Thứ Hai, Ngày 23 Tháng 12 Năm 2024

Trò chuyện với nữ doanh nhân 'say' địa ốc

Thứ Ba, 11/02/2014 12:00
Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai, Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ: "Làm ngành bất động sản mà không đặt ra nhiều phương án thì không bao giờ thành công".


Bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai
 
- Bất động sản là ngành nghề liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý, đầy áp lực, dường như hợp hơn với nam doanh nhân. Là phụ nữ, vì sao bà lại chọn ngành này?

Tôi đến với bất động sản là do duyên số. Đầu tiên, tôi chế biến xuất khẩu gỗ, sau đó kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, khi bán phân bón đi thu tiền gặp nhiều rủi ro, xảy ra kiện tụng liên miên, vô cùng mệt mỏi.

Ngã rẽ bất động sản đến khi một khách hàng nợ tiền phân bón của tôi trả nợ bằng một lô đất. Tôi cùng với đối tác đầu tư vào khu đất này, mỗi bên góp 50% vốn lập ra Công ty TNHH Hoàng Anh. Sau đó, tôi bán lại cổ phần của mình và lập ra Công ty Quốc Cường Gia Lai. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ kinh doanh bất động sản, đây là bước đi bất ngờ trong cuộc đời tôi, nhưng bây giờ tôi rất yêu nó.

Tôi tập làm bất động sản trên 10 năm, giai đoạn 2007-2008 sức ép rất lớn vì thị trường có nhiều biến động. Khi vào ngành này, phải can đảm, quyết đoán và cần có thần kinh thép để xoay sở tình huống. Vất vả nhưng tôi bằng lòng vì kết quả mang lại rất xứng đáng với những đòn cân não mà tôi đã trải qua.

Kinh doanh bất động sản thường gặp khó khăn vì chủ trương, chính sách thay đổi liên tục. Nếu không dành nhiều thời gian để tập trung chuyên sâu cho việc kinh doanh thì khó có thể thành công. Nếu tính sai một nước cờ sẽ rất dễ đi đến phá sản. Có những lúc khó khăn gần như bế tắc, tôi phải một mình xoay sở, không thể nhờ ai vì những việc này đòi hỏi sự am hiểu, nhiều kinh nghiệm đồng thời phải có chuyên môn mới giải quyết được.

Tuy bên cạnh có nhiều bạn bè, người thân và gia đình rất muốn chia sẻ, nhưng những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản chẳng ai có thể gánh vác giúp tôi được. Nhiều đêm tôi tự hỏi tại sao mình là phụ nữ lại chọn một ngành vất vả đến vậy.

- Bà có bí quyết gì để vượt qua những khó khăn, thử thách của ngành này?

Tôi rất nhập tâm khi làm việc. Một ngày làm việc của tôi thường bắt đầu 9h sáng đến 21h tối. Tuy nhiên có lúc tôi vẫn lao vào công việc từ lúc 21h đêm đến 2h sáng, vì thời gian này rất yên tĩnh và làm việc hiệu quả cao. Có những lúc tôi ngẩng đầu lên thì đã 3h sáng.

Khi có được dự án ở vị trí đắc địa, tôi luôn đích thân đi lại rất nhiều lần đến các khu vực lân cận để thăm dò, khảo sát. Tôi cân nhắc về giá trị, thời gian đền bù, tính đến rất nhiều phương án để khi thực hiện phương án này không thành công thì có thể chuyển ngay phương án khác. Tôi luôn tâm niệm rằng, làm nghành bất động sản mà không đặt ra nhiều phương án thì không bao giờ thành công. Bởi lẽ hầu hết các diễn biến thường không bao giờ được như ý muốn và mục tiêu của mình đề ra.

Tính tôi vốn nóng nảy, nhưng thuộc mẫu người nói là làm, một là một, hai là hai. Chính vì tính quyết đoán này mà tôi rất có duyên với các đối tác nước ngoài. Hầu như 70% thời gian tôi làm việc với các đối tác này.

Ở công ty, tôi trông mong vào sự giỏi giang của nhân viên và cho họ quyền bình đẳng được phát biểu. Bằng cách này, họ có thể góp ý giúp tôi nhiều việc, chỉ ra những điểm chưa chặt chẽ để điều chỉnh. Tôi trăm công nghìn việc chẳng thể nào nắm chắc được mọi thứ, nếu không lắng nghe những người xung quanh thì phần thua thiệt sẽ về mình.

- Vậy theo bà kinh doanh bất động sản khó nhất ở điểm nào?

Khó nhất là pháp lý. Những điều khoản của văn bản, thông tư, nghị định… thường hướng dẫn không cụ thể, không chi tiết theo từng trường hợp. Do đó đòi hỏi phải nghiên cứu áp dụng tùy theo từng sự việc, phải trình bày, giải thích rất nhiều lần mới thông suốt. Chính vì thế, tôi sợ nhất là câu chữ trong các văn bản, hợp đồng. Trước khi đặt bút ký, một câu một chữ tôi cũng đọc thật kỹ, có thể nói là phải đọc nát cả đầu để điều chỉnh sao cho chặt chẽ.

Với kế hoạch lợi nhuận năm nay trên 370 tỷ đồng sau thuế, bình quân mỗi ngày Quốc Cường Gia Lai phải làm ra lãi gần 1,4 tỷ đồng trước thuế. Nếu không chặt chẽ về pháp lý thì không thể điều hành được doanh nghiệp. Đơn cử như hợp đồng trái phiếu của công ty, tôi phải đọc hơn chục lần, mỗi lần không dưới 60 phút. Trong quá trình đọc phải xem kỹ từng điều khoản vì sai một câu một chữ mình sẽ bị vi phạm hợp đồng và phải bồi thường.

- Năm 2010 là giai đoạn hậu khủng hoảng, bất động sản trầm lắng, chứng khoán cũng sụt giảm. Quốc Cường Gia Lai, với tư cách một công ty gia đình, niêm yết trên sàn chứng khoán càng gánh thêm nhiều áp lực. Bà có thể chia sẻ những về những thách thức mới của công ty?

Bình thường áp lực đã rất lớn, khi công ty lên sàn áp lực càng nhiều. Giá như tôi biết áp lực như hiện nay thì tôi đã không lên sàn. Nào là báo cáo tài chính, chỉ tiêu lợi nhuận, kế hoạch phát triển... Nếu không đảm bảo lợi nhuận với nguồn vốn tương ứng thì cổ đông không chấp nhận, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn.

Tôi luôn tâm niệm rằng, nếu không làm được việc thì tôi sẽ xin từ chức chứ không thể làm tổn hại đến uy tín và sự phát triển của Quốc Cường Gia Lai.

Chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2010 phấn đấu đạt 370 tỷ đồng sau thuế. Thật hú vía vì tôi đã cán đích thành công. Nhưng đến năm 2011 kế hoạch lợi nhuận phải đạt hơn 600 tỷ đồng. Rồi năm 2012 là hơn 900 tỷ đồng sau thuế. Áp lực là thế nhưng tôi sẽ nỗ lực, cố gắng hết sức mình vì công ty.

Dựa trên những tài sản, nguồn vốn, tiềm lực doanh nghiệp, tôi rất tự tin là Quốc Cường Gia Lai có đủ cơ sở để phấn đấu đạt các chỉ tiêu trên. Thế nhưng mọi thứ vẫn phải tùy thuộc vào tình hình chung của thị trường.

- Bà làm cách nào để giảm bớt căng thẳng trong công việc?

Sau một tuần làm việc, tôi chỉ mong ngày Chủ nhật được thư giãn bằng cách tham gia các công việc từ thiện, vui đùa với cháu, đi ăn với đại gia đình. Được vậy là hạnh phúc lắm rồi. Nếu cho làm lại cuộc đời, tôi không bao giờ chọn làm giám đốc. Làm giám đốc như tôi chẳng sung sướng chút nào, làm phó thường dân có lẽ tôi sẽ có nhiều thời gian cho những ước mơ của riêng mình.

May mắn là ông xã tôi rất hiểu tôi. Ông nhà tôi có nhiều việc phải lo: 4.000 hecta cao su tại Gia Lai, một nhà máy gỗ, 4 công trình thủy điện nên suốt ngày ở ngoài công trường. Ông ấy cũng nếm trải nỗi khổ giống tôi nên luôn hiểu cho tôi. Nếu tôi gặp một người không phải lăn lộn trong ngành kinh doanh, không bị áp lực như ông ấy, thì có lẽ họ không chấp nhận được tôi.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân