Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ Nông thôn (15/10), Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) công bố Tài liệu tóm lược chính sách và khuyến nghị về phụ nữ nông thôn Việt Nam, nhằm nhằm thúc đẩy các chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn có trách nhiệm giới ở Việt Nam.
Theo UN Women, phụ nữ nông thôn đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động sản xuất lương thực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Mặc dù là nhân tố đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, nhưng phụ nữ hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng bắt nguồn từ định kiến giới và phân biệt đối xử, khiến họ bị tước đi các cơ hội bình đẳng, nguồn lực, tài sản và dịch vụ.
Phụ nữ thường làm việc trong ngành nông nghiệp với tư cách là lao động không lương ở các nông trại gia đình, là lao động có lương hoặc không lương ở các nông trại khác và các doanh nghiệp nông nghiệp. Ở Việt Nam, nông nghiệp là một phương tiện sinh kế quan trọng, do đó tỷ lệ phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp cao hơn so với thế giới, với 48,8% phụ nữ có việc làm và 45% nam giới có việc làm làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại các khu vực nông thôn, khoảng cách giới còn lớn hơn, do có tới 63,4% phụ nữ so với 57,5% nam giới có việc làm hiện đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ nông thôn tiếp cận với chương trình đào tạo nghề thấp hơn so với nam giới, rất ít phụ nữ đang giữ các vị trí ra quyết định trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ít khả năng tiếp cận các nguồn lược sản xuất và dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ.
UN Women và FAO nhấn mạnh phụ nữ nông thôn cần trở thành một trong những trọng tâm trong các chương trình phát triển quốc gia./.