Thứ Năm, Ngày 28 Tháng 3 Năm 2024

Hiệu trưởng RMIT VN: Giáo dục đại học phải phù hợp bối cảnh

Thứ Bảy, 31/05/2014 12:00
Dù bận rộn và chịu nhiều áp lực với nhiệm vụ là hiệu trưởng Đại học Quốc tế RMIT, nhưng GS-TS. Gael McDonald vẫn dành thời gian tìm hiểu các vấn đề về đào tạo đại học tại Việt Nam. Bà nói: "Đại học Việt Nam cần tạo bước chạy đà cho năm 2018 khi Việt Nam thực hiện cam kết WTO mở cửa giáo dục, trong đó vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất".

 

Bà giải thích: "Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì phải đạt được sự nhất quán ở tất cả các mặt của một trường đại học. Đó là chất lượng trong chương trình giảng dạy, giảng viên, quy trình, cơ sở vật chất, nguồn lực sử dụng trong giảng dạy".

* Để có được sự đồng bộ này, theo bà, cái khó nhất là gì?

- Là sự đổi mới. Đổi mới từ suy nghĩ, định hướng đến cách làm giáo dục. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là cần phải trung thực trong học thuật, chú ý đến tính ứng dụng của học thuật, có tiêu chuẩn học thuật rõ ràng và gắn kết với sinh viên. Trường cũng cần có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại.

Hệ thống quy trình, chính sách hoạt động phải luôn hướng tới mục tiêu tốt hơn để phục vụ sinh viên. Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam cũng nên tham gia Hiệp hội Các trường đại học Đông Nam Á, châu Á và các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khác để học hỏi, chuẩn bị đội ngũ nhân sự tốt hội nhập với giáo dục thế giới.

Sở dĩ nhiều năm qua, RMIT Việt Nam có được uy tín là do Trường đã học tập được kinh nghiệm thành công, đó là đặt chất lượng đào tạo lên trên hết. Chúng tôi cũng thường tổ chức các hội thảo khoa học để chia sẻ những kinh nghiệm, quan điểm về đào tạo với các trường đại học tại Việt Nam.

Chẳng hạn mới đây chúng tôi đã tổ chức hội thảo về "Đạo đức và sự trung thực trong nghiên cứu". Thời gian tới, RMIT Việt Nam sẽ có nhiều chương trình hợp tác nghiên cứu với các trường đại học của Việt Nam ở các lĩnh vực phát triển bền vững, phát triển đô thị, y tế, sức khỏe, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên...

* Đưa ra chủ đề "Đạo đức và sự trung thực trong nghiên cứu", bà muốn chia sẻ điều gì?

- Ở các nước có nền khoa học và giáo dục tiên tiến, công việc nghiên cứu được xem là một loại lao động sáng tạo và được chuyên nghiệp hóa rất cao. Trong giáo dục, đào tạo, để đánh giá thứ hạng của các trường đại học và uy tín của các giáo sư thì yếu tố nghiên cứu khoa học được đặt lên hàng đầu.

Vì vậy, những đức tính cần có trong nghiên cứu khoa học là sự trung thực, đạo đức và liêm chính. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện các trường đại học tham gia hội thảo, vấn đề này vẫn còn khá mới mẻ ở các trường đại học Việt Nam. Hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn chung về vấn đề này và mỗi trường đại học thường có quy định quản lý khoa học riêng.

Do đó, hội thảo là dịp để các giáo sư, cán bộ giảng dạy ở các trường đại học Việt Nam cùng tìm hiểu, thảo luận, nhất là tìm hiểu về tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học của Đại học RMIT, được phát triển dựa trên tiêu chuẩn quốc gia của Úc.

* Nhiều đánh giá cho rằng, đào tạo đại học của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Theo bà, làm thế nào để đào tạo gắn kết được với doanh nghiệp một cách thiết thực và hiệu quả?

- Đặc tính chung nhất của giáo dục đại học là nơi phát triển những thế hệ trí thức mới. Vì vậy, ngoài việc tạo ra những phương thức sáng tạo và hiệu quả nhất để phát huy năng lực tư duy và ý thức trách nhiệm của người dạy, người học thì giáo dục đại học phải là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời không thể tách rời bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nơi trường hoạt động.

Thế nên, trong chương trình giảng dạy phải tính đến bối cảnh đó để có phần thích ứng và tác động ngược lại, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Đó cũng chính là triết lý giáo dục cũng như điểm độc đáo của RMIT. Trong suốt quá trình đào tạo, chúng tôi luôn lắng nghe những phản hồi, góp ý của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp để thiết kế chương trình.

Chúng tôi cũng thành lập ban tư vấn với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, nhu cầu của doanh nghiệp, mời đại diện các doanh nghiệp làm giảng viên thỉnh giảng, làm khách mời để nói chuyện với sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên được tạo điều kiện thực tập tại doanh nghiệp để học tại chỗ, tìm hiểu và làm quen với môi trường kinh doanh.

Cũng qua tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, tôi thấy có hai yêu cầu chính, đó là trình độ tiếp cận công nghệ mới của sinh viên và kỹ năng mềm. Vì vậy, sinh viên RMIT đã được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức, đầy tự tin, luôn trong tư thế sẵn sàng để làm việc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Hiện, tỷ lệ sinh viên có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp ở RMIT rất cao. Ngoài việc tuyển dụng, hiện nay các doanh nghiệp cũng rất chú trọng việc đào tạo nhân viên trong nội bộ. Để đáp ứng yêu cầu này, chúng tôi đã xây dựng một loạt chương trình đào tạo quản lý dành cho doanh nghiệp.

* Là tác giả của nhiều cuốn sách viết về giáo dục, kinh doanh, với bà, viết sách là một thú vui hay là công việc nghiên cứu khoa học? Cuốn sách mới nhất của bà có tựa "Đạo đức kinh doanh", tại sao bà lại quan tâm đến vấn đề này?

- Mục đích việc viết sách của tôi là giúp người đọc nâng cao kiến thức và chia sẻ những điều mình biết, bởi mỗi cuốn sách, mỗi bài viết ra đời là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu, trải nghiệm và cũng có không ít niềm vui, điều thú vị. Thông thường, một bài viết, một nghiên cứu sẽ bắt đầu từ những câu hỏi mình muốn trả lời.

Ví dụ, bài viết mới đây của tôi đặt ra vấn đề: tỷ lệ giáo viên và sinh viên trong lớp học như thế nào là hợp lý? Để giải quyết vấn đề này, tôi đặt giả thuyết: Phải chăng lớp học càng ít sinh viên, chất lượng sẽ càng tốt hơn? Và sau một thời gian tìm hiểu, tôi kết luận: Điều quyết định chất lượng học của sinh viên là chất lượng giảng dạy chứ không phải số lượng học sinh nhiều hay ít.

Riêng cuốn "Đạo đức kinh doanh" do Nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành là cuốn sách giáo khoa dùng để giảng dạy đạo đức kinh doanh trong trường đại học. Với kinh nghiệm từng trải, tôi nhận thấy tất cả mọi người đều muốn làm việc và cảm thấy thoải mái trong một môi trường kinh doanh lành mạnh, không có tham nhũng, nhũng nhiễu, không có những hành vi vi phạm đạo đức kinh doanh.

Thực tế nghiên cứu cho thấy, kinh doanh xây dựng trên lòng tin và cách làm đúng đắn thì sẽ thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài. Uy tín xã hội của công ty có vai trò vô cùng to lớn đối với các nhà đầu tư và có ảnh hưởng lớn tới thương hiệu của công ty, lớn hơn cả quảng cáo và chính sách tài chính...

Phân tích kết quả kinh doanh ở các công ty có đạo đức cao cho thấy họ đã nâng được thu nhập lên gấp nhiều lần so với những công ty đối thủ "thường thường bậc trung" về chuẩn mực đạo đức.

Giá trị cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán cũng tăng hơn. Song, một trong những khía cạnh quan trọng của đạo đức kinh doanh là thái độ của lãnh đạo công ty đối với nhân viên. Chỉ vì đối xử không khéo léo với nhân viên mà nhiều doanh nghiệp bị mất tới hai phần ba thời gian làm việc của nhân viên.

* Du học đang là chọn lựa của rất nhiều sinh viên Việt Nam, trong khi ở các nước có tỷ lệ du học sinh Việt Nam nhiều như Úc, Mỹ, Singapore lại có quá nhiều trường đại học, cao đẳng với chất lượng đào tạo không đồng nhất. Theo bà, làm thế nào đánh giá được chất lượng của một trường đại học?

- Rất nhiều phụ huynh ở Việt Nam quan niệm cho con du học sẽ tốt hơn và hầu hết họ thường chọn ngành kinh tế cho con theo học để dễ kiếm việc làm. Thế nhưng gần đây, quan niệm này đã thay đổi, nhiều sinh viên đã được tự do chọn ngành học theo sở thích và cũng có không ít học sinh đã chọn học các trường đại học quốc tế ngay tại Việt Nam.

Đơn cử tại RMIT, số lượng sinh viên mỗi năm đều tăng và chúng tôi đảm bảo sự tương đồng về chất lượng đào tạo, tiêu chuẩn học thuật, về đánh giá giảng viên, sinh viên cũng giống nhau giữa các cơ sở ở Việt Nam và Úc. Sinh viên học tại Việt Nam vẫn có thể qua Úc học trao đổi một, hai học kỳ, như vậy tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều.

Triết lý giáo dục của chúng tôi dựa trên hình phễu, có nghĩa là vào dễ nhưng ra khó. Tất cả mọi người đều được tạo cơ hội để học tập. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, chất lượng đào tạo phải được thực hiện nghiêm túc.

Với những sinh viên muốn du học, việc chọn trường là rất quan trọng. Nếu là một trường chất lượng tốt phải được quốc tế công nhận, tạo được sự tin tưởng nơi doanh nghiệp, sinh viên và cộng đồng.

Một số tiêu chí thường được sử dụng để đánh giá chất lượng của một ngôi trường, đó là có hệ thống quản lý tài chính rõ ràng, quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp và quản trị học thuật tốt; có tính trung thực trong học thuật, tài liệu giảng dạy phải được cập nhật, tuyển dụng được đội ngũ giảng dạy tốt và có chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn cũng như cho giảng viên được thực hiện đề tài nghiên cứu mà họ quan tâm; các dịch vụ phục vụ sinh viên như giải trí, nguồn lực giảng dạy phải mang tính công nghệ, hiện đại, giảng viên và sinh viên phải sinh hoạt trong điều kiện đạt chuẩn...

* Theo như bà nói thì số lượng sinh viên học tại RMIT đã đạt chỉ tiêu chưa?

- Đã đạt nhưng tôi vẫn có tham vọng lớn hơn trong nhiệm kỳ của mình. Cụ thể, chiến lược hoạt động mới của RMIT Việt Nam sẽ được tích hợp với chiến lược toàn cầu của Đại học RMIT trong vòng 2 năm tới và gồm 3 nội dung chính. Trước tiên là kế hoạch tăng trưởng số lượng sinh viên đạt mức 15.000 vào năm 2020 so với con số 6.000 hiện nay.

Trường cũng đang lên kế hoạch đầu tư trụ sở đào tạo mới tại Hà Nội với 100% vốn đầu tư từ RMIT ở Melbourne. Mục tiêu thứ hai là tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của Trường. Mục tiêu thứ ba là khẳng định sự khác biệt so với các trường khác bằng chính sách giảng dạy gắn liền với thực tiễn cho sinh viên từ chính nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

* Với chiến lược này, liệu bà có cảm thấy áp lực không, nhất là ở môi trường mới mẻ tại Việt Nam?

- Tôi không thấy áp lực vì đã từng làm quản lý ở nhiều nước, hơn nữa, tiêu chuẩn học thuật cũng như những điều làm nên chất lượng trường đại học trên thế giới đều như nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam có một vài khó khăn là các thủ tục hơi rườm rà nên tôi phải ký rất nhiều giấy tờ.

Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đại học công lập trong nước và các trường nước ngoài, việc thu hút các giảng viên có bằng cấp tiến sĩ để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giảng dạy của Việt Nam, trong đó thách thức nhất là đội ngũ giảng viên phải không ngừng cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy.

Thế hệ trẻ ngày nay có nhu cầu rất đa dạng và luôn thay đổi, ví dụ, họ không muốn chỉ đơn thuần nghe giảng bài trên lớp mà muốn giảng viên cũng phải biết sử dụng công nghệ hiện đại và mạng xã hội để truyền tải thông tin, nên giảng viên phải liên tục nâng cao chuyên môn, kỹ năng khác để đáp ứng nhu cầu học tập của giới trẻ.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đặt mục tiêu thu hút giảng viên giỏi từ ba nguồn: một là tìm giảng viên trình độ cao ở nước ngoài, hai là tuyển các nghiên cứu sinh người Việt tốt nghiệp Đại học RMIT muốn về Việt Nam làm việc, ba là tạo điều kiện cho giảng viên trong nước làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.

* Từng làm kinh doanh và theo học các ngành kinh tế: Cử nhân kinh doanh Trường Đại học Massey (New Zealand), thạc sĩ quản trị kinh doanh Trường Đại học Tây Úc, tiến sĩ Học viện Kinh tế và Khoa học chính trị London, Phó hiệu trưởng Học viện Unitec, Chủ tịch Học viện Quản trị Úc và New Zealand..., nhưng cơ duyên nào lại đưa bà gắn với nghiệp giáo dục?

- Tôi học đại học chuyên ngành marketing, vào thập niên 1970, ngành này còn rất mới, tôi thuộc nhóm đầu tiên được tiếp cận ngành học mới này nên vô cùng yêu thích và càng học càng thấy thích. Rồi khi đi dạy, tôi cảm thấy vui hơn vì vừa được nói những điều mình yêu thích, vừa được trả công, nên tôi quyết định gắn bó với giáo dục.

Và càng gắn bó với lĩnh vực này, tôi lại nhận thấy nghề của mình thật ý nghĩa, không chỉ ảnh hưởng tích cực đến tổ chức của mình mà còn ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của người khác. Đó là các thế hệ sinh viên mà tôi đào tạo.

Trước đây, ngoài vai trò quản lý đại học, tôi còn kinh doanh mua bán nhà nên có kinh nghiệm làm chủ doanh nghiệp và những trải nghiệm thành công, thất bại, tôi đã đúc kết rồi chia sẻ trong những buổi nói chuyện với sinh viên hoặc bài viết của mình.

* Nhiều năm gắn bó với giáo dục, điều bà trăn trở, quan tâm nhất là gì, thưa bà?

- Đó là ba rào cản khiến nhiều người không đến được với giáo dục đại học. Một là vấn đề tài chính, hai là sự thiếu tự tin dẫn đến không dám tiếp cận việc học và ba là có những người không có được sự khuyến khích, ủng hộ để học xa hơn.

* Bà vừa nói đến rào cản tài chính, nhưng chi phí học tại RMIT hiện vẫn bị xem là quá cao so với điều kiện của rất nhiều sinh viên Việt Nam...

- Chúng tôi luôn cố gắng trao cho sinh viên, phụ huynh các giá trị tương xứng với học phí đã đóng. Hơn nữa, tất cả học phí thu từ sinh viên đều được tái đầu tư cho cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, giảng viên ở Việt Nam chứ không chuyển về Úc.

Để bù lại khoản học phí cao, chúng tôi luôn cố gắng đầu tư cho quỹ học bổng và trao cho sinh viên đang theo học tại Trường cũng như sinh viên mong muốn vào học tại RMIT Việt Nam. Trọng tâm của Trường trong năm 2014 là sẽ trao 125 suất học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

* So với sinh viên các nước, theo bà, sinh viên Việt Nam có mặt mạnh, mặt yếu nào cần phát huy và cần thay đổi?

- Sinh viên ở đâu cũng có nhiều hoài bão, ước mơ và luôn mạnh mẽ, muốn chinh phục cái mới. Thời còn là sinh viên, tôi cũng có nhiều khao khát và ham muốn trải nghiệm, thử thách. Năm 24 tuổi, tôi đã một mình lái xe đi xuyên nước Úc. Trên đường đi, tôi làm đủ thứ nghề để có tiền thực hiện hành trình.

Lúc đó, tôi đi đến đâu người dân cũng ngạc nhiên vì thấy một cô gái trẻ như tôi mà dám một mình thực hiện chuyến "phượt" xuyên nước Úc. Sinh viên ngày nay cũng đang làm những điều mạnh mẽ, muốn thể hiện mình như vậy. Tuy nhiên, ngày nay các bạn trẻ có điều kiện tiếp cận công nghệ và sống thực tế hơn, phải đối diện với nhiều thách thức từ cuộc sống nên khả năng thích ứng và sự linh hoạt tốt hơn.

Đến RMIT Việt Nam, tôi rất ấn tượng trước sự thông minh, ham học hỏi của sinh viên Việt Nam. Các em học giỏi và được giáo viên đánh giá rất cao.

Sinh viên RMIT Việt Nam đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc tranh tài mang tầm quốc gia và quốc tế, đặc biệt, các em đã giành chức vô địch cuộc thi Lập ý tưởng kinh doanh do Đại học RMIT (Úc) tổ chức dành cho sinh viên RMIT trên toàn thế giới.

Một số chương trình đào tạo tại Trường như chương trình thạc sĩ kỹ thuật cũng được thiết kế theo hướng nâng cao để đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên. Một lời khuyên cho sinh viên Việt Nam là các em phải biết tận dụng kinh nghiệm, mở rộng quan hệ, tầm nhìn ra nhiều ngành học và thế giới bên ngoài.

Muốn hội nhập thì phải hiểu biết về văn hóa mới hội nhập tốt, hai là kỹ năng xã hội, ba là tính kiên định trong công việc và hiểu biết về công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó phải tham gia nhiều hoạt động, chẳng hạn như cuộc thi Tài năng Lương Văn Can do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức là một cuộc thi rất hay.

Qua đó, các em được hiểu thêm những vấn đề khởi nghiệp và đạo đức kinh doanh, tiếp xúc với doanh nghiệp để có kinh nghiệm và giao lưu với các trường đại học khác để mở mang kiến thức.

* Nhiều người cho rằng, lĩnh vực giáo dục là đầu tư chứ không phải kinh doanh, vì vậy không cần phải quảng bá như các ngành nghề khác, quan niệm của bà về ý kiến này?

- Công tác truyền thông và tiếp thị rất quan trọng, nhất là đối với trường đại học vì nhiều người cần biết thông tin về trường, ngược lại, trường cũng cần phải giới thiệu cho nhiều người biết đến mình.

Chẳng hạn, đối với RMIT, thông điệp chúng tôi muốn truyền tải là sự khác biệt, ví dụ như về mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hai là cách dạy gắn liền với thực tế.

Marketing không chỉ là truyền tải thông điệp mà còn là tăng cường mối liên kết với các đối tác và cộng đồng, ví dụ như phát triển quan hệ hợp tác với các trường phổ thông trong công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh; hoặc mở rộng liên kết với các tổ chức doanh nghiệp, các trường đại học khác để họ biết các hoạt động của mình và có thể thực hiện nhiều dự án chung mang lại lợi ích cho xã hội.

* Theo bà, điều hành trường đại học có khác điều hành doanh nghiệp không và cách làm marketing trong lĩnh vực giáo dục có gì khác so với doanh nghiệp?

- Điều hành trường đại học hay doanh nghiệp đều khó như nhau. Trong quản lý đại học, chúng tôi cũng phải quan tâm đến các vấn đề tài chính, chiến lược, nhân sự, cơ sở vật chất, quốc tế hóa, công nghệ...

Riêng các hoạt động marketing của giáo dục hay doanh nghiệp về nguyên tắc đều giống nhau, ví dụ cũng phải phân khúc thị trường, xác định nhu cầu khách hàng để cung cấp dịch vụ tốt nhất, tăng cường truyền thông và chăm sóc khách hàng...

* Cảm ơn bà về buổi trò chuyện này.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân