Thứ Hai, Ngày 23 Tháng 12 Năm 2024

'Vấn đề là phải hành động'

Thứ Sáu, 14/02/2014 12:00
Liệu Việt Nam có vượt qua tình trạng trì trệ kéo dài lâu nay để phát triển nếu không xử lý được những yếu kém nội tại? Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, đã trao đổi với TBKTSG quanh câu hỏi này.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa

Bà hẳn đã đọc thông điệp đầu năm của Thủ tướng. Cảm tưởng của bà như thế nào?

- Bà Victoria Kwakwa: Thông điệp của Thủ tướng rất quan trọng, vì nó đề cập đến tất cả các vấn đề then chốt mà Việt Nam phải giải quyết để phát triển trên các mặt kinh tế, xã hội... Thông điệp đó đề cập đến tiến trình cải cách thị trường, thể chế thị trường, cải cách hành chính công hiệu quả và giải trình hơn, xóa bỏ độc quyền của doanh nghiệp nhà nước và tạo lập sự cạnh tranh cho mọi thành phần kinh tế.

Bản thông điệp nói về việc cho người dân cất lên tiếng nói của mình, cho họ hành động. Nó cũng đề cập đến việc ứng dụng công nghệ truyền thông mới cũng như ngành nông nghiệp vốn rất quan trọng, nơi nhiều người nghèo đang sống. Bản thông điệp cũng đề cập đến vấn đề dân chủ và bầu cử trực tiếp. Anh biết không, tôi đã phải thốt lên, ôi, nếu Việt Nam có thể hành động theo lộ trình đã xác định cho tương lai này. Một lộ trình rất thú vị. Tất cả nội dung đều liên kết trong tầm nhìn về tương lai.

Nhưng vấn đề bây giờ là chúng ta cần nhìn bản thông điệp được hiện thực hóa trong cuộc sống ra sao. Cần phải có một cơ quan thực hiện do Thủ tướng điều hành, kết hợp với bên Đảng và Quốc hội. Ba cơ quan này cần phối hợp để lên chương trình hành động. Nếu điều này xảy ra, tôi nghĩ, sẽ rất tuyệt vời cho Việt Nam. Tôi biết, đây là vấn đề khó khăn và sẽ không diễn ra sau một đêm. Nhưng Việt Nam cần hành động để tiến lên. Đây là cơ hội tốt để xây dựng niềm tin. 

Cần tăng tốc cải cách doanh nghiệp nhà nước, đó là vấn đề mà các nhà tài trợ, giới doanh nghiệp tư nhân đã thúc giục rất mạnh trong các cuộc đối thoại gần đây với Chính phủ. Về phần mình, Chính phủ đã cam kết cổ phần hóa 500 doanh nghiệp tới năm 2015. Song, như bà biết, kinh tế nhà nước vẫn phải giữ vai trò chủ đạo như quy định trong bản Hiến pháp sửa đổi mới được thông qua. Bà nhìn nhận những động thái này như thế nào?

- Cách đây ba năm, Chính phủ đã cam kết bắt đầu tăng tốc cải cách doanh nghiệp nhà nước. Quyết định 929 ban hành năm 2012 đã đưa ra tất cả các mục tiêu, bao gồm cổ phần hóa 500 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2012-2015. Tuy nhiên, nếu nhìn vào số doanh nghiệp đã cổ phần hóa đến nay, tiến trình này còn chậm, Việt Nam cần đi nhanh hơn.

Liên quan đến Hiến pháp, chúng tôi đều đã rất trông chờ xem điều gì sẽ được thay đổi, nhất là ở bản thảo ban đầu khi vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đã được bỏ đi.

Đáng tiếc là điều này đã không còn trong bản được thông qua. Tôi rất tiếc vì điều đó. Vâng, chúng ta đã mất cơ hội ấy, cơ hội để đưa ra tín hiệu, vì việc bật tín hiệu là rất quan trọng.

Tuy nhiên, hãy nhìn vào xu hướng trong vài năm qua xem điều gì đã thật sự xảy ra.

Vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong nền kinh tế đang giảm xuống. Hãy xem tỷ trọng trong GDP giữa khu vực công và tư, thì khu vực tư đang tăng lên. Nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Tất cả những điều này đang diễn ra, tạo ra xu hướng ngầm theo hướng đúng.

Còn chuyện khác tôi nghĩ cũng đang là đại sự. Ví dụ, dù tỷ trọng của khu vực nhà nước trong GDP đang giảm xuống, nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn đang hấp thụ nhiều vốn và nguồn lực khác của nền kinh tế. Thật nguy hiểm nếu họ sử dụng không hiệu quả nguồn lực. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên xu hướng ngầm, và vì thế, nên khuyến khích Chính phủ tiếp tục con đường này, dù Hiến pháp không nói như vậy.

Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách cần làm cho mọi chuyện thực sự chuyển động. Hãy nghĩ về cạnh tranh thực sự. Tôi không nói về chủ nghĩa nào cả, không về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, hay chủ nghĩa cộng sản. Tôi chỉ nói về điều gì có lợi cho Việt Nam. Tôi muốn nền kinh tế sử dụng tất cả các nguồn lực một cách hiệu quả nhất vì người Việt Nam. Đấy mới là vấn đề.

 

Ngân hàng Thế giới cảnh báo Việt Nam đang trong giai đoạn dài nhất có tăng trưởng kinh tế thấp nhất. Có nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam còn cho rằng họ không nhìn thấy động lực nào giúp đất nước vượt qua hoàn cảnh trì trệ hiện nay. Liệu những đánh giá đó có quá bi quan?

- Theo tôi, cần phân kỳ thành ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Về ngắn hạn, đúng là khó thấy mọi việc có thể thay đổi nhanh chóng. Nhưng nếu nhìn vào tăng trưởng 5,2% của năm 2012, thì tăng trưởng của năm 2013 đã tăng nhẹ. Nếu nhìn vào các chỉ số thì thấy niềm tin đang tiếp tục trở lại.

Tôi đồng ý với các chuyên gia rằng, về ngắn hạn, đúng là tiến trình hồi phục còn rất chậm chạp. Tuy nhiên, tăng trưởng trong năm 2014 sẽ không thấp hơn năm 2013.

Còn về trung và dài hạn, Chính phủ cần nâng cao  năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Chính phủ nên thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa theo cách để họ có thể trở thành động lực mạnh hơn cho tăng trưởng. Chính phủ cần tạo không gian rộng hơn cho khu vực tư nhân qua cải cách hành chính để họ có thể tăng cường đầu tư.

Lý do nhiều người không thấy lạc quan có lẽ là do họ không thấy Chính phủ chuyển động nhiều trong việc tái cơ cấu kinh tế nhằm khắc phục tính thiếu hiệu quả. Việt Nam có quay lại thời kỳ tăng trưởng nhanh hơn hay không phụ thuộc vào những gì Chính phủ làm để cơ cấu lại nền kinh tế.

Trước mắt, tôi nghĩ là môi trường bên ngoài sẽ có tác động. Việt Nam là nền kinh tế rất mở, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tương ứng khoảng 160% GDP. Những gì diễn ra ở các thị trường xuất khẩu là rất quan trọng. Việt Nam giữ được tăng trưởng ở mức 5% trong vài năm qua là do xuất khẩu vẫn mạnh.

Nếu các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU tiếp tục hồi phục, nếu các hiệp định TPP và FTA mới được ký kết, thì đây sẽ là nguồn tăng trưởng cho Việt Nam trong trung hạn. Chúng ta không thể phủ nhận điều này. Nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu các yếu kém mang tính cơ cấu của nền kinh tế không được giải quyết, Việt Nam sẽ không thể có mức tăng trưởng 7-8% hay cao hơn trong dài hạn.

Tóm lại, trong ngắn hạn đang có sự phục hồi chậm. Trong trung hạn có một vài yếu tố tích cực bên ngoài mà chúng ta hy vọng. Còn về dài hạn, nếu các vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế không được giải quyết, thì như anh nói, chúng ta sẽ không thấy Việt Nam có thể tăng trưởng cao hơn dù đất nước có tiềm năng.

 

Sau gần ba thập kỷ đổi mới, khoảng cách giàu nghèo ngày một rộng, và hiện có tới 19 triệu người sống trong đói nghèo, trong đó tới 75% là đói nghèo cùng cực, như Ngân hàng Thế giới đã nhận xét. Bà nghĩ gì về điều này?

- Đó đúng là vấn đề khi một số không nhỏ người Việt Nam đang sống trong đói nghèo cùng cực. Đây là sự thật không thể phủ nhận. Chúng ta phải thấy rằng, những thành công ban đầu trong việc xóa đói giảm nghèo là dễ đạt được ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhưng nay, đất nước đang đối diện với những thách thức khó khăn hơn về đói nghèo. Hơn 50% trong số đó là dân tộc thiểu số, hay sống ở vùng sâu, vùng xa.

Tôi nghĩ, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm tới việc này, dù hiện nay đang có nhiều chương trình về an sinh xã hội nhưng hiệu quả không cao. Một trong các giải pháp là hãy thực sự hướng Việt Nam trở lại con đường tăng trưởng cao. Đất nước cần tăng trưởng cao mang lại lợi ích cho mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương. Tăng trưởng cao không phải quay xung quanh các doanh nghiệp nhà nước. Nó phải lấy động lực từ các doanh nghiệp tư nhân có tác động đến cơ sở. Vì thế, mô hình phát triển phải khác đi.

Nhân dịp năm mới, bà muốn nói thêm điều gì nữa không?

 

- Đúng là Việt Nam đang có vấn đề và thách thức nhưng Việt Nam cũng còn nhiều tiềm năng để tỏa sáng lại. Hãy đừng buông xuôi, và đừng quá bi quan. Các bạn nên cùng lên tiếng để Chính phủ, ở cả cấp trung ương và địa phương, phải làm tốt hơn và đạt được những cải thiện mà bạn muốn có. Đó cũng là cách các bạn tạo ra thay đổi.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân