Thứ Hai, Ngày 23 Tháng 12 Năm 2024

Bán đồ cũ, lãi trăm triệu

Thứ Bảy, 08/02/2014 04:33
Từng loay hoay thanh lý những món đồ cũ của bản thân, được bạn bè mách nước rồi tự mình tìm hiểu trên mạng, giữa năm ngoái Đỗ Tuấn Hải (Hà Nội) quyết định khởi nghiêp kinh doanh mô hình nhà kho ký gửi tại khu Zone 9.

Theo chàng trai sinh năm 1990 này, nhà kho ký gửi là nơi tiêu thụ những món đồ “cũ người mới ta”. Mọi cá nhân đều có thể đưa tới đây những món đồ không sử dụng nữa để nhờ tiêu thụ. Ngược lại, khách hàng có cơ hội tìm mua những sản phẩm có giá rẻ giật mình như áo sơ mi có giá 20.000 đồng, hoặc áo khoác chỉ còn 100.000 đồng.

Kinh doanh sản phẩm ký gửi mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng cho người bán. 

Mặt hàng tại nhà kho khá đa dạng, từ quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm đến các vật dụng gia đình… Tuấn Hải cùng các cộng sự bán các sản phẩm và hưởng 30% lợi nhuận nếu hàng được bán trong 30 ngày đầu. Những ngày tiếp theo, nếu sản phẩm chưa bán được thì lợi nhuận từ phía người gửi sẽ giảm dần và nếu vẫn tồn sau 2 tháng, sản phẩm đó sẽ được đem đi từ thiện.

Những điều kiện nêu trên có thể thay đổi ở những cửa hàng khác. Chẳng hạn như hàng của chị Hạnh trên phố Tây Sơn chỉ nhận 10% chiết khấu từ lợi nhuận bán đồ và không giới hạn thời gian gửi hàng của khách.

Chia sẻ với VnExpress, Tuấn Hải cho biết khó khăn lớn nhất khi kinh doanh hình này là tìm được địa điểm thích hợp, rộng rãi để chứa đồ cũng như cần nguồn nhân lực lớn để quản lý hàng hóa. Chi phí ban đầu cho hàng hóa hầu như không mất, song tiền thuê mặt bằng, thiết kế logo, poster, phần mềm quản lý và nhân viên… lại rất tốn kém. Chính vì vậy mà khi khởi nghiệp tại gian hàng rộng gần 300 m2, tổng số vốn Hải và 2 người bạn phải bỏ ra lên tới 700 triệu đồng.

Trong khi đó, để tiết kiệm chi phí ban đầu và thu về lợi nhuận cao hơn, Nguyễn Thị Thanh Hương, chủ một nhà kho trên đường Lạc Long Quân cho hay nhóm của Hương đã tiết kiệm chi phí bằng cách mở dịch vụ tại nhà, tự thiết kế poster quảng cáo. Tuy vậy, cũng bởi khối lượng công việc tự làm (sổ sách, gắn mắc giá cho sản phẩm…) mà ngôi nhà ký gửi của Hương chỉ có thể mở mỗi tháng một lần.

“Tính số hàng ký gửi ở cửa hàng mình có lúc lên tới 4.000 sản phẩm. Ban đầu cũng không tránh khỏi mất mát đồ và phải đền tiền cho khách, nhưng càng làm thì lại càng có kinh nghiệm quản lý chặt chẽ hơn. Để đảm bảo đem đến khách hàng những sản phẩm có mẫu mã đẹp và còn tốt, cửa hàng sẽ không nhận những đồ quá cũ, lỗi mốt, sờn hay rách”, Thanh Hương kể.

Chuyên nghiệp hơn, nhà kho của Tuấn Hải lại có sự phân công công việc rõ ràng: Hải phụ trách về truyền thông, một người lo nhân sự, người còn lại quản lý tài chính và công việc chung. Do thu hút được số đông người quan tâm nên ngày nào cửa hàng cũng có đông khách đến mua, thời gian cao điểm, doanh thu của “nhà kho” có lúc lên tới 300 triệu một tháng. Nhẩm tính trừ hết các chi phí, thu nhập của Hải và các bạn cũng rơi vào khoảng 100 triệu đồng.

Về mùa đông, hàng ký gửi trở nên đa dạng hơn: áo dạ, áo khoác, phao, nỉ, áo len hay quần jeans… Tùy vào chất lượng, dày mỏng, như áo khoác dạ còn khá mới ở ngoài bán từ 500.000 đến 800.000 đồng, trong cửa hàng này chỉ để giá 100.000- 250.000 đồng. Ở cửa hàng của Hương hiện đang nhận nhiều giầy Việt Nam xuất khẩu, giá chỉ khoảng 150.000 đồng, so với con số gấp đôi, gấp ba bên ngoài…

Để luân chuyển hàng liên tục, cứ vào cuối tuần, nhà kho của Hải lại diễn ra nhiều sự kiện và các phiên chợ giá rẻ nhằm hút khách. Hiện tại, nhà kho của Hải phải chuyển từ Zone 9 về phố Trương Hán Siêu. “Mình sẽ chuyển nhận những đồ ký gửi theo hướng chọn lọc phong cách, chất lượng tốt và giá cả hợp lý chứ không nhận hàng hóa đại trà. Đồng thời, bên mình cũng đang tìm kiếm đối tác phát triển nhà kho ở nhiều tỉnh thành khác nhau”, doanh nhân trẻ này bật mí.

 

Theo Ý tưởng Kinh doanh

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân