|
Tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển gần khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Ảnh:Asahi Shimbun. |
"Hoạt động khoan thăm dò không chỉ do riêng Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) quyết định. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cấp cao phê chuẩn việc này từ đầu năm nay", Asahi Shimbun dẫn lời một nhà nghiên cứu, người đề xuất các chính sách cho chính phủ Trung Quốc, cho biết. CNOOC là doanh nghiệp quốc doanh.
Theo nhà nghiên cứu trên, CNOOC từng kêu gọi cần phải khoan dầu ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trong hơn một thập niên qua. Quân đội Trung Quốc, luôn tìm cách mở rộng lợi ích quốc gia, cũng ủng hộ đề xuất trên.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc lại bày tỏ lo ngại quan hệ với các quốc gia láng giềng sẽ bị xấu đi nếu triển khai hoạt động này. Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang tìm cách xây dựng môi trường bên ngoài ổn định, cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Bắc Kinh.
Trong một thời gian dài, Trung Quốc không thể thực hiện được kế hoạch của CNOOC do không có công nghệ khoan ở những vùng nước sâu. Năm 2008, CNOOC quyết định chi 953 triệu USD bắt đầu chế tạo giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 và hoàn thành vào tháng 5/2011.
CNOOC hôm 2/5 hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và tuyên bố sẽ tác nghiệp đến 15/8. Trung Quốc còn điều thêm nhiều tàu hải cảnh, tàu quân sự đến bảo vệ giàn khoan. Việt Nam đã kịch liệt phản đối động thái trên, yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay hành động trái phép đồng thời đưa giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại sau khi một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 26/5.