Hư hại nghiêm trọng
Dự án được triển khai vào năm 2010, do Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Trong 8 gói thầu hiện chỉ còn gói thầu số 14 chưa xong; số còn lại (gói số 7 – 13) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012.
Thế nhưng thời gian gần đây, người tham gia giao thông trên tuyến đường này bỗng chứng kiến cảnh nhiều đoạn đường mới làm xong lại bị xới tung bề mặt để làm lại.
Đặc biệt tại gói thầu số 8, đoạn từ xã Thạch Lưu (Thạch Hà) đến dốc Anh Quỳnh.
Trên một đoạn đường dài hơn 2 km nhưng theo quan sát đã có đến 12 điểm nằm phía trái tuyến, mặt đường đã phải đào lên làm lại do bị rạn, nứt, sụt lún và hiện tượng cao su mặt bê tông nhựa. Có nhiều đoạn phải vá lại dài hàng trăm mét…
Đoạn trên đỉnh dốc Đồng Bụt bị nứt, sụt lún, nhà thầu phải dùng máy múc xới lên làm lại.
Có điểm dài hàng trăm mét cả 2 bên tuyến bi hư hỏng phải đào lên để làm lại - (Ảnh chụp tại xóm 13 xã Hà Linh)
Tiếp đến là trên đỉnh dốc Đồng Bụt cũng phải đào ngang đường để bóc lên làm lại, với diện tích hàng trăm m2. Nghiêm trọng hơn là gói thầu số 12 do Công ty CP xây dựng Hà Thành trúng thầu thi công đoạn từ xóm 13 đến xóm 15 xã Hà Linh (Hương Khê) có nhiều điểm bị sụt lún nghiêm trọng.
Tại đoạn này, không chỉ lớp bê tông nhựa bị nứt, lún và hiện tượng cao su mà ngay cả phần nền đường cũng bị sụt lún!.
Trước thực trạng đó, Ban QLDA công trình giao thông - Sở GTVT Hà Tĩnh, đã yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương xử lý bằng cách cho cắt lớp thảm bê tông nhựa bị nứt, sụt lún, hiện tượng cao su để vá lại lớp khác.
Ở những đoạn bị lún cả phần nền đường thì cho đào lên toàn bộ và xử lý lại cả lớp bây nền đường.
Lỗi khách quan?
Lý giải về điều này, ông Trần Văn Tùng, Giám đốc Ban QLDA công trình giao thông, cho biết: Nứt lún phía trái tuyến đoạn từ xã Thạch Lưu đến dốc Anh Quỳnh là do xe ô tô quá tải gây ra?
Trong đó, nguyên nhân chính là do một số lượng lớn xe chở đất từ các mỏ đất ở các xã Ngọc Sơn, Thạch Ngọc về thành phố.
Thảm bê tông nhựa bị lún, nứt và phải cắt lên để vá lại. Nhiều ý kiến bày tỏ nghi vấn nhà thầu thi công dối sau hàng loạt hư hại, dù công trình chưa bàn giao.
Không chỉ lớp nhựa bị hư hỏng mà cả lớp bên dưới nên đường cũng bị nứt và lún phải đào lên làm lại
Còn ở đỉnh dốc Đồng Bụt phải đào lên làm lại là do có mạch nước ngầm từ đỉnh dốc phun lên nên đã phá vỡ kết cấu mặt đường. Còn đối với những đoạn khác nằm rải rác tại xã Hà Linh (Hương Khê) là do bị ảnh hưởng bởi mưa lũ…
Theo ông Tùng, trước vấn nạn xe quá tải, siêu trường siêu trọng lưu thông trên tuyến đường này, BQL đã báo cáo lãnh đạo sở để tìm biện pháp xử lý. Song song, BQL cũng đã cử người theo dõi, chụp lại những lượt xe này để làm bằng chứng.
Hình ảnh xe quá tải, một trong những nguyên nhân tàn phá dự án gần 700 tỷ, khi chưa bàn giao.
Được biết, tại gói thầu do Cty Hòa Bình thi công tại dốc Đồng Bụt, tháng 11/2013, BQL đã cùng với nhà thầu mời đơn vị bảo hiểm công trình lên để khám nghiệm hiện trường và thực hiện việc đền bù do lỗi khách quan, khi công trình chưa đưa vào sử dụng.
Tuyến QL 15A đang trong giai đoạn sắp hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện hàng chục điểm phải bóc lên làm lại, thực sự là vấn đề đáng quan ngại.
Riêng việc đường chưa bàn giao nhưng đã phải cắt vá hàng chục điểm, cũng đã làm mất thẩm mỹ của tuyến đường có mức đầu tư gần cả nghìn tỷ đồng!
Không biết rồi khi đưa vào sử dụng, công trình có đảm bảo chất lượng hay chỉ được một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục phải đào lên cắt vá nham nhở như bài học nhỡn tiền ở tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh.