Thứ Năm, Ngày 9 Tháng 5 Năm 2024

“Con trai mẹ làm khổ con rồi, mẹ đừng làm con khổ thêm nữa!”

Thứ Bảy, 22/02/2014 12:00
Chị đã nói thẳng vào mặt mẹ chồng: “Con trai mẹ đã làm khổ con quá rồi, mẹ đừng làm con khổ thêm nữa!”.

 Hồi còn yêu anh Quân, chị Ly (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thấy anh là người hiền lành, ít nói, sống khép kín, ngại bon chen nhưng cũng không cho đó là nhược điểm. So với những kẻ lăng nhăng, chơi bời thì rõ ràng lấy anh Quân sẽ yên tâm hơn hẳn.

Nhưng bước vào cuộc sống hôn nhân, vấp vào những cơm áo gạo tiền, chị mới thấm thía hết những nỗi khổ có một ông chồng như thế. Anh Quân đi làm gọi là có - một công việc làng nhàng với mức lương đủ cho anh ăn sáng. Mọi gánh nặng kinh tế trong gia đình đều đặt lên vai chị. Anh Quân lúc nào cũng bình chân như vại như thể vợ con và mẹ đẻ anh không phải là trách nhiệm của anh.

Chị Ly chán nản lắm, nhưng nghĩ đi nghĩ lại lại thôi vì dù gì cũng là vợ chồng có với nhau một mặt con. Chị không lo thì ai lo đây? Vậy là chị lại nai lưng ra làm thêm để kiếm tiền trang trải cho gia đình.

Nhưng công việc của anh nhàn hạ, có nhiều thời gian rảnh nên anh sinh tật. Anh bị bạn bè rủ rê, mắc vào mấy trò lô đề đỏ đen lúc nào không hay. Đến khi chị Ly biết được thì số nợ mà anh vướng vào đã là con số không nhỏ.



Vậy mà anh còn thản nhiên: “Em cho anh vay tiền, hoặc đi vay hộ anh cũng được. Khi nào có anh trả!”. Quá bất mãn với thái độ của chồng, chị đã hét vào mặt anh: “Anh còn bình chân như vại thế được sao? Anh có biết là nếu em không chắt bóp tằn tiện thì con mình còn không có cơm ăn không?”.

Mẹ chồng chị nghe được 2 vợ chồng chị cãi vã, biết chuyện nợ nần của anh cũng chẳng một câu trách cứ con trai. Bà chỉ biết rằng chị to tiếng với chồng, thế là nhảy dựng lên bênh con trai: “Mày ăn nói với chồng như thế hả? Chồng chơi nợ có tí tiền mà cứ làm như trời sập đến nơi!”.

Chị Ly không muốn làm to chuyện nên im lặng cho qua. Và chị cũng không muốn tranh cãi với mẹ chồng vì việc đầu tiên cần giải quyết là khoản nợ của chồng vì những kẻ cho vay nặng lãi đã bắt đầu gọi điện giục giã rồi.

Nhưng những ngày sau đó, cứ hễ thấy chị cau có với chồng chuyện tiền nong là mẹ chồng lại rao giảng: “Làm vợ thì phải có trách nhiệm giúp đỡ chồng lúc khó khăn hoạn nạn. Mới có tí thế mà mày đã coi chồng chẳng ra cái gì thì cái nhà này đúng là vô phước mới rước được đứa con dâu như mày!”.

Bà còn đi rêu rao với hàng xóm, anh em họ hàng rằng chị là “con vợ” mất nết, vì tiền mà khinh chồng như rác. Chị Ly thường là cố nhịn cho qua, vì nghĩ bà già cả rồi, không chấp nhặt bà câu nói. Nhưng có lần, vì áp lực nợ nần tiền bạc của chồng và trăm nghìn thứ trong gia đình đổ dồn lên đôi vai chị khiến chị quá sức chịu đựng.
 
Chị đã nói thẳng vào mặt mẹ chồng: “Con trai mẹ đã làm khổ con quá rồi, mẹ đừng làm con khổ thêm nữa! Con là vợ, đã chẳng mong chờ được gì ở người đàn ông của mình lại còn phải cáng đáng cả những lỗi lầm anh ấy gây ra nữa! Mẹ thấy con vẫn còn sướng lắm à?”.
 
Lần đầu thấy con dâu to tiếng với những lời lẽ không thể phản bác ấy, mẹ chồng chị Ly không nói lại được gì. Sau hôm đó, thái độ của bà với chị cũng thay đổi theo chiều hướng tốt lên trông thấy.

Phát hiện chồng có bồ, chị Huệ (Vinh - Nghệ An) cảm thấy đau khổ và tuyệt vọng vô cùng. Niềm tin và tình yêu vào chồng nứt vỡ tan tành. Điều khiến chị khổ tâm hơn nữa là khi bị chị phát hiện, anh Hữu - chồng chị còn ngang nhiên thách thức chị bằng cách tuyên bố yêu người tình - là một em 9x trẻ trung. Khi bị chị lên án, trách móc thì anh xách hẳn hành lí đến sống với người tình.

Ban đầu chị nghĩ, nếu anh hối cải, muốn quay đầu thì chị cũng sẽ vì con, vì gia đình mà tha thứ cho anh một lần, dù vẫn biết vết thương không biết bao giờ mới lành miệng. Nhưng anh Hữu đã xử sự như thế đấy. Chị Huệ thật sự đành buông tay bất lực.

Ngày anh bỏ đi, mẹ chồng chị cũng không can ngăn nổi men say tình ái mãnh liệt trong anh. Bà sau khi can ngăn anh không được, đã đổ hết mọi tội lỗi lên đầu chị: “Mày làm vợ kiểu gì mà đến chồng cũng không giữ nổi? Mày ăn ở thế nào mà để chồng nó chán nó bỏ đi với con khác thế hả? Cái ngữ mày có xứng đáng được gọi là đàn bà không?”.

Chị rất giận mẹ chồng. Trước đây bà đối với chị cũng không tình cảm gì cho cam, giờ chồng chị đổ đốn, bà lại đổ hết mọi tội nợ lên đầu chị như vậy. Nhưng vì quá đau buồn, chị Huệ không thiết nói một lời đối đáp lại mẹ chồng nữa.

Chị bế con về nhà ngoại chờ li hôn. Chị xác định, anh đã cạn tình cạn nghĩa như thế thì chị cũng không cần một người chồng như vậy. Cuộc hôn nhân này đường ai nấy đi là cách giải quyết tốt nhất!

Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Kể từ khi chị về nhà ngoại, không một ngày chị được yên thân với mẹ chồng …sắp cũ. Bà liên tục tìm chị để đòi cháu trai của bà. Theo bà thì bé là dòng giống nhà bà nên bé phải được mang về nhà bà sống, chị chẳng là cái gì mà được quyền bắt bé đi.

Chị Huệ kiên quyết không đáp ứng thì bà đến tận nhà mẹ đẻ chị mắng mỏ. Bà còn đi khắp xóm giềng nhà chị lu loa rằng chị là một người đàn bà không ra gì đến nỗi chồng chán chồng phải bỏ đi, “giờ mà để con trai theo nó thì chỉ tổ làm hỏng đời thằng bé!”.

Quá mệt mỏi với người chồng phụ bạc, lại thêm mẹ chồng quá quắt đã khiến chị Huệ không thể im lặng được nữa. Trước đây chị không muốn tranh cãi nhiều với bà vì chị nghĩ dù sao bà cũng là bà nội của con trai mình, là mẹ chồng của chị nên chị tôn trọng và không để bụng.

Lần này, uất ức dâng trào, chị Huệ đã đứng trước mặt mẹ chồng, nói thẳng với bà: “Con của con do con đẻ ra, nó phải ở với con. Điều đó pháp luật cũng công nhận. Khi nào con chết đi thì mới đến lượt chồng con hay bà nuôi bé. Mẹ cũng là một người mẹ, mẹ đừng nói những câu chia rẽ mẹ con con nữa!

Con lấy con trai mẹ đã là cả một sai lầm lớn rồi. Con còn gọi mẹ là mẹ vì con còn tôn trọng mẹ mà thôi! Mẹ nhìn lại con trai mẹ xem, nếu mẹ có người chồng như thế thì mẹ có chịu nổi không? Con trai mẹ đã làm khổ con lắm rồi, mẹ đừng làm con đau lòng thêm nữa! Mẹ không thấy thế là quá đủ đối với con rồi à?”.

Mẹ chồng chị ú ớ chẳng cự cãi được câu gì. Sau khi nói đổng vài câu cũng bỏ về, và từ ấy không còn đến làm phiền chị Huệ nữa.

Nguồn 2Sao

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân