"... Để hôm qua sau lưng, cất bước quay trở về
Để bữa tối ấm áp bên mẹ hiền
Để đêm đông lùi xa, khi bước chân bên hiên nhà
Đường xa không sao ngăn, những bước chân trở về
Để sống phút ấm áp bên bạn bè.
Và bên ly trà thơm, bên ánh lửa hồng thắp lên..."
Đã 2 năm cố nhạc sĩ - rocker Trần Lập chia xa vợ con, bè bạn và người hâm mộ. Nhưng ngày hôm qua - 26/3/2018 cũng là ngày kỷ niệm 23 năm thành lập ban nhạc Bức Tường, anh đã có cuộc "trở về" đầy xúc động tại một nơi thật đặc biệt - sân khấu ngoài trời cao nhất Việt Nam.
Ngay tại Top of Hanoi - Tầng 67 tòa nhà Lotte Centre Hà Nội, một sân khấu ca nhạc lần đầu tiên đã được dựng nên tại đây. Lý do là nhạc sĩ Trần Lập khi còn sống đã có ước muốn được tổ chức đêm nhạc trên một nóc nhà thật cao, lý do nữa là những người đồng đội Bức Tường và anh em yêu nhạc muốn hát ở nơi thật cao để "Anh Lập nghe được rõ hơn". Và trong đêm nhạc Ngày trở về tối qua, những đam mê cháy bỏng với âm nhạc vẫn còn đó, tinh thần của thủ lĩnh Trần Lập vẫn còn đó, cùng với bao điều vui buồn, xúc động và những câu chuyện giờ mới kể.
Chỉ có hơn 100 người đứng ở nơi sân khấu đặc biệt ấy, là ban nhạc, là bạn bè nghệ sĩ, những fan ruột của Bức Tường cùng ê-kíp làm chương trình và giới truyền thông. Nhưng đêm nhạc được kết nối với 2 điểm cầu khác là Quán cafe 1995 Bức Tường Story - nơi được coi là "bảo tàng" thu nhỏ của ban nhạc và Trường Đại học Xây dựng - nơi 23 năm trước đã sản sinh ra Bức Tường. Đồng thời hàng nghìn khán giả cũng được theo dõi qua truyền hình trực tiếp và livestream trên mạng xã hội.
Sân khấu đặc biệt - lần đầu tiên được dựng nên ở "nóc nhà" cao ngất
Nơi mà các anh em tin rằng, hát ở đó để "Trần Lập nghe được rõ hơn"
Những bài hát gắn liền với tên tuổi của cựu thủ lĩnh Trần Lập và Bức Tường được vang lên, những cánh tay cùng đèn flash của khán giả đung đưa theo nhạc tạo thành những làn sóng tuyệt đẹp. Mọi người cùng hòa trong âm nhạc đầy cuồng nhiệt, nhưng cũng có những giây phút đầy lắng đọng, để nhớ về những ký ức không thể nào quên của Bức Tường, nhớ về một con người "không bao giờ tan biến trong tim mọi người" - Trần Lập.
Một điều trùng hợp đến kỳ diệu là khi mọi người đang lắng lại xúc động, trên trời bỗng có vài giọt mưa nhẹ rơi xuống, lúc ấy "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng dẫn chương trình đã ngẩng đầu lên hỏi: "Có khi nào anh Lập ở trên cao cũng xúc động khi nhớ lại 23 năm trước phải không?"
"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng trong đêm nhạc
Nhưng khoảnh khắc khiến tất cả mọi người lặng đi chính là khi người anh em của Bức Tường - Tuấn RC giới thiệu về ca khúc Cha và con từng được Trần Lập thể hiện rất thành công, anh đã nói: "Anh Trần Lập đã để lại cho chúng ta rất nhiều tác phẩm truyền cảm hứng tới rất nhiều thế hệ, và anh cũng kịp để lại cho để lại cho đời hai giọt máu dành cho chị Hoa... Và ở trên cao, anh Lập ơi, anh có chia sẻ với 2 đứa con của mình không ạ?"
Những câu hát được cất lên: "Dõi bước con đi và cha mong con nên người..."
Tuấn RC gọi Trần Lập và thể hiện lại ca khúc Cha và con
Ở một góc nào đó, chị Hoa - vợ anh Lập cùng đứa con trai của mình đứng lẫn trong các fan hướng mắt lên bầu trời tìm kiếm chồng. Chị vẫn lặng lẽ như thế, không lên sân khấu chia sẻ điều gì và âm thầm theo dõi những người bạn của chồng hát lại những bài hát của anh...
Ngay trước khi Tuấn RC hát Cha và con, khi Tuấn Hùng - Bức Tường được "Giáo sư Xoay" mời chia sẻ, anh đã tâm sự và tiết lộ về một phần cuộc đời của cố nhạc sĩ Trần Lập cùng câu chuyện anh đã trở nên mạnh mẽ nhờ điều gì. Tuấn Hùng nói: "Khi con trai của tôi học xong cấp 1, vợ tôi có nói với tôi rằng: Mình hãy làm một món quà tặng gì đó để cho các bạn của An Nguyên. Lúc ấy tôi liền nghĩ ra những tác phẩm của Bức Tường, của Trần Lập. Tôi đã xếp những bài hát vào trong một đĩa CD nhỏ, đặc biệt là Rock xuyên màn đêm và Cha & con.
Rock xuyên màn đêm, đó là câu chuyện của chính bản thân anh Trần Lập khi từ bé anh ấy nhút nhát, nhốt mình trong nhà, anh ấy đã được người cha của mình dạy hãy đứng vững và hãy thật là mạnh mẽ để bước đi trên con đường đời. Anh ấy đã trưởng thành như vậy. Khi anh ấy trở thành một người cha, anh ấy đã dạy lại con của mình như vậy".
Tuấn Hùng - người đã đi cùng Trần Lập từ những ngày đầu tiên của Bức Tường, người anh em có thật nhiều kỷ niệm khó quên cùng với cố nhạc sĩ. Tại đêm nhạc, anh chỉ muốn được hát, được đàn và không thích nói nhiều. Nhưng có một câu chuyện của Tuấn Hùng đã được kể lại bởi nhân vật đặc biệt - nhà báo Lại Văn Sâm.
Nhà báo Lại Văn Sâm chia sẻ: "Tuấn Hùng nói với tôi rằng, có một bài hát mà chỉ có 2 người - anh đàn cho Trần Lập hát - đó là bài Mắt đen. Sau khi Trần Lập ra đi thì Tuấn Hùng gần như có một lời nguyền cho chính mình là sẽ không đệm bài hát Mắt đen cho bất kỳ một ca sĩ nào hát nhưng đôi khi chúng ta không nghĩ được rằng những gì đang chờ đợi ở phía trước.
Hóa ra là âm nhạc, sự hoạt động của ban nhạc, sự nghiệp của Bức Tường cũng như các cá nhân ở trong đó cứ như một dòng chảy không bao giờ dừng lại, tiếp nối từ đời này qua đời khác. Cuối cùng thì Tuấn Hùng đã truyền lại bài Mắt đen cho người con trai của mình là An Nguyên. Và một sự tình cờ, mà đôi khi chưa chắc đã phải tình cờ, tôi nghĩ rằng nó đã được truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, truyền tình yêu âm nhạc, tình yêu với ban nhạc Bức Tường, tình yêu với bài hát Mắt đen của Trần Lập, từ người bố Tuấn Hùng cho người con trai của mình là An Nguyên. An Nguyên thích bài hát này, cậu đệm cho một người bạn của mình là Hoàng Duy hát, vì thế bài hát Mắt đen lại được tiếp tục vang lên". Và lần đầu tiên có lẽ kể từ sau khi Trần Lập chia tay chúng ta, bài hát Mắt đen lại được cất lên ngay trên sóng truyền hình bởi bạn trẻ Hoàng Duy cùng tiếng đệm đàn của An Nguyên - con trai Tuấn Hùng.
Trong chương trình, nhà báo Lại Văn Sâm cũng tâm sự về cơ duyên gặp Bức Tường và chuyện thú vị về viên gạch có chữ ký của anh: "Trong cuộc đời mình, gặp gỡ bất kỳ ai đó, gặp gỡ một câu chuyện, hoàn cảnh nào đó thì đấy là số phận của mỗi con người. Số phận của tôi may mắn là được tiếp xúc với ban nhạc Bức Tường và Trần Lập từ rất sớm.
Có rất nhiều kỷ niệm mà khi quay trở về với những năm tháng đã qua, với Trần Lập và ban nhạc Bức Tường, đặc biệt là khi có mặt tại đây, Quán cafe 1995 Bức Tường Story này, tất cả những gì ở trong quán cafe mà tôi hình dung nó như một quán cafe nghệ sĩ, nó còn giống như một bảo tàng thu nhỏ về ban nhạc Bức Tường và những người bạn. Có 3 cây đàn guitar mà trường Đại học Xây dựng khi đó đã mua với mục đích để tuyển chọn một ban nhạc cho trường. Và các bạn Bức Tường đã lọt qua một vòng thi tuyển hết sức cam go, vượt qua nhiều ứng viên và làm chủ những chiếc đàn này.
Năm 2000, SV còn có một kỷ niệm với tôi, mỗi lần nghĩ lại tôi không biết đây là một dự cảm nào đó hay chỉ ngẫu nhiên trùng hợp thôi. Khi chúng tôi tổ chức ở trong Sài Gòn, Trần Lập có đến khách sạn và đưa cho tôi một viên gạch. Bạn ấy nói rằng muốn có chữ ký của tôi ở trên viên gạch này và tôi đã ký tặng các bạn ấy trên viên gạch. Có thể có điều gì đó tâm linh, một dự cảm nào đó được báo trước, cho nên Trần Lập muốn để lại những kỷ niệm cùng ý tưởng của các bạn để cho ban nhạc Bức Tường không bao giờ dừng lại, có những viên gạch, những dấu ấn trong sự nghiệp của mình, để lại cho các thế hệ sau."
"Và khi Trần Lập đã ra đi, tôi hơi lo một chút, không biết rằng ngọn lửa của Trần Lập và ban nhạc Bức Tường có tiếp tục nữa hay không nhưng đến bây giờ tôi tin rằng, ban nhạc Bức Tường sẽ tiếp tục. Và những gì mà các bạn ấy để lại có thể con cháu các bạn ấy là những người trực tiếp tiếp nối. Có thể những người khác sẽ tiếp nối nhưng chắc chắn sức sống của nó, sự nghiệp của nó chưa dừng lại, chắc chắn vẫn sẽ còn phát triển tiếp", nam nhà báo tin tưởng như vậy.
Tại đêm nhạc kết nối với điểm cầu Đại học Xây dựng, Hiệu trưởng của trường là PGS.TS.NGƯT Phạm Duy Hòa cũng có những chia sẻ thú vị. Ông cho biết: "Khi ban nhạc Bức Tường thành lập ở trường Đại học Xây dựng lúc đó tôi vẫn còn nhớ hình ảnh đầu tiên mà ban nhạc Bức Tường đến với tôi là trong chương trình SV'96, các bạn hát bài We are the Wall band. Những gương mặt còn búng sữa. Trần Lập lúc đấy chưa có râu, Tuấn Hùng và Hoàng Mario tóc chưa dài... Nhưng các bạn đã thể hiện ca khúc với một tài năng âm nhạc rất vững vàng.
Rồi dần dần sau đó, chúng tôi tham dự các đêm diễn, nghe những ca khúc của Trần Lập và ban nhạc Bức Tường, chúng tôi ngày càng bị cuốn hút, yêu quý ban nhạc Bức Tường hơn... Tôi không nói về âm nhạc bởi các bạn ấy là những sinh viên tài năng về âm nhạc, mà tôi muốn nói đến những cảm xúc, những chia sẻ của các bạn ấy qua những ca khúc thể hiện trách nhiệm sống rất đặc biệt..."
PGS.TS. Phạm Duy Hòa: "Trần Lập đang ở đây!"
Nói về cảm xúc với đêm nhạc Ngày trở về, PGS.TS. Phạm Duy Hòa bày tỏ, đúng là Bức Tường đã trở về với trường Đại học Xây dựng. Và một câu nói của ông khiến hàng nghìn sinh viên tại hội trường R3 xúc động: "Trần Lập đang ở đây!".