Giản dị trong chiếc áo len tím và nụ cười tươi giữa cái rét 15 độ của Hà Nội, Nguyễn Huyền Châu vẫn tất bật với công việc thường nhật ngay trước ngày lên đường tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2014 tại Davos.
Sinh năm 1986 trong một gia đình có truyền thống học tập, bố mẹ của Huyền Châu đều công tác tại Bộ Tài chính. Có được xuất phát điểm thuận lợi, cô gái Hà Nội tâm sự từng được gia đình đưa đường chỉ lối, mong muốn mình tốt nghiệp đại học, có cuộc sống, công việc ổn định. Dù vậy, với tính cách mạnh mẽ, luôn muốn tìm tòi, hỏi học, khám phá, Huyền Châu đã tự tìm cho mình con đường riêng.
Nguyễn Huyền Châu trong một chuyến đi từ thiện tại Mộc Châu. |
Tự nhận mình là tuýp người mơ mộng, mong muốn làm được nhiều việc có ích cho cộng đồng, cái tên Huyền Châu khiến dư luận chú ý vào giữa năm 2013 khi cùng nhóm bạn đứng ra kêu gọi hơn 260 triệu đồng và chung tay xây dựng ngôi trường mầm non tại bản Phiêng Cành (Tân Lập, Mộc Châu, Sơn La), giúp hơn 40 trẻ em tại đây có cơ hội đến trường.
Tuy vậy, những chuyến làm từ thiện chỉ là một phần trong công việc nhiều điều mới mẻ của Huyền Châu. Nhớ về quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, rồi trải nghiệm từ doanh nghiệp nước ngoài tới một cơ quan nhà nước, điều khiến Châu cảm nhận sâu sắc nhất là việc nhiều bạn trẻ, ngay cả khi có điều kiện đầy đủ, cũng thiếu đi những kỹ năng, kiến thức sống cơ bản. Cũng vì điều này mà hầu hết những dự án mà cô hướng đến sau này đều nhằm tới việc bồi dưỡng kỹ năng sống cho các bạn học sinh, sinh viên.
Thừa nhận từng vì nhiều lý do mà sống khép mình, ít hòa đồng khi còn học phổ thông, cá tính cũng như những suy nghĩ táo bạo của Châu chỉ thực sự được mở cửa khi bước chân vào một ngôi trường đại học quốc tế, nhất là sau khi phát hiện ra niềm đam mê với bộ môn nhảy. Cũng với cảm hứng này, năm 2011, cô đã sáng lập một câu lạc nhảy Hip Hop Jazz, đặt tên là 808 (tên chiếc trống điện tử đầu tiên trên thế giới) để làm nơi giao lưu, trau dồi kỹ năng giao tiêp cho các bạn trẻ, đồng thời cũng như tạo việc làm cho các vũ công.
Với vốn góp từ bản thân và bạn bè chỉ 60 triệu đồng, Huyền Châu vẫn quyết tâm mở câu lạc bộ để thử nghiệm mô hình doanh nghiệp xã hội. Thời gian đầu, cô gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có cả yếu tố mùa vụ. Từng có giai đoạn câu lạc bộ thường xuyên lỗ vào các thời điểm sát Tết hay thi học kỳ của học sinh, sinh viên nhưng "nhà lãnh đạo trẻ" này vẫn quyết tâm duy trì.
Hiện đơn vị này hoạt động giống như một doanh nghiệp thu nhỏ, do Huyền Châu và ba người khác cùng quản lý. Tuy nhiên, Châu tâm sự cô và các bạn không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà chỉ muốn tập trung cho việc duy trì nơi giúp các học viên học thêm kỹ năng mới còn giáo viên có thu nhập ổn định.
Mô hình của câu lạc bộ 808 đã đặt nền tảng đầu tiên cũng như ý tưởng quan trọng cho Huyền Châu về doanh nghiệp xã hội - những công ty hoạt động với mục tiêu chủ yếu là phát triển con người, giải quyết các vấn đề xã hội, không đặt nặng lợi nhuận. Đây cũng là đề tài mà cô theo đuổi khi tham gia WEF tại Davos năm nay.
Theo Huyền Châu, mô hình này đã rất phổ biến trên thế giới và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên ở Việt Nam, “việc phân định rõ ranh giới giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thông thường vẫn còn bị bỏ ngỏ. Nhất là các điều luật liên quan đến thuế hoặc ưu đãi cho doanh nghiệp vẫn chưa quy định rõ ràng. Đây là vấn đề tôi sẽ trao đổi và học hỏi thêm ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới”, nữ lãnh đạo chia sẻ.
Nói về cơ duyên với WEF, tháng 3/2013, nữ lãnh đạo trẻ bắt đầu gia nhập Global Shaper – một tổ chức của các bạn trẻ thuộc diễn đàn vai trò thành viên và hơn nửa năm sau trở thành người quản lý. Tại đây, ước mơ về việc củng cố kiến thức cho các cộng đồng các bạn trẻ ở Việt Nam dần được hiện thực hóa thông qua dự án Tour De Job – hướng dẫn khởi nghiệp cho sinh viên.
Huyền Châu (thứ 2 từ phải) cùng nhóm từ thiện và trẻ em Phiêng Cành trong ngày khánh thành trường mẫu giáo. |
Càng đi xa và gặp gỡ nhiều người với tính cách khác nhau, nữ thủ lĩnh 8x lúc nào cũng cảm thấy day dứt trước hình ảnh những trẻ em không đủ quần áo ấm, đồ ăn và cả kỹ năng sống. Nỗi niềm này đã được Huyền Châu nhen nhóm, biến thành sự thật bằng các dự án xây trường học và tích cực hỗ trợ phát triển cho trẻ em ở vùng khó khăn, hẻo lánh.
Sau khi trở về từ Davos, Huyền Châu cho sẽ tiếp tục kế hoạch xây thêm ngôi trường nữa cho trẻ em tại Hà Giang. Đồng thời phối hợp để triển khai các chương trình hướng dẫn, hình thành thói quen và kỹ năng sống cho trẻ em. Trong tương lai, nữ lãnh đạo trẻ cho biết cô sẽ tiếp tục theo đuổi xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội và nhân rộng chúng trong cộng đồng.
Cộng đồng Global Shapers là một tổ chức thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới, được đánh giá là nơi hội tụ những gương tiêu biểu trong độ tuổi 20-30, đã và đang có những đóng góp thiết thực cho xã hội, có tố chất lãnh đạo và nhiệt huyết để xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Trước Nguyễn Huyền Châu, năm 2013, Việt Nam từng có 2 đại diện trẻ tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á tại Myanmar, Việt Nam từng có một số đại diện tam dự. Trong số này, nổi bật nhất là Đỗ Thị Thúy Hằng - CEO của dịch vụ đặt chỗ trực tuyến iViVu, người đã có cuộc đối thoại về "ý tưởng lớn" với cựu Thủ tướng Anh - Tony Blair tại diễn đàn. |