Chuyển giao quyền lực thời gian khó
Kết quả kinh doanh năm 2013 chưa được công bố nhưng nhiều khả năng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) sẽ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 1.800 tỷ đồng dưới sự lèo lái của vị chủ tịch 37 tuổi Trần Hùng Huy, con trai cựu chủ tịch Trần Mộng Hùng.
Điều đáng nói là ACB được dẫn dắt bởi một doanh nhân thuộc thế thứ hai, trẻ nhất ngành - trong bối cảnh phải gồng gánh hệ quả sau vụ “bầu Kiên” từ cuối 2012, với hàng loạt các quyết định cắt lỗ, giảm tài sản, giảm tín dụng...
Con trai người sáng lập ACB đã đưa nhà băng dần trở về quỹ đạo, bất chấp ông Hùng Huy ít kinh nghiệm hơn nhiều so với 19 người tiền nhiệm, và đó chỉ là sự lựa chọn tạm thời khi ACB gặp khủng hoảng, nhiều người không dám nhận vị trí mà cựu chủ tịch Trần Xuân Giá để lại.
Trẻ hơn rất nhiều, Phạm Đỗ Diễm Hương (1989) đã trở thành nữ chủ tịch trẻ nhất trên TTCK từ cuối tháng 5/2013 (24 tuổi) với rất nhiều thách thức như: tình hình làm ăn của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) suy giảm khá mạnh từ năm trước; xuất khẩu nhựa gặp khó khăn, giá hạt nhựa đầu vào tăng; DN không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ các NH có liên quan như ACB và Eximbank; bố là ông Phạm Trung Cang (người sáng lập ra TPC) gặp rắc rối liên quan tới vụ bầu Kiên...
Trái với những lo ngại của giới đầu tư, Tân Đại Hưng dưới “triều đại” Phạm Đỗ Diêm Hương đã có một quý kinh doanh đầu tiên đầy ấn tượng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ trong 9 tháng đầu năm và là một trong số ít các DN trong ngành nhựa không những không chứng kiến lợi nhuận giảm mà còn tăng.
Một quý chưa thể nói lên điều gì. Tuy nhiên, đây là một khởi đầu khá thuận lợi. Bên cạnh đó, vận hạn của ông Phạm Trung Cang liên quan tới vụ bầu Kiên khiến ông lần lượt rút khỏi vị trí phó chủ tịch Eximbank, từ nhiệm vị trí trong HĐQT ACB, rời vị trí đứng đầu Tân Đại Hưng dường như đã qua đối với đại gia ngân hàng tuổi ngựa (năm 1954) này. Sự may mắn thoát khỏi rắc rối có thể giúp ông Cang đứng sau hỗ trợ cho con gái của mình.
Lớp kế cận được chờ đợi
Không thuộc tốp 30 gia đình giàu có nhất nhưng nhà ông Phạm Trung Cang cũng đang nắm giữ rất nhiều tài sản. Quyết định chuyển giao DN cho con cái của vị doanh nhân này bất ngờ và khá sớm nhưng rất có thể “dòng máu” kinh doanh sẽ giúp TPC phát triển.
Sự chuyển giao quyền quản trị DN ở gia đình ông Trầm Bê (một trong 10 gia đình giàu nhất trên sàn) cho các con cũng được thực hiện một cách mạnh mẽ gần đây khi con trưởng Trầm Trọng Ngân đang nắm giữ chức Phó chủ tịch HĐQT thường trực Southernbank (với hơn 4,4% cổ phần); Trầm Thuyết Kiều (1983) - Phó TGĐ Southernbank; Trầm Khải Hoa (1988) - thành viên HĐQT Sacombank.
Khá nhiều gia đình giàu có cũng đang dần từng bước chuyển giao quyền quản trị DN cho các thành viên gia đình và con cái. Nhiều trường hợp đã chứng kiến những kết quả tích cực.
Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM) hôm 12/1 công bố báo cáo tình hình quản trị 2013 cho thấy gia đình chủ tịch Đỗ Xuân Chiểu vẫn nắm giữ toàn bộ 10% cổ phần DN này, trị giá hơn 220 tỷ đồng. Gia đình vị doanh nhân này tiếp tục nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt trong công ty như: 3 người em đang là thành viên HĐQT. Con trai ông Chiểu là Đỗ Đức Chung cũng tham gia vào DN của cha chú.
Kết quả kinh doanh 2013 của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cũng vượt kế kế hoạch. Bên cạnh chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh là con trai Nguyễn Ngọc Thái Bình hiện đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT và giám đốc tài chính. “Tiểu thư” 9x Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh chưa nắm giữ vị trí nào nhưng năm qua đã mua thêm 1 triệu cổ phiếu, nâng số lượng sở hữu cuối năm lên 3,16 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 1,29%.
Nhiều người con cũng đang cùng với cha mẹ gánh vác công việc của DN gia đình như Nguyễn Trí Tân, con trai của ông Nguyễn Hữu Trí, Chủ tịch Công ty Nệm Kymdan; con ông Đoàn Quốc Việt (BIM Group) là Đoàn Quốc Huy; con gái ông Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát) là Trần Uyên Phương; con gái bà Cao Thị Ngọc Dung - chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Trần Phương Ngọc Giao...
Khá nhiều gia đình giàu có thuộc tốp giàu nhất như: ông Phạm Nhật Vượng (VIC), ông Nguyễn Đăng Quang (MSN), ông Đoàn Nguyên Đức (HAG), ông Hồ Hùng Anh (MSN), ông Trần Đình Long (HPG), ông Lê Phước Vũ (HSG), ông Đặng Thành Tâm (KBC)... con cái còn khá trẻ. Mặc dù sự chuyển giao thế hệ kinh doanh là chưa diễn ra, nhưng rất có thể những doanh nhân này đã tính tới. Bởi đơn giản, các DN mà họ gầy dựng lên là sự nghiệp cả đời, là uy danh và của để dành cho con cháu về sau.