Thứ Sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Yêu hàng Việt để giảm phụ thuộc Trung Quốc

Thứ Tư, 04/06/2014 12:00
Khẳng định giao thương hai nước vẫn bình thường trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông, tuy vậy Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng đây là cơ hội để kinh tế Việt Nam giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

 Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 2/6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định quan hệ giao thương chính ngạch cũng như tiểu ngạch giữa hai nước vẫn diễn ra bình thường dù việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam khiến tâm lý người dân bị ảnh hưởng.

Để giảm nhập siêu từ Trung Quốc, theo ông Hải cần tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, một công việc Việt Nam đã làm khá tốt thời gian gần đây. 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 28,4%. Để giảm nhập khẩu, Việt Nam cần tăng cường sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, biện pháp quyết liệt là người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Cơ quan quản lý cho rằng Việt Nam đang có cơ hội giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Thứ trưởng Công Thương phân tích, nếu tất cả người dân ưu tiên dùng hàng Việt sẽ tạo ra kim ngạch không nhỏ, từ may mặc đến ăn uống. Theo ông Hải, vấn đề ưu tiên dùng hàng Việt được đặt ra nhiều lần nhưng doanh nghiệp địa phương chưa làm quyết liệt. Do vậy, việc căng thẳng ở biển Đông là cú hích để “làm mạnh hơn” nhằm đưa kinh tế đi lên. "Sự kiện tháng 5 vừa rồi là một cú hích đẩy chúng ta phải làm mạnh hơn các giải pháp giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, kêu gọi mọi người dân ưu tiên dùng hàng Việt", ông Hải chia sẻ.

Để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, ông Hải cho hay, Bộ Công Thương đã mở rộng xúc tiến thương mại cũng như đàm phán nhiều thị trường. “Không phải khi căng thẳng Biển Đông chúng ta mới đề cập mà trước đó, chúng ta nói nhiều lần, không nên phụ thuộc vào một thị trường”, ông Hải nói.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện là đối tác quan trọng, với giá trị nhập khẩu khoảng 10 tỷ đôla, tương đương 9% tổng kim ngạch hàng xuất của Việt Nam trong năm 2013. Trong khi đó, 23% hàng hóa nhập khẩu của nền kinh tế cũng đến từ Trung Quốc.

Tại phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội ngày 2/6, đa số các đại biểu cho rằng để kinh tế phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới cần có những chính sách phù hợp để phát huy nội lực, tiến tới sự tự chủ.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, trong năm qua, Chính phủ đã thành công trong việc bình ổn thị trường vàng, nợ xấu bất động sản giảm. Tuy nhiên, khả năng kinh tế sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức khi tình hình biển Đông căng thẳng. Ông phân tích, trong mọi thời đại, khi xung đột xảy ra thì kinh tế luôn là đòn “chí tử”. “Trong thị trường mở, kinh tế các nước lệ thuộc vào nhau song nếu để phụ thuộc thì cực kỳ nguy hiểm”, ông Đáng nhận định. 

Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng, năm nay cần khởi động ngay kế hoạch khắc phục, thoát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc để kinh tế Việt Nam đi lên. Theo vị đại biểu tỉnh Bình Dương, kinh tế Việt Nam phải điều chỉnh lại tư thế, gấp rút xây dựng công nghiệp phụ trợ, lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế. “Năm nay sẽ là thời điểm khởi động lại tư thế chủ động về kinh tế. Với lòng yêu nước nồng nàn và với tư tửng không có gì quý hơn độc lập tự do chúng ta sẽ thành công”, ông nhận định. 

Trong bối cảnh căng thẳng biển Đông leo thang, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần tiến hành song song vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc vừa phải sớm đổi mới một cách mạnh mẽ về kinh tế. Thời điểm khó khăn như hiện nay, theo quan điểm của đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng chính là thời cơ cho Việt Nam tái cơ cấu lại nền kinh tế, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng Trung Quốc.“Một khi nội lực quốc gia yếu kém, những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập”, ông nhấn mạnh.

 

Nguồn VnExpress

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân