Thứ Năm, Ngày 26 Tháng 12 Năm 2024

Chủ tịch Traphaco: “Chúng tôi sẽ tiếp tục M&A”

Thứ Ba, 04/02/2014 10:27
Bà Vũ Thị Thuận, chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco cho biết, sang năm 2014 công ty tiếp tục thực hiện M&A các công ty cùng ngành để phát triển và giữ vững vị thế đầu ngành Đông dược.

 

Nội dung nổi bật:
2013:
- Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco cho biết, năm 2013 kết quả kinh doanh của công ty khá tốt. Traphaco hưởng lợi khi được cho vay lãi suất thấp. Các dòng sản phẩm chính của công ty vẫn tăng trưởng tốt.
- Thị trường OTC (thuốc dùng không cần kê đơn) và ETC (thuốc kê đơn) của Traphaco đều gặp khó khăn.
- M&A bước đầu thành công nhưng vẫn cần thời gian tái cấu trúc
2014:
- Traphaco sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường OTC và đẩy mạnh các sản phẩm “sức khỏe xanh”
- Về M&A, dù chưa đặt ra một mục tiêu cụ thể nhưng Traphaco vẫn giữ vững quan điểm M&A các công ty cùng ngành.
 
2013: Hài lòng

Trao đổi với  chúng tôi ngay trước cuộc họp HĐQT, bà Thuận tỏ ra hài lòng với kết quả kinh doanh 2013 của Traphaco. Đánh giá sơ bộ, công ty đã hoàn thành kế hoạch đề ra, duy trì được mức tăng trưởng trên 20%. Cổ phiếu của Traphaco cũng đã tăng gấp đôi, lên mức 90.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 năm qua. Giá cổ phiếu tăng cao dù công ty đã tiến hành bán ưu đãi và trả thưởng bằng cổ phiếu với tỉ lệ 2:1.

Những tác động tích cực từ chính sách giảm lãi suất của ngân hàng đã mang về cái lợi khá lớn cho Traphaco. Hiện tại,công ty chỉ phải vay với lãi suất ưu đãi 6,8%, thấp hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp khác. “Nhờ lãi suất giảm, Traphaco được giảm chi phí tài chính khoảng 10 tỷ đồng”, bà Thuận ước tính.

Các dòng sản phẩm chủ lực của Traphaco như Boganic và Hoạt huyết dưỡng não vẫn đang giữ vững vị thế dẫn đầu của mình trên thị trường. Hiện 10 dòng sản phẩm chủ chốt đã chiếm tới 80% doanh thu của Traphaco.

Một năm khó khăn nhưng Chủ tịch Traphaco vẫn tỏ ra hài lòng với kết quả kinh doanh

Hưởng lợi từ lãi suất, tuy nhiên Traphaco cũng phải chịu tác động từ những khó khăn của kinh tế trong nước. Chủ tịch HĐQT Traphaco đánh giá, cả 2 thị trường OTC (bán thuốc không cần kê đơn, người dân có thể tự mua) và ETC (thuốc dùng trong hệ thống điều trị) của công ty đều vướng phải khó khăn trong năm 2013. 

Thị trường OTC, thị trường chính của Traphaco chịu tác động mạnh của giảm phát. “Đặc thù của thuốc đông dược là phòng bệnh và nâng cao sức khỏe là chính, do vậy không được ưu tiên ngay lập tức như kháng sinh. Khi kinh tế khó khăn, người dân có thể giãn ra, ngừng sử dụng thuốc một thời gian”, bà Thuận cho biết. Trong khi đó, thị trường thuốc ETC của Traphaco cũng bị thu hẹp dưới tác động của Thông tư 01.

Mặc dù vậy, trong năm 2013, Traphaco vẫn có nhiều động thái mở rộng hoạt động kinh doanh. Cùng với việc liên tục tung ra các sản phẩm mới, Traphaco không giấu diếm quan điểm mở rộng quy mô thông qua các thương vụ M&A.

Sau khi mua lại 42,91% cổ phần Công ty CP Dược và Vật tư Y Tế Quảng Trị vào năm 2012, năm 2013, Traphaco tiếp tục mua lại 49% vốn điều lệ Công ty CP Dược và Vật tư Y tế Thái Nguyên. Tháng 8 năm 2013, Traphaco còn tiến hành nâng tỉ lệ sở hữu tại Công ty CP Dược và Vật tư Y tế Đăk Lăk lên 58%.

Lợi thế của M&A trong ngành dược là giúp các công ty tăng đáng kể doanh thu nhưng chi phí bán hàng lại không bị đội lên nhiều. Tính tới thời điểm hiện tại tổng cộng Traphaco đã góp vốn tại 6 công ty, bao gồm 4 công ty con Công ty CP Công nghệ cao Traphaco, Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa, Công ty TNHH MTV Traphaco Hưng Yên, Công tyCP Dược - Vật tư y tế Đăk Lăk và 2 công ty liên kết là Công ty CP Dược - Vật tư y tế Thái Nguyên, Công ty CP Dược - Vật tư y tế Quảng Trị.

Chủ tịch HĐQT Traphaco cho biết, các thương vụ M&A chưa hướng tới mục tiêu lợi nhuận.“Lợi nhuận của một công ty phân phối dược phẩm rất thấp. Chẳng hạn, công ty Dược Đắk Lắk  năm ngoái doanh thu được gần 300 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ khoảng 8, 9 tỉ”.  Hay như Dược Thái Nguyên, sau khi M&A, Traphaco cho biết còn phải tiến hành nhiều bước để tái cấu trúc lại công ty này.
 
Tuy nhiên, những lợi ích từ M&A cũng rất lớn. Chủ tịch Traphaco cho biết, tại thị trường Đắk Lắk, doanh thu sản phẩm của Traphaco tại khu vực miền Trung Tây Nguyên đã tăng trưởng trên 30% sau M&A.

2014: Tiếp tục đẩy mạnh thâu tóm

Sang năm 2014, bà Thuận cho biết, Traphaco sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường OTC và đẩy mạnh các sản phẩm “sức khỏe xanh”. “Thị trường OTC đem tới những khách hàng trung thành và cũng phù hợp với các sản phẩm Đông dược của Traphaco hơn”. 

Chiến lược “sức khỏe xanh” được Traphaco bắt đầu từ năm 2009 với mục tiêu phát triển vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái) để đảm bảo sự phát triển bền vững của Traphaco, mang lại sức khỏe cho cộng đồng.

Phát triển vùng trông dược liệu theo tiêu chuẩn mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho Traphaco

Tuy nhiên, chiến lược này đang chịu nhiều sức ép từ các doanh nghiệp Dược nhỏ lẻ.Việc phát triển hệ thống đạt tiêu chuẩn cao đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, sản phẩm chất lượng tốt hơn nhưng giá thành cũng cao hơn. Nhiều công ty Dược đã tung ra sản phẩm gần như tương đồng từ mẫu mã cho tới tên gọi, nhưng có giá thành thấp hơn Traphaco để cạnh tranh.

“Dù chi phí cao hơn nhưng các sản phẩm của Traphaco luôn có hiệu quả điều trị cao, hướng tới giá trị cốt lõi. Việc đầu tư công nghệ, vùng trồng mất rất nhiều chi phí nhưng chất lượng sản phẩm đảm bảo và mang lại cho người tiêu dùng sự chọn lựa tốt hơn. Không phải ngẫu nhiên mà những sản phẩm như Boganic hay Hoạt huyết dưỡng não có thể tồn tại gần 20 năm trên thị trường, dẫn đầu thị trường”, bà Thuận tự tin.

Tự phát triển vùng trồng cũng giúp Traphaco có nguồn cung ổn định hơn (tự túc được khoảng 70% nguyên liệu đầu vào), cùng với sản xuất quy mô lớn để giảm giá thành. Đây cũng là điểm mạnh của Traphaco so với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.

Về chiến lược M&A của Traphaco, dù chưa đặt ra một mục tiêu cụ thể, nhưng theo bà Thuận, Traphaco vẫn giữ vững quan điểm M&A các công ty cùng ngành. “Những thương vụ M&A của Traphaco dựa theo hai tiêu chí: Thứ nhất là đảm bảo mình nắm được quyền chi phối. Thứ hai là vốn đầu tư phải thấp hơn việc thành lập đại lý mới”.  Để đạt được hai tiêu chí này không dễ dàng. “Mức giá hợp lý nhất là mua lại cổ phần từ tay Nhà nước”, bà Thuận cho biết.

Đề cập tới việc tìm đối tác “thế chân” SCIC, Tổng Công ty Quản lý Vốn Nhà nước trong trường hợp SCIC thoái vốn tại đây, bà Thuận nói thêm: “SCIC hiện đang nắm giữ 35,67% cổ phần tại Traphaco. 
Khi tái cơ cấu, chúng tôi mong tìm được những đối tác am hiểu về Traphaco. Họ không nhất thiết phải xuất thân từ ngành dược mà có thể hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng. Quan trọng là họ có trách nhiệm với khoản đầu tư của mình. Quan điểm của tôi cũng như Traphaco trong kinh doanh là  “Thành tín – Đồng lợi - Cùng phát triển”.
Theo CafeBiz

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân