Thứ Hai, Ngày 23 Tháng 12 Năm 2024

Phan Thị Thu Loan - "Đại sứ" văn hóa Việt

Thứ Bảy, 11/01/2014 10:32
Xuất thân là giáo viên dạy Sử, thế nhưng chính sự tâm huyết với ẩm thực quê hương đã đưa Phan Thị Thu Loan trở thành người tiên phong mang món bánh căn đặc sản Phan Rang đến với đất phương Nam.

 Đưa đặc sản Phan Rang đến với mọi miền

Chị Loan và món bánh căn đặc trưng tại Nhà hàng Bánh Căn 38
 

Việc kinh doanh của chị Phan Thị Thu Loan bắt nguồn từ sở thích và sự ảnh hưởng từ người mẹ vốn là một phụ nữ đảm đang và nấu ăn rất ngon. Niềm vui của chị là được nấu những món ăn ngon để mọi người cùng thưởng thức. Hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, chị dành nhiều đam mê, tâm huyết nghiên cứu nguồn gốc của từng món ăn, từ đó tìm ra nét đặc trưng riêng và đưa vào thực đơn nhà hàng mình để mọi thực khách cùng thưởng thức. Và những biến tấu từ món bánh căn truyền thống quê hương chính là thành công lớn nhất của chị.

Trái ngược hẳn với không khí ồn ã, náo nhiệt của đất Sài thành, Nhà hàng Bánh Căn 38 của chị  khoác lên mình vẻ đẹp mộc mạc, bình dị. Quán được trang trí rất thuần Việt mang phong cách làng quê Việt Nam với điểm nhấn mây, tre, lá, hình tượng, gốm Bàu Trúc....Thực khách đến với Bánh căn 38 như đến với một làng quê Việt Nam thu nhỏ với những mái chòi được lợp bằng rơm, những bộ bàn ghế làm bằng tre nứa. Tất cả đều toát lên một vẻ dân giã, dung dị mà thân thương.

Món bánh căn đặc sản của quán được làm từ loại bột gạo "nướng". Bánh được nướng trên bếp hồng, không dùng dầu mỡ với vỏ bánh giòn và nhân bánh thơm ngon với nhiều loại nhân cho du khách lựa chọn: nghêu phô mai, tôm nấm đông cô, cá ngừ, hến sa tế…Nước chấm đi kèm cũng rất đa dạng như nước cá kho, xíu mại, trứng luộc, nước mắm xoài, mắm cái, mắm đậu phộng... Mỗi loại nước chấm sẽ mang đến một hương vị đặc trưng riêng, tạo sự khác biệt và đa dạng cho món ăn, khiến thực khách không thấy nhàm chán. Cái giòn nhẹ của vỏ bánh; cái mềm mịn của lớp bột bên trong; cái béo của trứng, phô mai; cái ngọt của những con tôm, hến; cái giòn của những lát mực hoà quyện cùng mùi thơm, cái cay nhẹ của nước chấm, vị chua của xoài xanh, ngon đến nỗi thực khách chỉ muốn ăn mãi không thôi. Ngoài bánh căn, thực khách có thể thưởng thức những món ăn khác của quán cũng thơm ngon không kém như: bánh bèo, chả cuốn, bún, bánh xèo, bánh canh, bánh tráng mắm ruốc… Chị Phan Thị Thu Loan chia sẻ: “Để ghi dấu ấn trong lòng thực khách, điều đầu tiên và quyết định là chất lượng sản phẩm. Chúng tôi luôn đề cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và hương vị món ăn”.

 

Từ món ăn chưa được nhiều người biết đến, chị Loan đã thổi một luồng gió mới vào thế giới ẩm thực Việt, tự tin mang hương vị bánh căn đến khắp vùng miền đất nước. Nhằm tạo cơ hội giao lưu ẩm thực ba miền, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã mời chị ra Hà Nội biểu diễn đổ bánh căn. Đông đảo thực khách khi thưởng thức đều tỏ ra rất thích thú và đánh giá cao món bánh căn đậm đà hương vị, thơm ngon bổ dưỡng. Sau thành công này, chị được Hội văn nghệ dân gian và Tổ chức UNESCO mời làm hồ sơ tham gia xét duyệt danh hiệu “Nghệ nhân ẩm thực văn hóa làng nghề quốc gia” và chị đã đạt được danh hiệu cao quý này. Ngoài ra chị vừa vinh dự đoạt được giải thưởng “Masters of  the year 2013” tại Singapore.

Chị Phan Thị Thu Loan tại liên hoan ẩm thực món ngon các nước tại Trung Quốc

 

Chị Phan Thị Thu Loan đang ấp ủ dự định trong tương lai gần sẽ phát triển nhà hàng ở quy mô lớn hơn, kết hợp giữa ẩm thực và âm nhạc đặc trưng của ba miền Nam, Trung, Bắc như hát chèo, hát xẩm, nhã nhạc cung đình Huế, cải lương...Chị bộc bạch: “Mình mong muốn mọi thực khách đến với nhà hàng vừa có thể thưởng thức món ăn ngon vừa thư giãn, cùng cảm nhận văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng miền. Tâm nguyện lớn nhất của mình là mang văn hóa ẩm thực dân gian Việt Nam đến với bạn bè quốc tế cũng như tạo điều kiện giao lưu giữa dân tộc Chăm của Việt Nam với dân tộc Chăm khối ASEAN”.

Và khát vọng đưa gốm Chăm ra thế giới

Ngoài đam mê ẩm thực, chị còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực phát triển và xuất khẩu gốm Bàu Trúc sang thị trường các nước Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Ý....Đây là loại gốm đặc trưng của làng nghề dân tộc Chăm đang ngày càng mai một. Chị Phan Thị Thu Loan cho biết, mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc là một tác phẩm nghệ thuật bởi tất cả các công đoạn đều làm thủ công, ngay cả khi nung gốm. Chính vì vậy mỗi sản phẩm hoàn thiện đều có nét độc đáo riêng. Hiện nay gốm Chăm Bàu Trúc đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục 12 di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và trình UNESCO xét duyệt, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Tham gia hoạt động xuất khẩu gốm Bàu Trúc cũng là cách chị chung tay cùng bao người dân Việt khác trong hành trình bảo tồn một làng nghề thủ công truyền thống, quảng bá hữu hiệu sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc ra thế giới. 

Đối diện với người phụ nữ đa tài này, cảm xúc trong tôi không đơn thuần chỉ là sự ngưỡng mộ mà còn là niềm cảm phục, trân trọng tâm huyết của chị dành cho ẩm thực Việt và những giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Tràn đầy nghị lực và nhiệt huyết, trong thời điểm này chị đang dồn hết tâm trí của mình cho việc quảng bá món đặc sản quê hương, đưa bánh căn trở thành món ăn không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt; bền bỉ khát vọng mang văn hóa ẩm thực dân gian Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu.

Món bánh căn nói riêng và ẩm thực của Việt Nam nói chung vừa qua đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách quốc tế khi tham gia triển lãm Món ngon các nước tại Singapore, Trung Quốc... được đông đảo thực khách thưởng thức và bình chọn là ẩm thực ngon nhất tại triển lãm. Ngoài hương vị thơm ngon, bổ dưỡng vì được ăn kèm với nhiều loại rau xanh thì một điều rất thú vị, độc đáo thu hút được du khách là các lò, khuôn đất được mang từ Việt Nam sang và cách đổ bánh rất điêu luyện của chị. Ăn bánh căn không chỉ bằng miệng, mà còn bằng mắt, bằng mũi, bằng tai, bằng lưỡi. Khi ăn ta cảm nhận được độ giòn nhẹ của vỏ bánh, độ mềm mịn của lớp bột bên trong, mùi thơm của bột gạo nướng chín, của trứng, cái béo ngọt của tôm mực, bị bắt mắt bởi màu vàng ươm của vỏ bánh, màu xanh tươi của các loại rau, màu đỏ của ớt, cà chua, tôm…

 

Tiến sĩ Nguyễn Nhã - Trưởng ban quản lý Đề án Bếp Việt chia sẻ: “Thức ăn của Việt Nam mình không những ngon mà còn lành, vì những loại rau có vị thuốc đi kèm ví như nhiều rau củ quả, có nhiều gia vị mang tính tiêu mỡ, tiêu thực, tiêu khuẩn, tốt cho tim mạch, giải cảm, nhuận trường như hành, gừng, tỏi, tía tô, húng quế, nấm đông cô, cà chua, diếp cá…” và món bánh căn của chị Phan Thị Thu Loan đã đáp ứng được nét đặc trưng, tinh túy rất riêng của ẩm thực Việt.

Ái Vân

Theo VCCI

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân