Việc không thể đừng
Việc cổ phần hóa không minh bạch sẽ gây ra khoản thất thu cho nhà nước rất lớn.
Có rất nhiều DNNN vừa hôm qua kêu lỗ, hôm sau lại có thể công bố lãi hàng nghìn tỷ đồng làm dư luận ngơ ngác. Lãi có cũng được, không có cũng chẳng chết ai. Nhưng nợ đổ lên đầu Nhà nước, đầu nhân dân thì không chấp nhận được. Cuối năm 2013, gánh nặng nợ của các DNNN ngày càng nặng thêm, tạo áp lực tiêu cực lên toàn bộ nền kinh tế, buộc Chính phủ cân nhắc các phương án xóa nợ tiền thuế và tiền phạt khó đòi phát sinh trước năm 2007 cho 4 nhóm DNNN đặc thù theo Thông tư 179/2013/TT-BTC ban hành ngày 2-12-2013. Hàng trăm nghìn tỷ có thể sẽ trôi xuống sông xuống biển.
Chưa có con số chính thức của năm 2013, nhưng đọc các con số thống kê chính thức của năm 2012, nhiều người đã ngất. Năm 2012, chỉ riêng 127 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ - con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỉ đồng, tương đương 62-63 tỉ USD, xấp xỉ 50% GDP cả nước. Hơn nữa, các khoản nợ này bằng 78,9% doanh thu cả năm 2012, vượt 132% vốn chủ sở hữu (1.019.578 tỉ đồng) và chiếm hơn một nửa so với tổng tài sản 2.569.433 tỉ đồng của các tập đoàn, tổng công ty này. Trong đó, khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty là 402.955 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế; vay nợ nước ngoài là 315.851 tỉ đồng (vay ngắn hạn 70.659 tỉ đồng, dài hạn 245.192 tỉ đồng), trong đó 2/3 là vay ODA và được Chính phủ bảo lãnh.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 của các tập đoàn, tổng công ty là 1,46 lần, song có 48 đơn vị có tỉ lệ này gấp 3 lần trở lên. Theo Tổng cục Thống kê, nếu như trước năm 2012, tỉ lệ vốn ngân sách Nhà nước đầu tư vào khu vực DNNN luôn tăng đều qua các năm thì bước sang năm 2013, tỉ trọng này lại có xu hướng giảm mạnh, nhưng tổng vốn đầu tư của DNNN 9 tháng đầu năm 2013 vẫn tăng 104,2% so cùng kỳ năm trước. DNNN chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 và tăng lên 39,3% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2013... Và không cần phân tích, chúng ta cũng có thể thấy biểu đồ nợ của các DNNN sang năm 2013 sẽ không tăng tà tà mà sẽ tăng dựng đứng. Đáng lo thay!
Những nỗi lo mất tài sản Nhà nước
Không dừng ở việc hô khẩu hiệu, hàng loạt quy chế, các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tạo một nền tảng pháp lý để đẩy nhanh cải cách DNNN, như buộc DNNN phải công bố thông tin minh bạch hơn, phải nộp ngân sách với cổ tức cho phần vốn Nhà nước của các công ty cổ phần có vốn Nhà nước, gắn lương, thưởng của các lãnh đạo DNNN với hiệu quả kinh doanh của DN và yêu cầu DNNN phải thoái vốn ngoài ngành. Nếu những nhóm giải pháp này cùng được áp dụng đồng bộ thì chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực cho cải cách DNNN. Hiện tại, Chính phủ đang xem xét việc cho phép các DNNN trong trường hợp cần thiết có thể thoái vốn đã đầu tư ngoài ngành với mức giá thấp hơn giá trị mua ban đầu, chịu lỗ. Mặt khác, với những đợt thanh tra kiểm toán liên tục, yêu cầu minh bạch thực trạng và hoạt động của DNNN sẽ được thực hiện.
Nhưng những nỗi lo lắng lớn cũng đã xuất hiện. Ở các nền kinh tế chuyển đổi trước chúng ta như ở Nga, Đông Âu… sau những đợt cổ phần hóa DNNN, xuất hiện hàng loạt tỷ phú đô la, dĩ nhiên hàng tỷ đô la này không từ trên trời rơi xuống mà là từ tài sản Nhà nước chuyển sang tay tư nhân. Ở nước ta từ năm 1992 gần 4.000 DNNN đã được CPH, và đã có nhiều tài sản Nhà nước đội nón ra đi. Khu đất vàng của Kem Tràng Tiền trị giá hàng nghìn tỷ được cổ phần vài chục tỷ và rơi vào tay tư nhân là một ví dụ. Người ta có thể bào chữa hàng nghìn cách, nào đúng luật, nào đúng quy trình… nhưng cuối cùng tài sản Nhà nước đã mất. Đó là thực tế.
Có rất nhiều cách để làm biến tài sản Nhà nước thành tư nhân. Cách phổ biến nhất là định giá tài sản trước CPH rất thấp. Dẫu có đấu thầu, dẫu có công khai, nhưng khi những lợi ích nhóm đang hoành hành, những kẻ tham ô tài sản Nhà nước vẫn kiếm chác được như thường. Cách thứ hai là chiếm đoạt tài sản Nhà nước trước CPH, để nhiều tài sản Nhà nước ra ngoài sổ sách. Rất nhiều đất đai, máy móc được cho mượn, cho thuê đã bị làm hồ sơ giả để coi như đã bán cho các DN và cá nhân để sau khi an toàn, nó lại trở về tay những lãnh đạo DNNN đã cổ phần hóa. Có thể nói đa phần các DNNN đã cổ phần hóa đều có thất thoát tài sản theo kiểu này.
Thêm nữa, DNNN nào cũng có tài sản vô hình bao gồm thương hiệu, những mối quan hệ, uy tín thương trường và cả những thỏa thuận đã ký kết. Những tài sản này không nằm trong bảng tổng kết tài sản, nhưng giá trị vô cùng lớn. Việc không định giá đầy đủ các tài sản vô hình sẽ gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước. Còn một thứ tài sản vô cùng khó định giá, đó là giá trị đất. Hầu hết các DNNN đã cổ phần hóa tính giá đất theo bảng giá đất các địa phương công bố thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, hoặc chỉ tính tiền thuê đất đã nộp ngân sách. Đây là khoảng trống khổng lồ tạo cơ hội chiếm đoạt tài sản Nhà nước của kẻ xấu.
Thêm một bài học nữa trong cổ phần hóa DNNN tại các nước Đông Âu. Đó là sự vượt trội của các tỷ phú trong lĩnh vực khai khoáng. Việc định giá thấp các mỏ khoáng, việc áp thuế tài nguyên thấp như trước đây áp dụng cho các DNNN với những nhiệm vụ xã hội chính trị, việc bán rẻ những nghiên cứu khoa học về trữ lượng, về địa chất nói chung cùng những ưu đãi bằng tiền mua được không những làm mất tài sản Nhà nước đã tích tụ mà còn làm mất tài nguyên đất nước. Chính nước Nga sau khi CPH nhiều mỏ khoáng đã phải mua lại với giá đắt hơn nhiều lần cùng những hệ lụy chính trị lớn lao.
Còn một nguy cơ cuối cùng nữa là việc các đại gia vốn đang sở hữu chéo ngân hàng lại tiếp tục sở hữu chéo DN sau CPH. Và lúc đó, sẽ là thảm họa.
Công khai, minh bạch là vũ khí
Theo nguồn tin từ Bộ Tài chính, hàng loạt tên tuổi lớn sẽ CPH gồm: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam... Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng thuộc diện phải CPH như: Tổng công ty Lắp máy, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng...
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng CPH sắp tới dù thúc đẩy nhanh cũng cần công khai, minh bạch. Với các DNNN đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì khi Nhà nước bán thêm vốn ra, giá cổ phần sẽ theo giá thị trường, khó có khả năng tham nhũng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp chưa niêm yết, không loại trừ khả năng thất thoát tài sản là rất cao. Vì vậy cần công khai ngay trong quá trình kê khai tài sản, định giá tài sản. Không ai nắm vững tài sản DN bằng cán bộ công nhân viên của DN. Khi bán cổ phần cần cho đấu giá công khai, thông báo trước thời gian dài và tránh gây những rào cản đối với người mua. Nhưng hơn cả, các cơ quan nội chính, tư pháp, thanh tra phải áp sát công tác CPH, bởi vì nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước, tài sản nhân dân là có thật.