Theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ viện trợ 112 triệu USD cho Campuchia và cho vay ưu đãi thêm 32 triệu USD nữa để giúp nước này phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho Seagames sẽ diễn ra ở Campuchia vào năm 2023.
Động thái trên của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh nước này đang hứng chịu nhiều lời chỉ trích và lên án từ phía cộng đồng quốc tế trước thái độ và cách hành xử hung hăng, ngang ngược trên Biển Đông.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) trong một chuyến thăm tới Trung Quốc
Mỹ, Philippines, Ấn Độ, Indonesia và nhiều nước khác đã cùng lên án hành động “khiêu khích và hung hăng” của Trung Quốc sau khi nước này ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Hà Nội.
Trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa diễn ra ở Myanmar, Việt Nam và Philippines đã kêu gọi các quốc gia ASEAN, trong đó có Campuchia, lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, trong tuyên bố chung cuối cùng, khối này đã không đề cập và lên án trực tiếp Trung Quốc vì đã gây ra căng thẳng trong khu vực.
Hồi năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử, hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Campuchia đã không ra được tuyên bố chung về tranh chấp trên Biển Đông vì vấp phải sự phản đối của nước chủ nhà Campuchia trong việc đưa tên Trung Quốc vào bản tuyên bố chung này.
Nhà phân tích chính trị Kem Ley của Campuchia cho rằng trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, việc Campuchia nhận viện trợ của Trung Quốc có thể đẩy nước này vào thế “bắt cá hai tay”.
Ông này nhận định: “Một mặt, Campuchia cần sự ủng hộ của Việt Nam bởi hai nước có lịch sử hợp tác lâu dài, nhưng mặt khác, Campuchia cũng cần sự giúp đỡ của Trung Quốc trong chính sách của mình.”
Hồi tháng 2, Trung Quốc cũng đã bàn giao 26 chiếc xe tải quân sự và 30.000 bộ quân phục dưới hình thức tài trợ cho Campuchia để giúp giảm bớt những khó khăn về trang thiết bị của quân đội nước này.