Mùa xét tặng NSND năm nay, hai cái tên gây nhiều ồn ào nhất khi được đề nghị xét danh hiệu NSND đó là NSƯT Xuân Bắc và NSƯT Công Lý. Ngoài những nguyên nhân khách quan, lý do chủ yếu khiến hai nghệ sĩ này vẫn không nhận được nhiều sự ủng hộ chủ yếu là do họ vẫn còn trẻ khi đặt bên cạnh tên tuổi của các nghệ sĩ gạo cội đã nhiều lần “lỡ hẹn” với danh hiệu này.
NSƯT Công Lý và NSƯT Xuân Bắc có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND năm nay. Ảnh: TL
Nhiều băn khoăn, tranh cãi
Không phải ngẫu nhiên mà lần đề nghị xét tặng NSND này, Công Lý và Xuân Bắc lại trở thành hai cái tên gây tranh cãi. Ngay khi danh sách xét tặng vừa được công bố, hàng loạt ý kiến trái chiều đã nổ ra xoay quanh việc vì sao các nghệ sĩ gạo cội, có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà đã bị nhiều lần “lỡ hẹn” với danh hiệu này như NSƯT Chí Trung, hay một nghệ sĩ thuộc hàng “cây đa, cây đề” trong làng phim là NSƯT Trần Hạnh lại phải “đặc cách” mới được mà không phải là xét tặng?
Chưa kể đến những nghệ sĩ có tên trong đợt xét tặng lần này, hai nam nghệ sĩ trẻ còn bị đặt lên bàn cân so sánh với hàng loạt nghệ sĩ hài miền Nam như Hoài Linh, Út Bạch Lan... Vì sao Công Lý và Xuân Bắc còn trẻ thế mà đã được đề nghị xét tặng trong lúc những đàn anh, đàn chị rất nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho nên nghệ thuật lại còn phải “chờ đến lượt”? Đây cũng là thắc mắc của rất nhiều người khi biết được danh sách đề cử lần này.
“NSND thiết nghĩ phải có dấu ấn đậm nét về nghề và sức lan tỏa trong cộng đồng. Hãy làm cho danh hiệu này khi gắn cho nghệ sĩ xứng đáng như đã gắn cho nghệ sĩ Trà Giang, Bạch Tuyết, Kim Cương...” – một khán giả yêu sân khấu, điện ảnh bình luận.
Công Lý nổi tiếng với vai diễn Bắc Đẩu.
NSƯT Công Lý sinh năm 1973, là một nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội. Anh được biết đến nhiều với các vai diễn hài, tuy nhiên nổi bật nhất trong sự nghiệp của anh là vai Bắc Đẩu ở “Gặp nhau cuối năm”. Ngoài ra, Công Lý còn đã được biết đến qua một số vai diễn trên phim truyền hình, phim truyện nhựa.
Còn nghệ sĩ NSƯT Xuân Bắc sinh năm 1976, hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Xuân Bắc khởi nghiệp với vai trò diễn viên truyền hình nhưng anh lại nổi bật hơn với các vai diễn hài, đặc biệt là vai Nam Tào trong chương trình "Gặp nhau cuối năm” như Công Lý. Ngoài ra, Xuân Bắc còn được biết đến như một nghệ sĩ đa tài khi đảm nhiệm vai trò MC của nhiều chương trình truyền hình. Tuy nhiên, xét về tuổi đời hay tuổi nghề, cả hai nghệ sĩ này còn thua kém nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác.
Ở một góc nhìn khác, có thể mọi so sánh tuổi tác là khập khiễng bởi nhiều nghệ sĩ gạo cội như nghệ sĩ Trần Hạnh, Trung Anh so về độ “hot” sẽ khó mà bằng được Xuân Bắc hay Công Lý hiện nay, thế nhưng những cống hiến nghệ thuật và đóng góp vào đời sống xã hội của lớp nghệ sĩ này đã được nhiều người công nhận. Không cần huy chương hay danh hiệu thì trong lòng khán giả của nhiều thế hệ họ vẫn đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi. Bởi thế, khi mỗi mùa xét tặng NSND đến, ai cũng nghĩ họ đương nhiên sẽ được, thế nhưng đến khi danh sách được tiết lộ, khi biết nghệ sĩ già phải cạnh tranh với lớp nghệ sĩ đáng tuổi cháu thì nảy ra sự so sánh là chuyện thường tình.
Ai xứng đáng?
Rất khó để “cân đong” ai xứng đáng hơn ai, bởi hầu hết nghệ sĩ có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu đều là những nghệ sĩ đã được công chúng công nhận về tài năng, có cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Có chăng, họ chỉ hơn nhau ở tấm huy chương - một thành phần quan trọng quyết định để xét duyệt danh hiệu cho các nghệ sĩ. Thế nhưng, cũng chính vì tấm huy chương đã “ngăn cách” nhiều nghệ sĩ đến với danh hiệu NSND quý giá.
Xuân Bắc là cái tên hot hiện nay.
Không phải vì họ không xứng đáng, mà chỉ vì họ chỉ biết diễn hết mình để cống hiến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mà “quên” thi thố để có những tấm huy chương ấy. Bới thế, thực tế cho thấy, nếu lấy tiêu chuẩn về huy chương làm điều kiện bắt buộc trong xét tặng danh hiệu, rất nhiều nghệ sĩ bị thiệt thòi vì không đủ số huy chương, dù họ có nhiều năm cống hiến và tài năng thực sự.
Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến cho rằng, đã là xét tặng NSND thì hãy để nhân dân công nhận, bởi trên thực tế, việc đề cử xét tặng và trao danh hiệu đều được tiến hành qua các bộ, sở và nhân dân không hề biết và được tham gia đóng góp ý kiến. Chính vì lẽ này nên đến lúc danh sách đề nghị được xét duyệt được đưa ra đã tạo nên những ồn ào không đáng có. Điều này khiến việc trao tặng các danh hiệu NSND, NSƯT đang dần mất đi những giá trị vốn có của nó, thậm chí rất nhiều nghệ sĩ gạo cội chẳng còn tha thiết với danh hiệu này.
Nghệ sĩ Chí Trung, sau vài lần trượt, cũng đã “nản” và cho biết không còn quan tâm đến việc xét tặng danh hiệu hiện nay. Trước đó, NSND Minh Châu cũng từng bày tỏ sự “chán nản” về các quy trình làm hồ sơ, thủ tục “xin - cho” danh hiệu và cả những tranh cãi mỗi “mùa” phong tặng danh hiệu. Nghệ sĩ Trần Hạnh, trước thông tin được “đặc cách” vào danh sách xét duyệt NSND đã chia sẻ: “Với một người gần như cả đời đi diễn là tôi thì danh hiệu có hay không cũng không quá quan trọng. Hơn nữa, nghệ sĩ đều có tự trọng, chẳng ai năm lần bảy lượt làm hồ sơ hay đi xin danh hiệu đâu”.
Thiết nghĩ, danh hiệu là thành tích mà Nhà nước trao tặng để ghi nhận những cống hiến của các nghệ sĩ, nên cũng cần linh hoạt và “món quà” ấy chỉ có ý nghĩa khi trao đúng lúc, đúng người, để người nghệ sĩ thăng hoa sáng tạo. Có thể, đối với nhiều nghệ sĩ việc được trao tặng hay không không quan trọng bởi trong lòng công chúng họ đã là NSND, NSƯT. Thế nhưng, việc được ghi nhận cũng sẽ giúp các nghệ sĩ say mê với nghề và cống hiến nhiều hơn nữa cho nền nghệ thuật nước nhà.
Nghị định 89 quy định “Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND” như sau: 1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; 3. Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa, thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên. 4. Có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc 1 Giải Vàng quốc gia và 2 Giải Bạc quốc gia. |