởng để được thoải mái định hướng nhà trường theo mục tiêu sinh lời càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chỉ những ngôi trường đặt học sinh làm đầu, có cái tâm của người làm giáo dục, không đặt mục tiêu kinh doanh mới phát triển lâu dài.

Thầy T. (nguyên hiệu trưởng một trường tư thục tại TP.HCM) 

Theo Tuổi Trẻ

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân