Tăng trưởng thuận lợi
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, tăng trưởng thị trường dệt may thế giới trong năm 2013 vẫn còn ở mức rất thấp, ở những thị trường XK dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ tăng trưởng nhập khẩu chỉ khoảng 3,6%, EU chỉ tăng 0,5%, Hàn Quốc tăng 9%, Nhật Bản giảm hơn 0,5%... so với năm 2012.
Nhưng dệt may Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng thuận lợi ở các thị trường lớn, XK vào Mỹ đạt 8,6 tỷ USD, tăng 14,2%; EU đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 8,8%; Nhật Bản đạt hơn 2,4 tỷ USD tăng trên 20,5%; Hàn Quốc đạt 1,87 tỷ USD tăng gần 44%...
Tổng kim ngạch XK hàng dệt may Việt Nam trong năm 2013 đạt gần 20 tỷ USD tăng gần 17% so với năm 2012, trong đó XK xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,13 tỷ USD; xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 17,89 tỷ USD.
Theo Vitas, nếu tính cả 600 triệu USD XK nguyên phụ liệu dệt may trong năm 2013 thì toàn ngành dệt may đạt kim ngạch khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 18% so với 17,2 tỷ USD năm 2012. Hiện dệt may chiếm 15% tổng kim ngạch XK của cả nước. Và trong 25 tỷ USD tổng kim ngạch XK vào thị trường Mỹ, dệt may chiếm hơn 1/3 giá trị XK.
Với tăng trưởng XK dệt may liên tục trong những năm gần đây thì thị phần XK dệt may Việt Nam cũng đã tăng lên. Hiện nay, dệt may Việt Nam chiếm khoảng 4% thị phần cung ứng hàng dệt may cho toàn cầu.
Tại thị trường Mỹ, nơi Trung Quốc vốn giữ thị phần XK số 1 tại đây với hơn 50% thị phần trước đây, nay đã giảm mạnh chỉ còn 37%. Dệt may Việt Nam hiện đã tăng thị phần tại Mỹ, hiện giữ vị trí thứ 2 với khoảng 9%.
Trong cơ cấu XK hàng dệt may, dù Mỹ vẫn là thị trường XK quan trọng nhất của dệt may Việt Nam nhưng tỷ trọng XK vào Mỹ đang giảm dần. Đã có thời điểm, XK dệt may vào Mỹ chiếm đến 62% tỷ trọng của dệt may Việt Nam, sau đó giảm dần xuống 57%, rồi 55%, đến 50% và tính ở thời điểm năm 2013, tỷ trọng XK dệt may vào Mỹ chỉ chiếm hơn 43%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc điều chỉnh giảm dần tỷ trọng XK ở thị trường Mỹ không phải là vấn đề đáng lo, mà tốt cho ngành dệt may. Vì điều này cho thấy, năng lực sản xuất, tìm kiếm, mở rộng thị trường XK của ngành dệt may Việt Nam đã đa dạng, phong phú hơn.
Việc không “bỏ trứng vào một giỏ”, không chịu sự lệ thuộc, chi phối vào một thị trường sẽ giúp không chỉ riêng ngành dệt may mà cho tất cả các ngành hàng XK tránh và giảm thiểu được những rủi ro khi có biến động xảy ra.
Cánh cửa TPP sẽ mở năm 2014?
Những cuộc đàm phán, quyền lợi, thỏa thuận giữa các thành viên tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn đang tiếp diễn. Và dường như dệt may Việt Nam vẫn phải chấp nhận nguyên tắc xuất xứ từ sợi mà Mỹ đưa ra cho dệt may Việt Nam nếu muốn được hưởng thuế 0% khi XK vào Mỹ.
Và theo lộ trình, có thể, ngành dệt may Việt Nam sẽ được “du di” trong 3 năm, sau đó sẽ phải thực hiện đúng nguyên tắc xuất xứ từ sợi. Đó là vấn đề còn “dùng dằng” giữa các bên và trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, với tinh thần mong muốn sớm thực hiện TPP từ các nguyên thủ quốc gia của các nước thành viên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều khả năng TPP sẽ sớm được thực hiện vào khoảng giữa năm 2014.
Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Phó Chủ tịch Vitas nhận định, nếu TPP chính thức thực thi thì tăng trưởng XK vào Mỹ của dệt May Việt Nam trong năm tới sẽ tăng lên 18% - 20%, đạt khoảng 10 tỷ USD trong năm 2014.
Trên thực tế, nếu TPP thực hiện trong năm 2014 thì tăng trưởng XK dệt may vào Mỹ sẽ cao hơn mức mà Vitas đưa ra tại thời điểm hiện nay. Ngành dệt may cũng dự báo, XK vào Mỹ sẽ đạt 20 tỷ USD trước năm 2020.
Tuy nhiên, ông Trường cũng cho rằng, việc tăng trưởng XK dệt may vào Mỹ có đạt mức cao như mong muốn và kéo dài trong thời gian bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện và yếu tố tác động từ bên ngoài. Vì hiện nay, các hiệp định thương mại, khu vực mậu dịch ở nhiều nơi liên tục được hình thành.
Dệt may Việt Nam có thể đạt được những thuận lợi trong TPP, FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan… thì các đối thủ XK dệt may khác vẫn có thể đạt được những thuận lợi XK dệt may ở những hiệp định thương mại, khu vực mậu dịch khác… Và điều quan trọng, dệt may Việt Nam có tận dụng, đáp ứng được yêu cầu xuất xứ, năng lực XK khi cơ hội đang đến.
Để chuẩn bị cho thời cơ này, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đầu tư nhiều dự án trong chuỗi cung ứng, sản xuất dệt may, hướng đến sử dụng 70% nguyên liệu nội địa cho sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may toàn hệ thống trong năm 2014. Trong năm 2013, Vinatex đã đầu tư 12 dự án sợi, 9 dự án dệt. Năm 2014, Vinatex cần khoảng 5.000 tỷ đồng vốn vay cho năm 2014.
Mới đây, Vinatex đã vay 600 triệu USD trong giai đoạn 2014-2016 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), để đầu tư, mở rộng, đổi mới công nghệ hướng tới kế hoạch phát triển ngành dệt may Việt Nam khi gia nhập TPP, với hàng loạt dự án đầu tư khép kín tại Bình Định theo quy trình từ nguyên liệu - công nghệ dệt - sản xuất đồ dùng may mặc - xuất khẩu hàng hóa - cung ứng đến các hệ thống siêu thị trong và ngoài nước.