Chủ Nhật, Ngày 5 Tháng 1 Năm 2025

Ba ngoại trưởng nữ và câu chuyện nữ quyền nước Mỹ

Thứ Tư, 12/03/2014 12:00
Tháng 1-1997, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 200 năm của nước Mỹ, một phụ nữ được trao chức ngoại trưởng - một trong bốn vị trí cao nhất của nội các (bà Madeleine Albright).

Từ đó, trong suốt 15 năm sau, chức ngoại trưởng nhiều lần thuộc về các chính trị gia nữ: Condoleezza Rice, Hillary Clinton. Những người phụ nữ rất thành đạt này nhiều lần bị báo giới Mỹ chỉ trích về đủ chuyện mà thực chất các chỉ trích được cho là xuất phát từ sự phân biệt giới. 

Bà Heather Marie Stur - Ảnh: Thanh Tuấn 

TTCT trò chuyện với giáo sư Heather Marie Stur của ĐH Nam Mississippi (Mỹ), người vừa có cuộc trao đổi tại ĐH Hoa Sen về ba nữ ngoại trưởng đặc biệt này cùng câu chuyện của họ đối với vấn đề giới ở nước Mỹ. 

* Xin bắt đầu với đề tài mà bà mới trình bày về ba nữ ngoại trưởng Mỹ. Ý chính của bà là gì?

Bà Heather Marie Stur (ĐH Nam Mississippi) hiện là giáo sư thỉnh giảng và học giả Fulbright tại khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV. Bà đã viết nhiều bài báo về phụ nữ, giới, quan hệ quốc tế, chiến tranh và đang viết một cuốn sách về trí thức Sài Gòn trong thời chiến tranh.

- Nước Mỹ chưa bao giờ có tổng thống nào là nữ cả - điều khiến Mỹ tụt lại phía sau một loạt nước trên thế giới. Vị trí cao nhất trong chính trị mà phụ nữ Mỹ đạt tới cho đến giờ là ngoại trưởng. Thậm chí là phó tổng thống cũng chưa có.

Vì vậy tôi nghĩ là có thể dùng những gì mà Madeleine Albright, Condoleezza Rice và Hillary Clinton trải qua để hiểu vấn đề giới, vai trò của phụ nữ trong xã hội Mỹ tác động tới sự nghiệp của họ thế nào. Một mặt họ cho thấy phụ nữ Mỹ có thể vươn cao thế nào trong chính trường, rằng họ có rất nhiều cơ hội, có thể trở thành ngoại trưởng. Nhưng chúng ta cũng thấy xã hội Mỹ vẫn còn nhiều việc phải làm trong vấn đề giới vì cả ba phụ nữ này đều nói việc họ bị đánh giá khi làm công việc vốn thông thường là của đàn ông.

Phụ nữ có thể làm công việc đó nhưng xã hội Mỹ vẫn có những quan điểm bảo thủ về giới. 

* Tôi nhớ Madeleine Albright từng bị phê phán là “cư xử như đàn ông”...

- Madeleine Albright đúng là bị soi chuyện này nhiều nhất. Có lẽ vì bà là nữ ngoại trưởng đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Khi Hillary Clinton và Condoleezza Rice làm ngoại trưởng thì đã có tiền lệ rồi. Với Albright, bà bị báo chí và đồng nghiệp nam phê phán rằng phụ nữ không thể làm ở vị trí cao như vậy. Có nhà báo nói phụ nữ quá cảm tính nên không chịu được áp lực của vị trí ngoại trưởng, rồi phụ nữ sinh ra không có những tính cách giúp họ làm tốt công việc này.

Cả ba người phụ nữ này chứng minh điều ngược lại. Cả ba người từng ủng hộ việc sử dụng biện pháp quân sự trong thời kỳ làm ngoại trưởng, như vậy phụ nữ không phải chỉ là mềm yếu hay là không biết cách mạnh mẽ. 

* Phải chăng vì tâm lý nói chung đều cho phụ nữ là mềm yếu, nên lúc ở vị trí đó người phụ nữ thường phải gồng mình để chứng tỏ sự cứng rắn và mạnh mẽ?

- Với trường hợp Albright, tôi không nghĩ bà ủng hộ việc dùng quân sự tại Bosnia hay ở Kosovo vì bà cảm thấy phải chứng minh rằng là mình mạnh mẽ. Trong trường hợp đó bà thật sự nghĩ quân sự là cách duy nhất chấm dứt thảm họa diệt chủng, các biện pháp khác sẽ không hiệu quả... Tôi nghĩ với cả ba trường hợp thì họ đều có lý lẽ chính trị để ủng hộ các biện pháp cứng rắn chứ không phải là vì họ cố tỏ ra cứng rắn. 

* Đâu là nguyên nhân khiến dư luận thay đổi cách nhìn với bà Hillary? Trong những năm 1990, tôi nhớ báo chí suốt ngày ta thán về chuyện tóc của bà, kiểu cách của bà. Hillary thậm chí trở thành một tính từ...

- Đúng rồi. Mọi người nói cả về giọng của bà, về cách bà cười rồi tóc của bà, cách bà ăn mặc, nói chung là mọi thứ. Tôi nghĩ tỉ lệ ủng hộ bà tăng lên trong thời kỳ vụ Monica Lewinsky. Người Mỹ cảm thấy bà Hillary đã rất độ lượng khi phản ứng vụ đó. Tôi tin chắc những gì diễn ra là rất đau đớn trong gia đình nhưng bà không thể hiện sự giận dữ ra, kể cả đối với Monica Lewinsky.

Người Mỹ thật sự rất tôn trọng bà khi trải qua vụ xìcăngđan đó. Bà rất rộng lượng khi không tìm cách trả đũa hay hủy hoại Lewinsky. Bà chỉ giữ điều đó trong riêng gia đình. Mọi người trở nên rất tôn trọng và đồng cảm với bà hơn. Tôi nghĩ đó là thời điểm cách nhìn nhận của mọi người bắt đầu thay đổi.

Khi trở thành ngoại trưởng, bà nhận được sự tôn trọng rất lớn từ thế giới. Mọi người thấy bà thật sự là hình ảnh tốt cho nước Mỹ nếu chúng ta nhớ uy tín của Mỹ sụt giảm thế nào dưới thời chính quyền Bush. 

* Bà vừa nói về chuyện bà Hillary cố giữ gia đình trong vụ Monica Lewinsky, phải chăng đó cũng là cách suy nghĩ rất truyền thống và bảo thủ của Mỹ? Ly hôn từng là vấn đề nhạy cảm ở Mỹ và đến giờ ở nhiều vùng, ly hôn vẫn là việc rất khó chấp nhận.

- Một ý thú vị. Ít nhất thì từ thời sinh viên, bà Hillary đã luôn coi mình là một người ủng hộ nữ quyền. Bà đặt sự nghiệp của chồng mình lên trên cho đến khi ông xong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình thì bà mới bắt đầu theo đuổi sự nghiệp riêng. Bà theo ông về quê ở Arkansas để ông có thể ra ứng cử thống đốc bang... Như vậy là trên nhiều khía cạnh, anh đúng, bà rất truyền thống. Bà chấp nhận giữ cuộc hôn nhân với ông hơn là ly hôn.

Một số nhà phân tích ở Mỹ cho rằng việc bà giữ cuộc hôn nhân là vì bà thấy về mặt chính trị sẽ thuận lợi. Sự gắn kết đấy giúp bà mở rộng mạng lưới của mình và đạt được mục tiêu cuối cùng của mình về mặt chính trị.

Trong những năm 1980 sẽ rất khó để trở thành thượng nghị sĩ nữ ở New York. Nên với một số người họ cho rằng không phải bà “truyền thống” mà là bà rất tính toán và coi đây là một phần trong kế hoạch cuối cùng của bà để tiếp tục theo đuổi chính trị. 

Những phụ nữ trẻ tham gia cuộc diễu hành của phong trào Occupy Wall Street hồi tháng 11-2011 ở thành phố New York, Mỹ. Tiếng nói của phụ nữ ngày càng xuất hiện nhiều trong các tiến trình chính trị ở Mỹ - Ảnh: Thanh Tuấn 

* Sau Madeleine Albright, thực tế là chúng ta có một loạt ngoại trưởng nữ, sau đó với một giai đoạn ngắn của Collin Powell. Ngay với Ngoại trưởng Kerry, ông cũng không phải là lựa chọn đầu tiên mà đó là bà Susan Rice. Rõ ràng có sự thay đổi ở đó. Ngay với cuộc đua bầu cử cho năm 2016, bên phía Dân chủ nói rất nhiều về bà Hillary Clinton cũng như Elizabeth Warren. Có vẻ đã có nhiều chính trị gia nữ xuất hiện hơn vào lúc này?

Chủ nghĩa nhân quyền luôn ủng hộ phụ nữ có cơ hội đúng và lựa chọn điều họ cảm thấy là tốt nhất cho mình. Mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa nữ quyền không có nghĩa là mọi phụ nữ đều phải đi làm. 

- Nếu để ý ta sẽ thấy đây là lứa phụ nữ lớn tuổi. Những gì chúng ta thấy, tôi nghĩ là trái ngọt của một thế hệ đấu tranh, một quá trình đấu tranh dài, dần dần cho tiến trình thay đổi này. Một số những phụ nữ này đã làm những vai trò truyền thống như lấy chồng, có con, giờ khi con cái trưởng thành họ chuyển dần từ con đường chính trị địa phương leo dần lên chính trị bang rồi tới nền chính trị lớn toàn quốc.

Đó là tiến trình dài, gian khổ của những thế hệ phụ nữ này. Ở tuổi 30 của họ thì rất khó để họ nói muốn ra tranh cử mà thắng cử được. Giờ thì chúng ta thấy những phụ nữ như Hillary Clinton, Elizabeth Warren và những người cùng thế hệ họ xuất hiện.

Susan Rice từ thế hệ trẻ hơn. Trường hợp Susan Rice từng là ứng viên số 1 cho chức vụ ngoại trưởng cũng là trường hợp thú vị. Đáng tiếc là bà bị chỉ trích vì sự cố Benghazi (*). Đồng thời bà bị chỉ trích là người phụ nữ quá thẳng thắn, có quan điểm quá riêng. Và chính ở đây chúng ta thấy tiêu chuẩn kép.

Đàn ông có quan điểm riêng, cứng rắn trong việc đưa ra quan điểm thì được coi là tự tin, mạnh mẽ, xứng đáng là lãnh đạo. Nhưng nếu phụ nữ có tính cách như vậy thì lại bị coi là kẻ cả, thích trèo đầu cưỡi cổ, hung hăng, hay bị coi là người không biết vị trí mình ở đâu. Những gì xảy ra với bà Susan Rice là bằng chứng cho việc đấy. 

* Như vậy là vẫn có suy nghĩ ngầm rằng phụ nữ sẽ không được chấp nhận nếu có quan điểm riêng, cứng rắn...

- Một số người Mỹ vẫn coi những phụ nữ nói thẳng ra quan điểm của mình là người quá cảm tính, quá thẳng thắn, không hiểu lúc nào là nên im lặng. Nhưng người Mỹ không bao giờ có chỉ trích như vậy với những lãnh đạo là nam.

 

Rosie The Reveter - một biểu tượng văn hóa nổi tiếng về nữ quyền ở Mỹ

* Madeleine Albright thì ly dị, Condoleezza Rice thì không lập gia đình, Hillary Clinton thì có Bill Clinton với xìcăngđan tình ái của ông. Phải chăng việc người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp đồng thời có ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ?

- Albright có nói về điều đó trong hồi ký của mình và cho rằng có lẽ sự nghiệp của bà đã làm ảnh hưởng tới đời sống hôn nhân. Nhưng tôi vẫn nghĩ chuyện này lỗi do đàn ông chứ không phải chỉ phụ nữ. Cái suy nghĩ phụ nữ phải hi sinh góc mềm mại của mình, hi sinh gia đình để theo đuổi sự nghiệp có lẽ là không công bằng. Điều đó bỏ qua hoàn toàn trách nhiệm của người đàn ông.

Bà Hillary Clinton đã ủng hộ chồng trong suốt sự nghiệp chính trị nhưng ông Clinton vẫn có những bê bối tình ái. Tôi nghĩ có gì đó không công bằng khi nói phụ nữ cứng rắn theo đuổi sự nghiệp của mình và điều đó làm bà mất chồng. 

* Để có thay đổi với phong trào nữ quyền, dường như chính những người phụ nữ cũng phải nghĩ khác đi, phải chủ động dấn thân hơn?

- Tôi nghĩ rằng ủng hộ bình quyền cho phụ nữ có nghĩa là ủng hộ dù người phụ nữ đó ở nhà hay đi làm. Với những phụ nữ muốn ở nhà, nuôi con hỗ trợ chồng thì những người phụ nữ theo đuổi sự nghiệp cũng nên tôn trọng lựa chọn đó của họ. Ngược lại, những người ở nhà cũng nên tôn trọng những người theo đuổi sự nghiệp.

Nếu chúng ta không nhìn nhận vậy thì thực tế là chúng ta chẳng tin vào khả năng lựa chọn của phụ nữ. Chủ nghĩa nhân quyền luôn ủng hộ phụ nữ có cơ hội đúng và lựa chọn điều họ cảm thấy là tốt nhất cho mình. Mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa nữ quyền không có nghĩa là mọi phụ nữ đều phải đi làm. 

* Bà Tôn Nữ Thị Ninh, người cũng có mặt trong buổi nói chuyện của bà, cũng là nhà ngoại giao rất thành công ở Việt Nam. Nhưng bản thân bà cũng nói nhiều về những cái trần vô hình cản trở sự thăng tiến của phụ nữ.

- Bà Ninh có đưa ra một số điểm rất hay. Một là, cơ hội cho phụ nữ dù ở Mỹ hay Việt Nam hay bất cứ nước nào sẽ không có thay đổi cho đến khi chúng ta có nhìn nhận lại cái gì thuộc về đàn ông, về vai trò của đàn ông. Chúng ta có thể nói thoải mái về chuyện tăng thêm quyền, tạo điều kiện cho phụ nữ, vinh danh phụ nữ có thành tựu chính trị, kinh doanh... nhưng chỉ cho đến khi xã hội có thể chấp nhận chuyện nuôi con, chăm sóc nhà cửa... cũng là nhiệm vụ của đàn ông chứ không phải chỉ của riêng phụ nữ, nếu không phụ nữ sẽ không bao giờ đạt được bình đẳng thật sự.

Bà Ninh có kể chuyện ở một hội thảo chính một giáo sư nam nói “tại sao lại nói về vai trò của phụ nữ ở đây? Đúng ra phải nói về vai trò của đàn ông chứ”. Chúng ta nên nghĩ lại vai trò của đàn ông. Việc ông chồng nói tôi ủng hộ sự nghiệp của vợ tôi rất khác với ông chồng nói tôi sẽ đặt sự nghiệp sang một bên để trông con cho vợ tôi có thể đạt được mục tiêu sự nghiệp của mình.

* Bà có nghĩ nước Mỹ đã sẵn sàng cho một tổng thống là nữ hay chưa?

- (ngần ngừ) Đó là câu hỏi thú vị, câu hỏi của năm 2008 là nước Mỹ sẵn sàng chấp nhận một tổng thống nam gốc Phi hay sẵn sàng chấp nhận một tổng thống là nữ...

Giờ thì thật sự khó nói. Ở một số khu vực tại Mỹ đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về giới, người ta sẽ dễ dàng chấp nhận chuyện tổng thống nữ nhưng ở khu vực nhiều người bảo thủ, người ta sẽ còn tiếp tục chất vấn. Điều quyết định chính giờ là chuyện chính trị: bà Hillary sẽ phải bảo thủ hay trung dung tới mức nào để có thể giành đủ phiếu. Câu chuyện giờ có lẽ tập trung nhiều vào chính sách hơn là vấn đề giới.

Chính trị Mỹ rất đa dạng. Chúng tôi có hơn 300 triệu dân nên rất khó nói chính xác. Bà Hillary Clinton vẫn là nhân vật mà nếu anh nêu tên ra thì mọi người đều đã có quan điểm hay thành kiến gì đó rồi. Nên rất khó nói rằng người ta phản đối bà vì bà là phụ nữ hay vì là chuyện khác.

Nếu ở thành phố New York chẳng hạn, người dân thấy chuyện phụ nữ làm tổng thống là rất bình thường. Nhưng nếu đến một vùng bảo thủ như nơi tôi đang ở (Mississippi) thì sẽ nhận được câu trả lời hoàn toàn khác. Quan điểm ở California cũng hoàn toàn khác ở Utah... 

* Bà từng viết cuốn sách Đằng sau trận chiến: phụ nữ và vấn đề giới trong thời chiến tranh Việt Nam (Beyond Combat: Women and Gender in the Vietnam War Era). Xin bà nói thêm về cuốn sách.

- Những người lính Mỹ được cho là đến Việt Nam để giải phóng... Nhưng khi đến thì họ thấy họ chiến đấu với những người lính là phụ nữ Việt. Và điều đó làm lung lay cái ý tưởng rằng họ đến Việt Nam để giải phóng.

Với những người Mỹ đi chiến đấu, họ rất ngạc nhiên khi thấy không chỉ phụ nữ trong chiến tranh mà còn thấy phụ nữ ở chiến trường tại Việt Nam. Họ nghĩ họ đến để chiến đấu với một đội quân (đàn ông) giống họ nên điều đó thật khó hiểu với họ.

Rất nhiều lính Mỹ gặp vấn đề với điều đó vì họ biết họ đang sát hại phụ nữ trong khi với văn hóa Mỹ thì cuộc chiến là giữa đàn ông với đàn ông. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao nhiều người lính Mỹ thấy rất khó khăn đối mặt với hậu quả khi trở về.

* Xin cảm ơn bà.

(*): Năm 2012, khi xảy ra cuộc tấn công ở Benghazi khiến hai nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng (kể cả đại sứ J. Christopher Stevens), bà Susan Rice, khi đó là đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đã có phát biểu thiếu chính xác về nguyên nhân cuộc tấn công.

Theo Tuổi Trẻ

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân