Oprah Winfrey là người phụ nữ gốc Phi đầu tiên có tên trong danh sách các tỉ phú do tạp chí Forbes bình chọn với giá trị tài sản 2,9 tỉ USD (tính tới tháng 9/2013). Nữ hoàng talk show của truyền hình Mỹ cũng vinh dự đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhất truyền thông Mỹ 2014, sau đạo diễn Steven Spielberg. Vậy sức mạnh nào đã khiến một phụ nữ gốc Phi vươn lên từ cuộc sống nghèo khó để đạt được những kỳ tích như ngày hôm nay?
Tuổi thơ dữ dội
Oprah Winfrey sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Kosciusko thuộc tiểu bang Mississippi nước Mỹ vào ngày 29/1/1954. Cha mẹ của bà lấy nhau khi chưa đến hai mươi tuổi và không có đăng ký kết hôn. Sau khi sinh Oprah, người mẹ phải đi lên phương Bắc để kiếm việc làm, vì vậy bà phải sống trong sự chăm sóc của bà ngoại. Thời đó, nhà nghèo đến nỗi bà phải mặc quần áo may từ bao tải đựng khoai tây.
Lên sáu tuổi Winfrey đến sống với mẹ ở Milwaukee, ở đây bà đã phải chịu sự ngược đãi và nhục mạ vì làn da sẫm màu và gương mặt của mình. Đau đớn hơn, Winfrey đã bị chính bạn trai của người dì họ xâm hại tình dục khi mới 9 tuổi. Nỗi đau về thể xác và tinh thần đã giày vò khiến bà bỏ nhà đi vào năm 13 tuổi và trượt dần vào cuộc sống phóng đãng. Bà mang thai ở tuổi 14, đứa con mới chào đời chết không lâu sau khi sinh.
“Chính sự can đảm và ý chí phải là chính mình đã giúp tôi đến được thành công hôm nay”, Oprah Winfrey nói.
Tất cả những đau đớn đầu đời ấy đã đẩy Oprah Winfrey vào con đường xấu, bà đã phải nếm mùi nhà giam khi đang ở tuổi vị thành niên. Nhưng dường như tất cả những trải nghiệm đầy khổ đau đó đã tôi luyện nên một Oprah Winfrey nghị lực giúp bà thoát khỏi cảnh đói nghèo kiệt quệ và vươn tới thành công.
Ngã rẽ cuộc đời và sự lựa chọn đúng đắn
Winfrey đã chấm dứt những tháng ngày đau thương bế tắc của mình khi đến sống cùng cha ở Nashville (Tennessee, Mỹ). Cha bà là người nghiêm khắc nhưng nhờ có cha che chở và khích lệ động viên mà Winfrey đã trở thành học sinh xuất sắc và được cấp học bổng toàn phần để theo học tại Đại học tiểu bang Tennessee – một cơ sở giáo dục lâu đời dành riêng cho người da đen. Tại đây Winfrey theo học ngành truyền thông học và đạt được danh hiệu “hoa hậu da màu” tại tiểu bang Tennessee khi mới 18 tuổi.
Sự nghiệp của Winfrey bắt đầu thăng hoa khi bà nhận lời tới Chicago (Mỹ) để đảm nhận talkshow Oprah Winfrey Show mà tiền thân là chương trình AM Chicago đang rất tẻ nhạt vào năm 1986. Với tài năng thiên bẩm cùng sự sáng tạo không mệt mỏi, Oprah Winfrey đã nhanh chóng “thổi hồn” cho Oprah Winfrey Show trở thành một talkshow hấp dẫn nhất nước Mỹ và dần khẳng định vị trí số 1 của mình trong ngành truyền thông quốc tế.
Khán giả luôn nhớ đến bà với phong cách dẫn chuyện thân thiện và khả năng làm chủ các đề tài. Chương trình “The Oprah Winfrey Show” của bà đã được mở rộng ra khắp nước Mỹ và là một trong những chương trình được xếp hạng cao nhất trong số các chương trình trò chuyện trên truyền hình trong lịch sử nước Mỹ.
Đặc biệt hơn nữa những nỗ lực không ngừng của Oprah Winfrey còn giúp cho chương trình này giữ vững vị trí đó hơn 20 năm qua, thu hút hơn 30 triệu khán giả ở Mỹ và một lượng khán giả khổng lồ tại hơn 109 nước trên thế giới. Chính niềm đam mê công việc bất tận cùng niềm khát khao được cống hiến đã tạo nên sự hấp dẫn lan tỏa giúp cho talkshow của bà trường tồn cùng năm tháng.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực truyền hình, Oprah Winfrey còn thử sức mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau như điện ảnh, sách và tạp chí, phát thanh. Bà đã thành lập phim trường Hapro để sản xuất phim, xuất bản tạp chí, lập kênh truyền hình cáp chủ yếu nói về các vấn đề của phụ nữ.
Chương trình đặc biệt có tên “Chương mới của Oprah” phát trên kênh truyền hình kỹ thuật số OWN (Oprah Winfrey Network) do chính bà sở hữu, phỏng vấn trực tiếp những nhân vật được chọn từ khắp nơi trên thế giới, thu hút trên 80 triệu gia đình ở Mỹ theo dõi.
Tuy nhiên, vào ngày 25/5/2011, chương trình “The Oprah Winfrey Show” của Oprah Winfrey phát sóng lần cuối, chính thức khép lại chương trình trò chuyện nổi tiếng của “nữ hoàng truyền hình” sau 25 năm. Bà muốn dành thời gian và sức khỏe để tập trung vào kênh truyền hình riêng của mình.
Dù làm ở bất cứ lình vực nào Oprah Winfrey đều giành được những thành công nhất định, những thành công đó đều nhờ vào những nỗ lực và ý chí quyết tâm không ngừng nghỉ của bà. “Giải thưởng nhân đạo Bob hope” chính là sự ghi nhận rõ nét với những cống hiến cho điện ảnh và truyền hình của bà tại lễ trao giải Emmy 2002.
“Đừng bao giờ ngủ quên trên đỉnh vinh quang”
Mặc dù luôn dẫn đầu danh sách những ngôi sao quyền lực nhất trong làng giải trí nước Mỹ nhưng Oprah Winfrey vẫn thường dành đến một nửa thu nhập của mình mỗi năm để làm từ thiện. Bà hy vọng tấm lòng của mình sẽ thắp sáng lên những mảnh đời bất hạnh. Dẫu thành công đến vậy nhưng Winfrey vẫn luôn tâm niệm: ”Tất cả với tôi mới chỉ là sự bắt đầu. Đừng bao giờ ngủ quên trên đỉnh vinh quang”.
Từ một cô bé da màu bị hắt hủi, ngược đãi vươn lên trở thành một người phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, một tỷ phú trong ngành giải trí, Oprah Winfrey là minh chứng hùng hồn cho ý chí khát khao đã vượt qua mọi trở ngại để trở thành con người đầy quyền lực, có sức lay chuyển hàng triệu trái tim.
Và cuộc đời của bà cũng chứng minh cho công chúng thấy một chân lí: Người ta sẽ không thể đi đến thành công nếu thiếu đi sự nỗ lực và vượt qua những khó khăn nhất thời. “Dù bạn là ai, bạn đến từ đâu, cơ hội thành công luôn khởi đầu từ bạn”.