Trên lối nhỏ dẫn lên văn phòng Cty TNHH SANDA Hòa Bình, tôi gặp một tốp người Mông cũng đang hỏi đường lên Cty. Trò chuyện với nhau một hồi, hóa ra đó là đại diện bản Loong Luông, xã Loong Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La “đi tìm cô Thư học kinh nghiệm làm chổi chít để về phổ biến cho bà con trong bản”.
Nhìn người phụ nữ đang hăm hở xuống dốc đón khách, người ngoài không tưởng tượng được đó chính là Giám đốc Nguyễn Thị Thư - người phụ nữ đang tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động các dân tộc trên địa bàn, người đã vinh dự lọt vào danh sách 10 cá nhân được đề cử giải thưởng Nữ doanh nhân thành đạt toàn cầu do chương trình Empretec thuộc Diễn đàn phát triển và Thương mại LHQ (UNCTAD) tổ chức vừa được vinh danh mới đây. Thế nhưng, đối với bà con các dân tộc trong vùng, Nguyễn Thị Thư là một giám đốc “chân đất” gần gũi bởi sự chân thành, mộc mạc, giản dị và nồng hậu.
|
Chị Thư giới thiệu với khách quốc tế về sản phẩm chổi chít của Cty SANDA |
Trong “văn phòng” cty SANDA – cũng rất ấn tượng bởi đó là khu nhà sàn gỗ mộc ở xã Trung Sơn, Kỳ Sơn, Hòa Bình – chị Thư tự hào khoe mẫu hàng ngàn sản phẩm mây tre đan, và đặc biệt là các mẫu chổi chít. “Chổi chít không đơn giản chỉ là đồ để quét nhà, mà đó là những tác phẩm nghệ thuật thực thụ, được tạo bởi bàn tay chăm chỉ khéo léo và óc sáng tạo của người phụ nữ Việt” – chị Thư chia sẻ.
Rồi chị Thư kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những cây chổi chít của chị. Ngay từ năm lên 6 tuổi, chị Thư đã biết tết chổi để mang bán ở các phiên chợ trong làng, giúp bố mẹ nuôi gia đình có tới 6 người con. Rồi chẳng biết từ khi nào, chị mê chổi và mơ ước làm giàu từ cái nghề truyền thống của quê hương. "Tôi đã mơ ước được cùng cây chổi chít bay đi xa hơn khu chợ làng để bán những sản phẩm của mình ra thế giới". Rồi ước mơ của chị bắt đầu thành hiện thực khi có một vị khách người Malaysia vì mến mộ bàn tay khéo léo và sự nhiệt thành, yêu nghề của chị mà tin tưởng đặt chị làm mẫu chổi xuất sang nước bạn.
Năm 2000, chị Thư đã mạnh dạn mở Cty TNHH SANDA Hòa Bình, đồng thời tổ chức dạy nghề làm chổi cho gần 300 lao động của địa phương mà chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Những cây chổi chít mang thương hiệu SANDA thật khác biệt, cầm chắc tay, cán chổi có đủ sắc màu và kiểu dáng. Chổi làm từ cây chít rừng được trồng mới tại địa phương nên có màu xanh mướt, vừa có thể quét nhà, vừa có thể dùng để trang trí.
“Làm sản phẩm thủ công có những câu chuyện không biết nên cười hay khóc” – chị Thư kể - “Có lần, Cty SANDA Hòa Bình nhận được hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ. Mọi việc đang diễn ra suôn sẻ thì gần đến ngày giao hàng, mấy trăm thợ đồng loạt xin nghỉ về nhà ăn Tết, bởi đối với người dân quê ở đây, cứ đến lễ Tết là nghỉ, bất chấp chuyện làm ăn giao thương hay hợp đồng mua bán thế nào. Bị lỡ đơn hàng, số vốn Cty bỏ ra để dạy nghề cho lao động cũng không có khả năng thu hồi, thiệt hại lên tới 500 triệu đồng”.
Đợt đó, người thân khuyên chị đóng cửa Cty, bỏ nghề làm chổi. Song, niềm đam mê với cây chổi chít đã thôi thúc chị tiếp tục đi tìm mối mua hàng khắp trong và ngoài nước. Đầu tiên chỉ là một đơn hàng xuất sang Nga vẻn vẹn 70 triệu đồng, nhưng nhờ đảm bảo thời gian và chất lượng nên sau đó Cty nhận được thêm nhiều đơn hàng từ Nga, Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều bạn hàng quốc tế biết đến các sản phẩm của Cty SANDA Hòa Bình.
“Khi người khác nhìn nhận đó là những khó khăn, thì doanh nhân có thể tìm thấy cơ hội” – chị Thư rất tâm đắc với phương châm này. Chính vì thế, chị luôn nỗ lực tìm kiếm các cơ hội và suy nghĩ làm sao để kinh doanh thực sự hiệu quả. “Đặc thù của việc sản xuất kinh doanh ở Cty SANDA là đội ngũ nhân lực không phải là những người học quá cao, mà đó là những phụ nữ nghèo, là những người dân tộc thiểu số luôn cần cù và chịu khó học hỏi, nhưng họ là những người luôn cam kết và gắn bó với công việc. Đến với SANDA Hòa Bình, họ được sống và làm việc trong môi trường thân thiện, cùng giúp nhau tiến bộ với những buổi sinh hoạt tinh thần mang tính cộng đồng” – chị Thư nói – “Với tôi, phát triển bền vững đơn giản là tạo công ăn việc làm, là không ngừng học hỏi và đào tạo nâng cao tay nghề, là sự cam kết kinh doanh không làm tổn hại và ô nhiễm môi trường”.
Đó cũng chính là bí quyết mà hơn 10 lao động chính và 700 lao động thời vụ, trong đó 80% là phụ nữ, gắn bó với Cty SANDA. Là một giám đốc, nhưng chị Thư là người sẵn sàng xuống xe cùng người chở xe thồ dỡ gạch để nhanh chóng giải phóng mặt đường. Chị sẵn sàng xuống bản “tập huấn kỹ thuật” cho chị em dân tộc thiểu số, và tận tình chỉ cho các cán bộ người Mông ở Loong Luông cách kiểm tra độ sẵn sàng của địa phương trước khi triển khai trồng chít, bởi cây chít chỉ cần trồng 1 lần thu hoạch nhiều năm, nhưng bó chổi chít lại cần sự cần mẫn chịu khó quanh năm. “Mình tin tưởng người lao động, truyền cảm hứng cho họ, họ sẽ làm việc tận tâm và mong muốn được học hỏi” – chị chia sẻ.
SANDA Hòa Bình đã khác biệt hóa sản phẩm của mình qua những sản phẩm có thiết kế đẹp và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh việc thúc đẩy sản phẩm sang các thị trường nước ngoài, cty SANDA đang triển khai các hoạt động để tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường nội địa với mong muốn mang sản phẩm đạt chất lượng của mình cho người tiêu dùng trong nước.