Năm 1988, Myoung Hwa tốt nghiệp Đại học Hàn Quốc, nhưng bà không tìm kiếm được bất cứ công việc nào phù hợp với chuyên môn của mình, bởi vào thời điểm đó, nhiều công ty lớn của Hàn Quốc không thuê phụ nữ trong các kỳ tuyển dụng của họ.
Bà Choi cho biết, trước tháng 4/1988, Hàn Quốc chưa thông qua một đạo luật về đảm bảo quyền làm việc bình đẳng cho nữ giới, trong khi đất nước vừa trải qua cuộc bầu cử Tổng thống đầu tiên và bắt đầu chuẩn bị cải tổ cho nền kinh tế mới công nghiệp hóa và dân chủ hóa. Điều này càng khiến cho con đường tìm kiếm và phát triển sự nghiệp của nữ giới tại đất nước này trở nên khó khăn hơn.
“Tại sao thế giới lại trở nên khó khăn và phức tạp hơn chỉ vì bạn là phụ nữ?”, Choi đã từng cay đắng thốt lên như vậy vào lúc mệt mỏi nhất. Tuy nhiên, cuối cùng “vận may” cũng đã mỉm cười với bà. Sau gần một năm lao đao tìm công việc, Choi đã có được một vị trí công việc tại Tập đoàn Samsung nhờ khả năng nói tiếng Pháp của mình.
Từ năm 1999 điều kiện làm việc có vẻ thuận lợi hơn đối với phụ nữ Hàn Quốc. Choi, trong sự thay đổi này, càng cố gắng vượt bậc hơn. Bà không những quyết tâm thay đổi cái nhìn của đàn ông giành cho nữ giới, mà còn muốn phụ nữ xóa bỏ tâm lý tự ti và vượt lên chính mình.
“Một người phụ nữ cũng có thể thành công trong sự nghiệp. Cô ấy thành công không phải vì cô ấy là một phụ nữ, mà bởi vì cô ấy hoàn thành tốt mọi công việc. Phụ nữ nên thoát ra khỏi tâm lý rằng họ khác với đàn ông và xứng đáng được đối xử đặc biệt. Trong môi trường công việc, cô ấy nên coi mình bình đẳng với nam giới”, Choi chia sẻ.
Hiện tại, Hyundai có hai Phó chủ tịch là nữ giới, gồm bà Choi và bà Cho Mi Jin (mới được bổ nhiệm hồi tháng 8/2014). Trước khi gia nhập nhập Hyundai, bà Choi đã phải trải qua 2 thập kỷ ở vị trí marketing tại các công ty McKinsey và LG Electronics, trước đó nữa bà từng ở vị trí thấp hơn tại Samsung.
“Công việc của tôi cực kỳ vất vả, tôi cũng có gia đình và là một bà mẹ có hai con. Tuy thế, tôi không lấy con cái hay gia đình mình để biện minh cho việc không làm tốt công việc. Tôi cố gắng cân bằng cả hai, nếu quá căng thẳng, tôi có quyền yêu cầu chồng san sẻ việc nhà”, Choi chia sẻ.
Ngay khi đặt chân đến công ty, bà không mang hình ảnh cuộc sống cá nhân vào đó nữa, mà chỉ nghĩ đến công việc. Có lẽ đây chính là mấu chốt cho sự thành công của bà.
Theo bà Choi, trong các công ty Hàn Quốc nói chung và Hyundai nói riêng, phụ nữ làm marketing chiếm rất ít, mặc dù đây là công việc có thu nhập cao, song cũng không ít vất vả và phức tạp. Điển hình là họ phải họp hành liên miên và tiệc tùng khuya khá nhiều, hơn thế nữa công việc này đòi hỏi sự động não và năng động, nhạy bén cũng như phải nắm bắt nhanh xu hướng của môi trường kinh doanh. Nói chung rất tốn sức lực, như Choi vẫn thường hài hước nhận xét: “Nếu một phụ nữ thành công trong sự nghiệp và lên đến vai trò quản lý, tức là bạn đã có thừa khả năng bán tủ lạnh ở Nam cực rồi”.
Từ điều này có thể thấy, để trở thành một người phụ nữ quyền lực tại một tập đoàn lớn như Hyundai và trong một môi trường làm việc đầy sự cạnh tranh không công bằng với phụ nữ ở Hàn Quốc, Choi đã phải có những cố gắng phi thường như thế nào.
“Lời khuyên của tôi đối với các cô gái đang gây dựng sự nghiệp là phải chuyên nghiệp hơn nữa. Hãy tỉnh táo nhìn nhận, người ngồi bên cạnh bạn là đồng nghiệp của bạn chứ không phải là bạn trai bạn. Người quản lý là ông chủ của bạn chứ không phải là cha bạn”, Choi đã trả lời như vậy trong một buổi phỏng vấn.
Ngày nay, nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Grun Hye đã và đang thúc đẩy quá trình đào tạo thêm nhiều nhà quản lý nữ trong các dịch vụ công cộng, cũng như tạo thêm nhiều cơ hội để giúp các bà mẹ có việc làm. Phụ nữ mới ra trường, mặc dù ít có cơ hội kiếm được việc làm tốt hơn đàn ông, song họ cũng đã được các công ty tư nhân lớn tuyển dụng.
“Chắc chắn đây là kỷ nguyên tuyệt vời dành cho người phụ nữ Hàn Quốc. Xã hội đầy thành kiến này đang dần từng bước ủng hộ người phụ nữ có được sự công bằng trong môi trường làm việc”, Choi nói.