Vị đại biểu đoàn Hà Nội chia sẻ với báo giới xung quanh câu chuyện cổ phần hoá của doanh nghiệp bên lề hành lang Quốc hội chiều 20/5.
- Báo cáo của Chính phủ nhìn nhận cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn nhiều trở ngại, chưa đạt yêu cầu. Cá nhân bà đánh giá thế nào về quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước cũng như nền kinh tế hiện nay?
- Chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua tôi nghĩ là rất đúng nhưng Chính phủ cần kiểm điểm rõ hơn. Thực tế có những ngành đã làm rất tốt nhưng có những đơn vị thì chưa. Trong lĩnh vực giao thông, những doanh nghiệp có vốn Nhà nước đã bắt đầu chuyển biến. Các ngành khác cũng phải làm như vậy. Theo tôi, trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước phải công khai hơn, minh bạch hơn để xã hội cộng đồng có thể theo dõi tiến trình đó. Nếu không công khai thì kết quả sẽ không đạt được như mục tiêu chúng ta đề ra.
Bà Bùi Thị An: Để cổ phần hoá doanh nghiệp thành công cần phải loại lợi ích nhóm.
- Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp trong đó thậm chí cho phép doanh nghiệp bán cổ phần thấp hơn giá vốn. Vậy vì sao quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp vẫn diễn ra ì ạch thưa bà?
- Đúng là chủ trương, mục tiêu vừa qua là rất cụ thể nhưng theo tôi cần rà soát đánh giá lại về cách làm của từng doanh nghiệp xem đơn vị nào tốt, trường hợp nào chưa? Vì sao các doanh nghiệp lại đi đầu tư ở ngoài ngành để đến nội tài chính bị kiệt quệ và lâm vào tình cảnh phá sản. Tôi nghĩ rằng việc đầu tiên cần làm là phải có đánh giá cụ thể về vấn đề này. Không chỉ riêng doanh nghiệp mà cả cơ quan Nhà nước cũng phải đánh giá. Ngoài ra, cần tham vấn đánh giá của các tổ chức xã hội để đưa ra cái nhìn công bằng và khách quan.
Trong quá trình đánh giá cần công khai hết vốn vay, vốn đầu tư thế nào, đầu tư ngoài ngành ra sao, lỗ bao nhiêu, lãi bao nhiêu gây hậu quả thế nào cho chính doanh nghiệp đó. Tôi cho rằng nếu quyết tâm làm thế thì mới tốt được. Trường hợp làm nội bộ chỉ doanh nghiệp biết với nhau thì không thể thực hiện được đúng mục tiêu.
- Rào cản lớn nhất đối với cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hiện nay là gì thưa bà?
- Tôi không dám nói cán bộ ngành khác không có tầm chiến lược trong việc cổ phần hoá nhưng cá nhân tôi cho rằng vừa qua doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông đã làm rất tốt việc cổ phần hoá. Rõ ràng, người đứng đầu ngành giao thông đã thực hiện được nguyên tắc công khai minh bạch đối với nhân dân. Để cổ phần hoá được thì phải không có lợi ích nhóm. Hay nói cách khác lợi ích nhóm phải xuất phát từ quyền lợi của đất nước và không vì bất cứ một cá nhân nào. Những quyết định của Bộ Giao thông đã hợp với lòng dân và tôi tin là họ sẽ thắng lợi.
- Báo cáo kiểm toán vừa qua cho thấy hàng loạt ông lớn mắc cạn với bất động sản, bà bình luận thế nào về một lỗi tương đối quen thuộc này của các doanh nghiệp Nhà nước?
- Việc doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành trong đó có bất động sản đã được đề cập nhiều lần, gây hại cho nhiều doanh nghiệp. Thực tế một số doanh nghiệp đã rút kinh nghiệm nhưng số khác vẫn mắc phải. Thực trạng này đang tồn tại và chỉ còn cách khắc phục dần dần. Bởi đầu tư bất động sản mất vốn lớn, không như mua một và mặt hàng nhỏ.
Tái cấu trúc nền kinh tế đã được Quốc hội Chính phủ đặt ra rồi, không thể tràn lan mà cần tập trung vào những ngành mũi nhọn và có những khâu đột phá trong đó trước hết là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Đó là những doanh nghiệp giữ chủ đạo của nền kinh tế. Còn các doanh nghiệp tư nhân thì không cần, họ sẽ phải tự để biết tái cấu trúc để mang lại hiệu quả cao. Những nơi những ngành sử dụng ngân sách Nhà nước tức là tiền của dân.
- Một số ý kiến cho rằng, Quốc hội cần đưa ra một nghị Quyết về việc cổ phần hoá doanh nghiệp. Ý kiến bà thế nào?
- Tôi cho rằng Luật cần làm thế nào để mang tính khả thi. Chúng ta không cần ban hành nhiều nhưng cần tạo cơ chế, điều kiện để doanh nghiệp thực hiện. Vừa qua, chúng ta ban hành nhiều luật nhưng rõ ràng cơ chế còn thiếu. Tôi cho rằng việc cần làm lúc này là nêu rõ doanh nghiệp nào cần thiết phải cổ phần hoá và nêu rõ lộ trình cụ thể. Trường hợp doanh nghiệp nợ chồng chất thì phải có quy chế cụ thể, bởi nếu doanh nghiệp nợ nhiều, thì khi cổ phần hoá, Nhà nước sẽ bị thiệt vì ai sẽ gánh khoản nợ đó. Bởi vậy tôi cho rằng cần phải bàn rất rõ quá trình cổ phần hoá đối với từng đơn vị sau đó công khai cho dư luận. Bởi rõ ràng nhiều bộ óc đánh giá sẽ hiệu quả hơn một bộ óc.
Ông Vũ Mão, Nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội nhận đinh: "Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, ngoài việc chịu tác động từ thế giới, bản thân nền kinh tế của chúng ta cũng có những khiếm khuyết. Kinh tế chúng ta đang khó khăn, có những đối tượng kích động phá hoại, hiện nay, Đảng Nhà nước đang xử lý những tồn tại đó. Lúc này, càng phải tập trung phát triển kinh tế cho tốt hơn. Muốn phát triển kinh tế thì phải có những cơ chế tốt hơn, luật pháp cụ thể hơn. Cho nên, tôi mong muốn, Quốc hội lần có nội dung về việc bàn đến văn bản pháp luật trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Hiện chúng ta đặt mục tiêu thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp nhưng Quốc hội ban hành văn bản mà mới chỉ có vài ba nghị định của Chính phủ. Việc cổ phần hoá động chạm đến một loạt tập đoàn, tổng công ty. Một tập đoàn vốn có thể lên tới hàng chục tỷ đôla. Nghị quyết Quốc hội quy định, những công trình 1,5 tỷ đôla là phải trình Quốc hội phải xem xét thông qua rồi. Việc cổ phần hoá một doanh nghiệp vài chục tỷ đôla mà Quốc hội không biết, không bàn thì sẽ rất thiếu. Tôi tha thiết đề nghị, mặc dù rất nhiều công việc nhưng ở Quốc hội lần này vẫn phải thảo luận về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Theo tiến độ Chính phủ đề ra là 2015 phải cổ phần hoá 423 doanh nghiệp. Muốn điều đó thành hiện thực thì phải có một cơ chế chính sách. Còn nếu không tôi e là chúng ta sẽ nói rất hay, rất mạnh nhưng nhiều khi không thực hiện được". |