Cách đây một năm, khi hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử chính thức được đưa vào sử dụng trên cả nước, tác động lớn nhất mà nhà đầu tư, doanh nghiệp kỳ vọng là sự cải thiện lớn về thủ tục hành chính. Bà có thể nói gì về tác động này?
|
|
|
|
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
|
Việc triển khai hệ thống đăng ký doanh nghiệp qua mạng, một dịch vụ hành chính công được ứng dụng công nghệ thông tin ở cấp độ 4, đã giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, những tiêu cực có thể phát sinh trong hoạt động này cũng được hạn chế.
Về thời gian, theo quy định tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ. Với quy trình đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử, thời gian chỉ còn 3,5 ngày.
Cũng phải nhấn mạnh rằng, với dịch vụ được cung cấp 24/7 này, doanh nghiệp có thể chuẩn bị và nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn trong thời gian 8 giờ làm việc của cơ quan công quyền. Doanh nghiệp cũng không phải mất thời gian cho việc đi lại và xếp hàng chờ đợi như trước đây.
Về mặt chi phí hành chính, với việc toàn bộ quy trình được thực hiện trực tuyến (bao gồm cả chữ ký điện tử và thanh toán điện tử), doanh nghiệp sẽ không phải xếp hàng trực tiếp tại cơ quan hành chính nhà nước, do vậy, cơ hội để đòi hỏi và đáp ứng những chi phí phi chính thức là không có. Ngoài lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định, doanh nghiệp không phải trả thêm bất cứ chi phí nào khác.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, giảm thời gian và nhân lực tiếp nhận hồ sơ đăng ký; giảm tình trạng quá tải, áp lực cho các cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc tiếp nhận hồ sơ, đặc biệt là tại các phòng đăng ký kinh doanh lớn tại các thành phố, trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng; giảm thiểu số lượng hồ sơ phải sửa đổi, bổ sung do những sai sót kỹ thuật do phần mềm đăng ký doanh nghiệp đã hỗ trợ tính toán, kiểm tra lỗi.
Việc lưu trữ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cũng như tìm kiếm thông tin về đăng ký doanh nghiệp cũng được cải thiện một bước lớn.
Bà có nhắc tới khả năng hạn chế tiêu cực phát sinh. Cụ thể thế nào?
Một trong những mục tiêu của quá trình xây dựng hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia là tự động hóa tối đa quy trình, nhằm giảm thiểu sự can thiệp của con người vào quá tình xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, qua đó, hạn chế tiêu cực có thể phát sinh. Doanh nghiệp có thể kiểm tra tình trạng hồ sơ một cách nhanh chóng qua mạng, mà không cần thiết phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thường thì, những tiêu cực là do con người thực thi gây nên. Do vậy, việc hạn chế tối đa sự can thiệp của cán bộ thực thi sẽ giảm thiểu cơ hội tiêu cực. Tuy nhiên, máy móc không thể thay thế hoàn toàn con người và ở đâu đó vẫn có tiêu cực nảy sinh, nên vẫn phải đề cao việc giám sát, đào tạo cán bộ.
Tiện lợi như vậy, nhưng việc triển khai thực hiện dường như vẫn khá chậm, chưa được nhiều người sử dụng, thưa bà?
Đúng là số lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp qua mạng điện tử thời gian qua chưa như kỳ vọng. Có nhiều lý do.
Một là, mặc dù đây là hệ thống tiến bộ, nhưng thời gian qua, chúng ta chưa chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến, khiến người dân và doanh nghiệp chưa biết đến dịch vụ này.
Hai là, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và việc sử dụng chữ ký điện tử và thanh toán điện tử chưa phát triển ở nước ta, khiến đối tượng người dùng bị thu hẹp.
Ba là, thói quen thực hiện thủ tục dựa trên giấy tờ vẫn còn ăn sâu trong tâm trí đại bộ phận dân chúng. Cần có thời gian để chuyển biến thói quen này sang việc sử dụng dịch vụ hành chính điện tử.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tự nhận thấy rằng, hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cũng như dịch vụ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử còn một số điểm chưa thực sự hoàn thiện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và cải thiện để việc sử dụng trở nên thân thiện, dễ dàng hơn cho người dùng.