Đổ xô đi học thạc sĩ
Theo báo cáo mới nhất của Vụ thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì có hơn 100.000 sinh viên đại học thất nghiệp trong năm 2013. Con số trên cho thấy, số sinh viên ra trường chưa có việc làm chiếm tỷ lệ cao.
Chính vì không xin được việc làm sau khi ra trường, các cử nhân “rộ” lên phong trào học tiếp lên cao học với hi vọng bằng cấp cao hơn sẽ dễ tìm được việc.
Sau khi ra trường, thất bại trước chặng đường tìm việc làm quá gian truân, nhiều tân cử nhân đành học lên cao học hoặc học văn bằng 2. Những đối tượng này chủ yếu rơi vào nhóm SV tốt nghiệp các ngành thuộc khối xã hội mang nặng tính nghiên cứu, lý thuyết.
Chị Trần Minh Yến, đã tốt nghiệp chuyên ngành Biên dịch tiếng Anh – Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Tôi đã tốt nghiệp vào tháng 6?2012 nhưng chưa tìm được việc làm.
Để khỏa lấp thời gian, với hi vọng tìm được việc làm đúng chuyên ngành nên đã đăng kí nộp hồ sơ cao học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh của ĐH Ngoại ngữ”.
Bên cạnh đó, sinh viên khối ngành tài chính – ngân hàng, kế toán…cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng trước nguy cơ thất nghiệp.
Bạn Tuấn, Học viện Tài chính chia sẻ: “Mình ra trường vào đúng thời điểm kinh tế khó khăn nên việc tìm được việc đúng chuyên ngành càng khó hơn.Mình dự định, nếu không xin được việc luôn mình sẽ đăng kí đi học cao học”.
Với lối suy nghĩ “học cao thì thu nhập sẽ thuộc hàng sao” và trong thời buổi hiện nay, muốn dễ xin việc và dễ kiếm tiền thì phải có bằng cấp cao nên học cao học là một sự lựa chọn trong lúc...thất nghiệp.
Có nhiều tân cử nhân lại cho rằng, trước sau cũng phải học thạc sĩ, tiến sĩ mới đáp ứng được nhu cầu xã hội nên học luôn ngay sau khi tốt nghiệp là cần thiết. Vì đang có “đà” học thì học một mạch cho tiện, có gia đình rồi thì cũng khó học, đi làm cũng bận không có thời gian….
Đồng quan điểm đó, bạn Thùy, Học viện Hành chính chia sẻ: “Bây giờ, đi xin việc ở đâu cũng cần có kinh nghiệm mà mình mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Vì thế, mình đã chấp nhận làm nghề bán hàng thuê vừa để trang trải cuộc sống vừa có thể học cao hơn hi vọng sẽ tìm được việc làm đúng chuyên ngành”.
Học xong cao học có thôi...thất nghiệp?
Ngoài trình độ nhất định để tiếp nhận các kiến thức nâng cao, những người chọn cao học 'trong lúc chờ việc' vấp phải những khó khăn về tiền bạc, tốn công sức và thời gian.
Có bằng thạc sĩ liệu có thôi thất nghiệp?.
Chị Trần Minh Yến, đang theo học thạc sĩ ngôn ngữ Anh của ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội cho biết thêm: “Học phí của học cao học cao gấp nhiều lần so với học Đại học. Trung bình 1 kì khoảng từ 12 – 15 triệu đồng. Đó là chưa kể đến các chi phí học tập khác”.
Vì chi phí học cao học tốn kém là thế, nhiều gia đình không có khả năng chu cấp nên có những người muốn đi học cao lên thì phải tự “vận động”, chật vật đi làm thêm tại các cửa hàng, quán cà phê để có tiền vừa đi học vừa trang trải cuộc sống.
“Sau khi tốt nghiệp, bố mẹ tôi cắt trợ cấp nhưng tôi vẫn muốn học cao học với hi vọng tìm việc làm đúng chuyên ngành. Để có tiền đi học, ban ngày tôi đi làm giúp việc cho một gia đình ở gần trường” - Chị Nguyễn Tuyết Nhung, hiện đang học thạc sĩ Sử học của ĐH Xã hội và Nhân văn tâm sự.
Một lớp học cao học tại Hà Nội.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều người đã học xong thạc sĩ nhưng vẫn có nguy cơ bị thất nghiệp
Chị Đỗ Thị Hằng, học thạc sĩ Văn học trường Sư Phạm Hà Nội hoang mang chia sẻ: “Chỉ còn tháng nữa mình học xong rồi, nhưng hiện tại mình cảm thấy rất lo lắng vẫn chưa biết xin việc ở đâu'
Bên cạnh những người học xong cao học nhưng vẫn chưa xin được việc thì còn có những người “kén” việc do tâm lí đã bỏ thời gian, công sức, tiền bạc đi học thì mong muốn có công việc lương cao tương xứng với bằng cấp.
Anh Tuấn Hùng, đã học xong thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Kinh tế Quốc dân cho biết: “Đã học thạc sĩ thì phải có lương cao, mức lương dưới chục triệu thì cũng có nhiều nhưng tôi thấy không tương xứng với bằng cấp. Nên hiện giờ tôi vẫn đang cố gắng tìm những vị trí phù hợp hơn”.
Theo các chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các nhà tuyển dụng ngần ngại sử dụng bằng cấp cao vì lên quan đến hệ số lương, thưởng, thực tế này khiến nhiều thạc sĩ ra trường gặp khó khi đi xin việc.
Anh Phạm Thế Hưng, phụ trách nhân sự công ty Tuần Báo số chia sẻ: “Những nhà tuyển dụng như chúng tôi đều mong muốn tuyển dụng những người có kinh nghiệm, có khả năng làm việc.
Chúng tôi không quan trọng bằng cấp cao vì bằng cấp chỉ mang tính hình thức, không chứng minh được năng lực thật sự khi làm việc. Theo tôi, không chỉ những sinh viên mới ra trường mà những sinh viên còn đang theo học trên giảng đường cần chủ động tìm việc làm phù hợp với khả năng thay vì tốn thời gian, tiền bạc và công sức để học lên cao”.