Thứ Năm, Ngày 2 Tháng 1 Năm 2025

Thường như cơm, lạ như Rice Pass

Chủ Nhật, 12/01/2014 10:03
Hướng tới phục vụ đồ ăn nhanh nhưng vẫn phải tốt cho sức khỏe dành cho những người bận rộn, Đoàn Thị Khánh Phương và nhóm bạn đã quyết tâm đưa sản phẩm cơm kẹp (RicePass) ra thị trường. Biết mình đi sau, "chiêu thức" của Khánh Phương là tranh thủ học hỏi từ chính những thất bại của người đi trước.

 

 
Đem cơm ra... hội chợ

 

Dự án kinh doanh cơm kẹp được triển khai khi cả 7 thành viên đều còn đang ngồi trên ghế giảng đường đại học nhưng ngay từ đầu, nhóm đã xác định không đi theo hướng các bạn sinh viên vẫn đang làm, mà làm theo mô hình của các cửa hàng, doanh nghiệp đã hoạt động ít nhiều có hiệu quả.

Chính vì vậy, ngay từ lúc RicePass ra mắt khách hàng, nhóm đã quan tâm và chăm chút vấn đề hình ảnh và thương hiệu. Ngoài ra, nhóm còn nhận được sự hỗ trợ từ những người lớn tuổi có kinh nghiệm về vấn đề tài chính, hay những đầu bếp tư vấn về hương vị, nguyên liệu.

Xác định đối tượng khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng và giới trẻ, Khánh Phương và nhóm bạn đã đưa cơm kẹp vào các hội chợ thanh niên để khách hàng dùng thử. Sau 5 tháng, nhóm quyết định mở cửa hàng.

"Trong kinh doanh ngành hàng ẩm thực, quan trọng nhất là sản phẩm. Và dự án có thành công hay không nằm ở yếu tố nhân lực. Sau các buổi hội chợ, chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn trẻ. Trong kết quả chúng tôi thu được, có tới 80% khách hàng đồng ý cơm kẹp có thể thay thế bữa ăn sáng. Cả nhóm cùng xác định thời điểm của mình đã đến, và chúng tôi quyết định mở cửa hàng", Khánh Phương chia sẻ.

Lựa chọn cơm kẹp để kinh doanh, RicePass đang hướng tới mục tiêu khá táo bạo. Trưởng nhóm Khánh Phương cho biết: "Chúng tôi đặt ra mục tiêu là đưa RicePass thành một thương hiệu thức ăn nhanh của riêng người Việt Nam. Sau này, ngoài hai sản phẩm cơm kẹp gà chiên và cơm kẹp heo bằm, chúng tôi sẽ phát triển loại hình cơm nắm và mở rộng ra các loại cơm mang đi".

Theo Khánh Phương, thị trường đang có khá nhiều loại hình thức ăn nhanh nhưng chủ yếu là của nước ngoài. Nhóm lựa chọn cơm kẹp vì cơm là thức ăn gần gũi với người Việt, ngoài ra, khi dùng cơm kẹp, khách hàng vừa no, vừa không bị ngán.

"Chúng tôi xác định dù là thức ăn nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh. Khác với bánh mì, cơm kẹp có phần phức tạp hơn khi cơm phải có độ ép, có nhân, bao bì và quan trọng là nước sốt chuyên biệt", cô chủ nhỏ cho biết và xác định thị trường thức ăn nhanh còn rất nhiều tiềm năng.

Bởi vì, nhiều người có tiền sẵn sàng bỏ ra 50 - 100 ngàn đồng để mua một phần thức ăn. Tuy nhiên, nhóm của Phương muốn hướng đến đối tượng có khả năng chi trả thấp hơn nhưng vẫn cần sự nhanh chóng và tiện lợi.

Xem mình là khách hàng

Không chỉ thiếu kinh nghiệm, một thách thức lớn của RicePass chính là vốn vì 7 thành viên đều đang "mài đũng quần" trên ghế giảng đường. Để giải quyết khó khăn này, nhóm quyết tâm tham gia cuộc thi TVCreate 2013 bằng một clip giới thiệu về sản phẩm cơm kẹp.

Clip của nhóm được giải Vàng với số tiền thưởng khoảng hơn 10 triệu đồng. "Số tiền này vẫn chưa đủ để làm vốn, chúng tôi lại chia nhau ra vay của bạn bè, gia đình. Mỗi người một ít, cuối cùng khó khăn này cũng được giải quyết", Khánh Phương cười tâm sự.

Với đặc thù là thức ăn nhanh, RicePass mở cửa từ 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều. Hiện tại, trung bình mỗi ngày nhóm bán được 35 - 60 phần. Khánh Phương lạc quan: "Trước lúc khai trương, chúng tôi đã xác định sẽ chấp nhận lỗ trong vòng vài tháng.

Tuy nhiên, rất may là trong hai tháng đầu, doanh thu của cửa hàng đều ở mức... khả quan. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư, sau này khi sản xuất với số lượng nhiều thì giá thành sẽ giảm xuống. Lúc đó, chúng tôi mới thực có lãi".

RicePass hiện tại có 7 người, ngoài Khánh Phương đến từ Đại học Tài chính - Marketing, 6 người còn lại đều là sinh viên của Trường Đại học Hoa Sen. Để phát huy thế mạnh của mỗi người, nhóm chủ trương phân chia một đến hai người chịu trách nhiệm một lĩnh vực như: nghiên cứu và phát triển thị trường, marketing, tài chính, nhân sự, phân phối...

Khánh Phương cho biết, nguyên tắc ở RicePass là không phân biệt chủ hay nhân viên mà mỗi người đều phải xem mình như một khách hàng. Khánh Phương lý giải: "Chúng tôi vẫn thường nhắc nhở nhau phải tự xem mình là một khách hàng. Bởi vì chỉ có ở vị trí của khách hàng, mình mới biết khách hàng đang cần gì, mong muốn được phục vụ như thế nào và mình sẽ đáp ứng cho họ. Có những điều khách hàng không nói thì mình sẽ không biết. Nhưng khi mình ở vị trí của khách hàng, mình sẽ biết họ đang muốn gì”.

Theo DoanhnhanSaigon

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân