Thứ Ba, Ngày 24 Tháng 12 Năm 2024

Bỏ điểm sàn đại học, các trường cần xác định vị trí các môn để tuyển

Thứ Năm, 13/03/2014 12:00
Liên quan tới điểm sàn đại học, cao đẳng sẽ không có trong kì tuyển sinh năm 2014. PGS. Trần Xuân Nhĩ khẳng định, đó là chủ trương đáng hoan nghênh.

 PGS. Trần Xuân Nhĩ từng là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lí của ngành giáo dục. Qua câu chuyện dưới đây, ông cho rằng, chủ trương bỏ điểm sàn là điều sớm muộn cũng phải làm vì nó không cần thiết và có thể vì nó mà đánh mất cơ hội của học sinh có năng lực.

 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc nói chuyện với ông xung quanh chủ trương này của Bộ GD&ĐT.

Xác định môn thi chủ đạo để tuyển

Việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn trong kỳ tuyển sinh năm 2014 này, ông có suy nghĩ gì?

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã tiếp thu hầu hết các ý kiến của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và các chuyên gia, nhân dân hoan nghênh.

 

Theo ông chúng ta cần có một tiêu chí nào để thay thế cho điểm sàn?

Vấn đề này cũng đơn giản. Mục đích của chúng ta để đảm bảo đầu vào tuyển có chất lượng, nhưng lâu nay chúng ta vẫn nói cái phi lí của điểm sàn là không khoa học.

 

PGS. Trần Xuân Nhĩ: Bỏ điểm sàn là tạo điều kiện cho các trường tuyển người tài. Ảnh Xuân Trung

Ví dụ: Một em thi vào Toán nhưng điểm Toán thấp mà các môn khác cao lên thì em đó vẫn được vào, ngược lại một em mà được thấp điểm Toán nhưng lại cao điểm các môn khác nhưng vẫn được vào, vấn đề giờ ta giải quyết mấu chốt ở chỗ đó. 

Do đó phải quy định học sinh vào học ngành nào thì có môn học nào có liên quan tới ngành đào tạo đó. Trước đây Bộ GD&ĐT quy định thi ba môn thì giờ cứ công nhận là ba môn đó, ba môn có liên quan nhưng phải xét xem môn nào là môn thứ nhất, thứ hai, thứ ba.

 

Ví dụ: Thí sinh thi vào ngành Sinh vật, rõ ràng Sinh là môn thứ nhất, môn thứ hai là môn Hóa và tiếp theo là Toán. Khi Bộ cho thi riêng thì căn cứ vào môn liên quan thứ nhất phải đạt ít nhất từ điểm trung bình trở lên, 5 điểm chẳng hạn, đó là điểm trung bình có thể theo học được  rồi, môn thứ hai rõ ràng phải ở mức thấp hơn, môn thứ ba đã có thi dứt khoát không có điểm liệt.

Vấn đề bây giờ phương án của các trường khi đào tạo ngành nào phải xác định môn nào là môn thứ nhất, vấn đề này nhà trường phải khẳng định. Mình vẫn giữ khối thi của Bộ, trong điểm khối thi đó phải phân loại môn nào là môn chủ đạo của ngành đó, môn nào là môn có liên quan gần gũi nhất và môn nào không liên quan. 

Như vậy sẽ chất lượng hơn điểm sàn ở chỗ đôi khi môn chủ đạo được điểm thấp nhưng vì có điểm sàn thì các môn khác cao đương nhiên vẫn được vào học. Nếu Bộ tiếp tục thi thì tôi cho rằng chỉ có phương án đó mới không bỏ sót được người tài năng.

 

Các trường sẽ chủ động lo đầu vào cho mình, sau đó có thể kiểm tra một lần nữa là chuyện của trường, xem có cần đề xuất thêm tiêu chí nào để đánh giá thí sinh hay không?

Theo ý tưởng của ông thì có thể tổng ba môn sẽ rất thấp, và như vậy có đảm bảo chất lượng đầu vào không?

Điểm ở đây không liên quan vì chúng ta đã xác định điểm phổ thông đã chuẩn để lấy vào. Thực tế các nước cũng chỉ lấy điểm phổ thông. Tùy theo bộ, bộ cho đề thi khó hay dễ, vì điểm thi đại học chỉ là điểm thi công cua nên thậm chí khi có nhu cầu thì lấy tụt xuống cũng không sao. 

 

Thực ra Bộ GD&ĐT tính tới phương án này lại là một sự vô ích. Tôi nói thế này, chẳng hạn một em học sinh thi 4 môn theo ban A vào ngành Vật lí, đương nhiên khi thi phổ thông học sinh đó đã có môn Toán là bắt buộc, khi tự chọn chắc chắn thi Lí và Hóa. Như vậy sau một tháng lại thi lại, thực tế kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng là không cần thiết nữa.

Tất cả phương án thi này đương nhiên đã phủ định thi ba chung, sau một tháng hoàn toàn không có nâng trình độ kiến thức lên. Lặp lại một kì thi còn gây tốn kém cho xã hội, mệt mỏi thí sinh, ách tắc giao thông…

 

Ảnh minh họa
Nên rằng sau kì thi tốt nghiệp THPT những “tốn kém” đó ủng hộ cho miền núi, hơn nữa huy động lực lượng học sinh đi tự nguyện  trong thời gian đó, tôi giám chắc các em sẵn sàng.

Đầu vào của đại học thì xác định bằng kì thi phổ thông mới quan trọng.

 

Như vậy quan điểm phải bỏ kì tuyển sinh đại học, cao đẳng?

Vâng, phải bỏ vì nó vô ích. Vô ích vì nó chỉ xảy ra sau một tháng và dẫn đến chuyện luyện thi,…và lí do gì Bộ còn bảo lưu kì thi thứ hai, trong lúc  chúng ta đã làm tất cả mọi việc ở kì thi thứ nhất. Nếu giao quyền tự chủ cho học sinh thì chắc chắn các em sẽ chọn môn mà mình theo học lâu dài và chỉ trong khối của các em.

 

Vậy lí do gì để tổ chức một kì thi tiếp theo? Lâu nay ngoại ngữ theo ban D và A1,  vậy Toán, Văn đã có trong khối thi và lúc tự chọn thi tốt nghiệp chỉ thêm môn ngoại ngữ. Có quan điểm nói kì thi thứ nhất vì không nghiêm túc, vậy tại sao lại không nghiêm túc? Các kì thi đều do Bộ làm cơ mà.

Bộ cũng nói kì tuyển sinh đại học mới chất lượng, nhưng cũng là kì tuyển sinh của Bộ cả, vậy tại sao lại bảo không chất lượng. Thực tế, chất lượng là phụ thuộc vào đề, vào tổ chức, vào chấm thi. Như vậy, đề thi cũng của Bộ ra. 

 

“Khai tử” điểm sàn, cả bộ, học sinh, nhà trường đều khỏe

Vậy đối với các trường trong giai đoạn này cần chuẩn bị những gì?

 

Các trường cần xây dựng phương án tuyển sinh của mình, phương án đó chính là các trường tổ chức kiểm tra lại môn nào có liên quan tới ngành đào tạo, để đánh giá và tuyển. Như vậy Bộ vừa khỏe, học sinh cũng khỏe và các trường cũng khỏe, đỡ tốn kém cho xã hội. 

Sau khi thi phổ thông học sinh không phải chờ đợi mà sẽ huy động học sinh đi làm tự nguyện 1-2 tháng ở những vùng khó khăn, nếu tính ra có thể tiết kiệm được lượng tiền rất lớn. 

 

Tiến tới sẽ phải làm các bài thi chứ không phải môn thi, nếu làm được như vậy thì rất đáng hoan nghênh. 

Tôi đang nghĩ học sinh muốn cầm chắc sẽ vẫn thi chung với bộ, vì các em đã quen với quán tính nên chưa mạnh dạn đi vào các trường tổ chức thi riêng. Nhưng nếu không vào mà Bộ đã quy định bỏ điểm sàn thì các trường tổ chức thi riêng sẽ lấy được những em có năng lực. 

 

Việc bỏ điểm sàn cũng là một cơ hội để các em học sinh có thể phát huy được đúng sở trường các em, các trường cũng tuyển được các em có sở trường mà ngành mình đang đào tạo. 

Việc Bộ GD&ĐT lập ra một Hội đồng tư vấn giúp Bộ trưởng về các tiêu chí thay cho điểm sàn, theo ông có cần thiết không?

 

Tôi nghĩ không cần thiết, khi Bộ đã có các khối thi như vậy thì bộ quy định ngay điểm thi trực tiếp liên quan tới các ngành đào tạo thì giao cho các trường xây dựng và xác định vị trí của ba môn thi liên quan tới ngành mình.

Môn liên quan trực tiếp thì phải đạt từ 5 điểm trở lên, môn ít liên quan thì do trường quy định. Điểm 5 là mức trung bình trên thế giới và được vào học.

Nếu đã đạt vào để học thì môn thi thứ hai không cần thiết, cũng có thể hoàn toàn điều chỉnh nguyện vọng của học sinh. VD: Học sinh thích vào ngành Sinh vật nhưng chỉ được 3 điểm thì không được vào, trong khi đó lại được 7 điểm Hóa thì phải hướng vào học Hóa, đúng với khả năng của em. Do đó có thể khai thác hết cái tốt của học sinh, không bỏ xót người tài năng.

 

Trân trọng cảm ơn ông.
Theo Giáo dục Việt nam

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân