Thứ Sáu, Ngày 29 Tháng 3 Năm 2024

Sự nghiệp cuộc đời

Thứ Tư, 19/03/2014 12:00
Lương, thưởng, phúc lợi không còn là yếu tố quan trọng nhất khi người lao động quyết định chọn công việc.

 

Khảo sát của Công ty Anphabe thực hiện từ tháng 10 – 12/2013, với 9.032 người đến từ 1.000 công ty cho thấy, có đến 22,01% người cho rằng cơ hội phát triển cũng quan trọng không kém gì lương, thưởng (xấp xỉ với tiêu chí lương, thưởng, phúc lợi 22,67%).

Xét ở cấp độ nghề nghiệp, tiêu chí này càng được nhóm người mới đi làm đặc biệt quan tâm, thậm chí họ còn xem trọng cơ hội phát triển hơn cả lương, thưởng, phúc lợi. Ngoài ra, văn hóa giá trị, đội ngũ lãnh đạo và chất lượng công việc, cuộc sống gộp lại cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong quyết định chọn nơi làm việc của người đi làm.

Trên thực tế, thu nhập của người lao động thường đến từ nhiều nguồn, nhưng đa phần đều quan tâm đến mức lương cạnh tranh vì đây là thu nhập ổn định nhất. Tuy nhiên, hiện nay, phúc lợi hấp dẫn và thưởng công bằng cũng được lưu ý nhiều hơn.

Người lao động đến với doanh nghiệp (DN) vì lương, nhưng để tạo động lực và giữ chân họ hiệu quả, DN cần đa dạng hóa các nguồn thu nhập thay vì chỉ tập trung vào yếu tố mức lương cạnh tranh mang tính truyền thống như trước đây.

Hiện đang có sự dịch chuyển về tầm quan trọng từ các “yếu tố hấp dẫn tức thì” như lương, thưởng sang các “yếu tố giúp gắn kết lâu dài” như tốc độ tăng lương, công việc ổn định hay thu nhập tương lai. Để một công ty trở nên hấp dẫn hơn trong tiêu chí lương, thưởng không dễ do sẽ tốn nhiều chi phí để thay đổi cả hệ thống lương, thưởng của công ty.

Tuy nhiên, để thay đổi “nhận thức ” về sức hấp dẫn chung của công ty trong các hình thức tưởng thưởng cho nhân viên, DN có thể áp dụng các phương pháp để tạo niềm tin và cam kết lâu dài ở nhân viên như thay vì tăng lương 1 lần/năm với mức tăng 10% thì nên 2 lần với 5% sẽ hiệu quả hơn vì điều đó thể hiện sự ổn định và kết quả kinh doanh tích cực của công ty.

Đáng chú ý, có nhiều hình thức phúc lợi mà công ty tốn khá nhiều chi phí để cung cấp cho nhân viên nhưng không được nhân viên coi trọng vì họ chỉ có thói quen so sánh lương. Vì vậy, DN cần chia sẻ thông tin cởi mở để giúp nhân viên hiểu rõ hơn giá trị của các gói phúc lợi ngoài lương.

Hơn nữa, trong giai đoạn kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều công ty đang có sự thay đổi lớn về mặt cơ cấu và chiến lược phát triển, ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhân viên. Việc trao đổi cởi mở để có sự thấu hiểu và hỗ trợ từ nhân viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững tinh thần nhân viên.

Thay vì chú trọng lương, thưởng, phúc lợi, người lao động ngày càng bị cuốn hút bởi một công việc cho họ nhiều cơ hội phát triển. Cơ hội phát triển được hiểu là phát triển về mặt kỹ năng và chuyên môn mà người lao động tích lũy được thông qua công việc hằng ngày chứ không phải là việc được thăng tiến nhanh ở chức vụ.

Điều này được thể hiện rõ khi 19,67% người sẽ chọn DN cho họ công việc thú vị với nhiều trải nghiệm đa dạng và chỉ có 5,52% người muốn làm việc cho công ty mang đến cho họ cơ hội thăng tiến nhanh.

Một xu hướng không thể phủ nhận là người lao động ngày càng quan tâm đến kinh nghiệm làm việc quốc tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế mở cửa và cạnh tranh quốc tế ngày càng nhiều như hiện nay (kinh nghiệm làm việc quốc tế nên được hiểu đúng là kinh nghiệm làm việc được chuẩn hóa ở tầm quốc tế).

DN có thể đáp ứng tốt kỳ vọng của người đi làm ở tiêu chí này là tạo ra một môi trường làm việc có đồng nghiệp, khách hàng là người nước ngoài, được sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh thường xuyên trong công việc hằng ngày, được đi công tác, tham dự các khóa huấn luyện ở tầm khu vực.

Đối với người đi làm trước đây, công việc và cuộc sống là hai mặt khác nhau nhưng ngày nay, công việc không thể tách rời chất lượng sống. Thuật ngữ để thể hiện xu thế này là “Life Careerism”. Những người theo chủ nghĩa này thường có suy nghĩ: Tôi sẽ lên kế hoạch công việc theo những ưu tiên của cuộc sống.

Công việc cần phải có mục tiêu và ý nghĩa để chính bản thân tôi thấy mình là người sống có ích chứ không phải công việc chỉ mang đến tiền. Tôi yêu thích những trải nghiệm sống đa dạng… Xu thế gắn kết công việc với chất lượng sống sẽ ngày càng thể hiện rõ ở các bạn trẻ.

Khảo sát về tâm lý giới trẻ của Nielsen cũng thấy được sự nổi bật của “Life Careerism”. Vì giới trẻ ngày nay được thụ hưởng nền tảng giáo dục tốt, năng động, am hiểu công nghệ mới và không bị nhiều áp lực về trách nhiệm chăm sóc gia đình nên lẽ dĩ nhiên, họ nhanh nhạy hơn trong việc cập nhật, so sánh thông tin và đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng sống.

Ngoài ra, nhu cầu khẳng định bản thân, nổi bật trong đám đông và các trải nghiệm đa dạng trong công việc cũng góp phần giúp họ thỏa mãn nhu cầu này.

Theo DoanhnhanSaigon

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân