Thứ Hai, Ngày 23 Tháng 12 Năm 2024

“Thạc sĩ mắm”

Thứ Sáu, 28/02/2014 11:13
Bị thuyết phục từ cách thức bảo vệ các giá trị xưa, các nghề truyền thống của dân tộc tại các nước mình theo học, Đào Thị Hằng đã bỏ suất học bổng tiến sĩ tại Úc để quay về quê nhà Quảng Trị khởi nghiệp với nghề làm mắm truyền thống của gia đình. Nhãn hiệu mắm Thuyền Nan của cô cũng là bước khởi động dự án doanh nghiệp xã hội cho bà con làm nghề sản xuất nước mắm tại địa phương.

 

Chèo thuyền nan ra biển

Đi lại thoăn thoắt giữa Quảng Trị, Đà Nẵng, rồi vào Sài Gòn, ra Hà Nội… để phát triển thị trường cho thương hiệu mắm Thuyền Nan, Đào Thị Hằng không ngờ quyết định táo bạo của mình đã mở ra một con đường khác hẳn so với dự tính ban đầu.
Có mặt tại TP.HCM tham gia họp mặt và giới thiệu sản phẩm mắm Thuyền Nan tại buổi họp mặt đồng hương Quảng Trị, câu chuyện của Hằng khiến những người đồng hương xa quê cảm phục và tự hào.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, Hằng trở thành chuyên viên tại Trung tâm Phát triển cộng đồng của trường. Hằng kể: “Trong một lần tham gia vào dự án cùng với Đại học Kyoto, tôi được sang Nhật làm việc một thời gian và rất cảm phục người Nhật giàu có như thế nhưng ý thức gìn giữ và phát triển các yếu tố truyền thống rất được coi trọng. Việt Nam mình có một truyền thống phong phú nhưng một số nghề truyền thống hiện nay thanh niên chẳng muốn làm, họ thích làm kỹ sư, giám đốc hơn. Khi sang Úc học thạc sĩ theo học bổng của Chính phủ Úc, tôi lại càng ám ảnh bởi truyền thống ấy sau khi nghiên cứu và phát hiện ra nghề làm nước mắm là một trong những nghề cổ, có bề dày truyền thống nhất của người Việt. Người Việt làm mắm từ rất lâu và đã biết xuất khẩu sang các nước lân cận từ thế kỷ thứ XVIII”.

Không đâu xa, mẹ của Hằng cũng biết làm mắm từ nhỏ và cái nghề truyền thống ấy đã nuôi lớn anh chị em trong nhà. Cô “Thạc sĩ mắm” kể tiếp: “Khổ cái các bà ở quê làm mắm chỉ đủ rau dưa nuôi gia đình nên nghèo vẫn cứ nghèo, dù có cái nghề có thể hái ra thật nhiều tiền. Sau khi học xong, dù được học bổng học tiếp tiến sĩ, tôi bỏ luôn để về quê làm mắm”.

Cái tên Thuyền Nan ra đời, theo Hằng giải thích, cũng bắt đầu từ những ý tưởng xung quanh chuyện “nhà quê” ấy: “Thuyền nan là biểu tượng văn hóa sông nước của người Việt Nam. Dù thuyền nan ngày càng ít đi nhưng nó là khởi thủy của tất cả các loại thuyền. Tương tự như vậy, dù nhiều nước sản xuất được mắm, nhưng các nghiên cứu trên thế giới từ năm 1919 đều khẳng định Việt Nam là khởi thủy của nghề sản xuất mắm. Thuyền nan có ý nghĩa đặc biệt với bản thân mình vì chiếc thuyền nan đánh bắt cá trên sông Thạch Hãn đã nuôi sống gia đình mình qua những ngày cơ hàn. Từ chiếc thuyền nan đó, mình đỗ thủ khoa vào đại học, ra trường đi làm rồi được học bổng “Năng lực lãnh đạo danh giá” của Chính phủ Úc học thạc sĩ ở Đại học Adelaide, rồi quay về Việt Nam”.

 

Làm kinh doanh cho cộng đồng

Quảng Trị có nghề làm mắm với phương pháp truyền thống, hoàn toàn sạch, không hóa chất, không chất bảo quản. Với kiến thức về chuyên ngành phát triển cộng đồng, Hằng đã “bám” vào hướng này để đưa Thuyền Nan hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, vừa giữ gìn nghề làm mắm truyền thống của ông cha, vừa tạo việc làm cho phụ nữ ven biển.

Cô đã bỏ thời gian để thuyết phục các hộ gia đình ở quê tham gia vào dự án này và được ủng hộ. Các hộ sẽ được cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

“Chúng tôi tin khi phụ nữ có nguồn thu nhập ổn định và đều đặn, họ sẽ đầu tư giáo dục cho con cái, và từ đó sẽ có tương lai tốt hơn, bắt đầu từ việc trao quyền cho phụ nữ và giáo dục con cái”, Hằng khẳng định.

Mắm Thuyền Nan chú trọng 3 dòng sản phẩm chính: nước mắm, mắm ruốc và mắm dưa cà. Đến nay Thuyền Nan đã có hàng chục loại sản phẩm khác nhau với trên 30 cửa hàng phân phối ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Gia Lai, Buôn Ma Thuột… với doanh thu hàng trăm triệu đồng, tuy chưa cao nhưng đã tạo thành một mô hình “kinh tế cộng đồng” có hiệu quả cao.

Các hộ gia đình vốn xưa nay chỉ làm nhỏ lẻ sử dụng trong nhà và bán ở quy mô nhỏ, sau khi tham gia vào dự án, được bao tiêu sản phẩm đã có thu nhập khá. Hằng cho biết, mục tiêu trong năm 2014 là sẽ xây dựng được hệ thống phân phối với khoảng 100 cửa hàng trên toàn quốc.

Áp lực với Hằng khi khởi nghiệp là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường. “Việt Nam có nhiều hãng sản xuất nước mắm lâu đời, có uy tín và thị trường rộng lớn, mình chân ướt chân ráo vào thị trường sẽ khó hơn. Đó là chưa kể sức ép từ nước mắm công nghiệp, nguyên liệu xuất xứ không rõ, pha tạp nhiều chất hóa học, giá lại rẻ, mẫu mã đẹp”.

Tuy nhiên, Hằng cho biết Thuyền Nan sẽ nỗ lực để tạo ra sản phẩm mắm ruốc Quảng Trị chính cống, khác biệt với mắm ruốc các vùng khác, rồi liên kết các mắt xích du lịch biển đảo, phục vụ nhu cầu quà cáp cho du khách, tạo ra chuỗi giá trị tăng trưởng xanh cho Quảng Trị. Khi thị trường ổn định, Thuyền Nan sẽ trích 5% doanh thu để giúp học sinh nghèo ở Quảng Trị đến trường.

Hiệu quả xã hội từ dự án của Hằng đã nhận được những đánh giá cao khi năm vừa qua Thuyền Nan là một trong năm “doanh nghiệp xanh” được Viện Chính sách – Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn làm đại diện cho Việt Nam sang Thụy Điển triển lãm và giao lưu với doanh nghiệp bạn.

Theo DoanhnhanSaigon

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân