Những ý tưởng sáng tạo đi trước thời đại đã khiến Anna Wintour trở thành một trong những biểu tượng đáng ngưỡng mộ nhất trong ngành công nghiệp thời trang. Kể từ khi trở thành tổng biên tập của tạp chí danh tiếng vào năm 1988, Anna Wintour đã biến Vogue trở thành đế chế thời trang cực thịnh theo cách của riêng mình.
Do sự xuất hiện của điện thoại thông minh và máy tính bảng, doanh thu ngành báo chí in ấn được dự đoán sẽ giảm sút đáng kể, tuy nhiên, Vogue vẫn có được 11,4 triệu độc giả trung thành cho mỗi năm và khoảng 1,2 triệu lượt truy cập vào website của tạp chí.
Mới chỉ năm ngoái, Wintour đã được trao tặng danh hiệu chỉ đạo nghệ thuật của Condé Nast, một công ty truyền thông đặt tại New York đã thu hút được hơn 164 triệu khách hàng nhờ vào các ấn phẩm tạp chí về thời trang và phong cách sống như Vohue, Teen Vogue Vanity Fair, The New Yorker, GQ Lucky, Allure, Glamour, W và Wired Charles H. Townsend.
Giám đốc điều hành của công ty đã ca tụng hết lời năng lực của Wintour nhân dịp thăng chức của bà và giải thích rằng “Anna đã là động lực thúc đẩy không thể thiếu đằng sau thành công của Condé Nast, vì thế đây là một đặc ân lớn dành cho cô, mở rộng ảnh hưởng của cô từ nhãn hiệu Vogue đến những phần còn lại của tổ chức”.
Trong một tài liệu tập trung nói về sự chuẩn bị của Anna Wintour cho ấn phẩm mùa thu năm 2007, đã tiết lộ về doanh thu 220.416 USD chỉ trong tuần mở màn đầu tiên và tổng doanh thu tính đến cuối năm 2010 đạt 3.820.700 USD.
Một đoạn trong tài liệu còn tiết lộ những nhà thiết kế thời trang danh tiếng và những giám đốc mỹ thuật, thời trang của nhiều công ty lớn đã phải đợi chờ kiên nhẫn như thế nào để được bà để mắt đến, nhanh chóng đưa ra quyết định cho tất cả. Một chương trình truyền hình ngắn về cuộc đời của Wintour cũng nói qua về Anna Wintour với lời ca tụng: “một trong nhữung tiếng nói có sức mạnh nhất trong làng thời trang thế giới”.
Lớn lên
Anna Wintour sinh năm 1949. Cha bà là tổng biên tập của tờ Evening Standard tại London, vì thế từ nhỏ bà đã được lớn lên trong môi trường có nhiều câu chuyện xoay quanh nghề báo. Trong suốt những năm tháng niên thiếu, bà đã có niềm đam mê với cuộc sống tại London, thời trang và thậm chí còn bỏ học giữa chừng để theo đuổi niềm đam mê của mình.
Mặc dù gia đình Anna tương đối giàu có, bà vẫn bắt đầu từ tay trắng như rất nhiều người khác, theo đuổi giấc mơ của mình từ những năm đầu thế kỷ 20.
Bà bắt đầu làm việc cho bộ phận thời trang của một tạp chí mới mở có tên là Harper’s & Queen. Công việc đầy tính cạnh tranh, bà chỉ cộng tác với những thợ ảnh giỏi nhất để có được những thước hình tuyệt vời nhất, từ đó để có thể gây được sự chú ý, mở đường cho con đường thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên, sau 5 năm làm việc với tạp chí của Anh, bà vẫn không được cất nhắc làm vị trí tổng biên tập.
Theo đuổi giấc mơ tại New York
Quá thất vọng, Anna đã rời London và chuyển đến New York vào năm 1975, tại đây bà đã gặp nhà thiết kế danh tiếng Vera Wang, một người bạn mà bà đã quen biết trong hơn 30 năm.
Trước đó, cả hai người đều là những cô gái trẻ nỗ lực khẳng định mình trong những bước đi hối hả tại New York phồn hoa. Công việc đầu tiên của Anna tại New York là biên tập thời trang cho tạp chí Harper’s Bazaar, nơi mà bà đã bị sa thải vì lý do “quá châu Âu”” đối với phong vị của tạp chí.
Mặc dù bị thất nghiệp trong một vài tháng, niềm khát khao thành công của Anna chưa bao giờ biến mất. Nhận lời làm việc cho tạp chí phụ nữ có tên Viva, Anna đã nổi trội hơn cả với vai trò một nhà biên tập thời trang.
Những thước hình của Anna được trưng bày tại những vùng rất xa như cả Nhật Bản và những vùng biển nhiệt đối như Caribe, chúng rất đắt nhưng cuối cùng cũng mang lại lợi nhuận. Trong vài năm ngắn ngủi, Anna đã giữ vai trò là nhà biên tập thời trang của tạp chí New York vào năm 1981.
Bước chân vào Vogue
Chủ nhân của công ty Condé Nast, Si Newhouse và Alexander Liberman đã chú ý tới tài năng thiên bẩm của Anna. Bà đã có được công việc với vai trò là giám đốc sáng tạo của Vogue, tuy nhiên đó vẫn không phải là sự lựa chọn ưu tiên của bà.
Thực tế, bà luôn muốn được làm tổng biên tập của Vogue, lúc đó đang do Grace Mirabella nắm giữ. Quan điểm sáng tạo của Anna bị đối lập với Mirabella. Sau 3 năm bất đồng quan điểm giữa hai người phụ nữ, Condé Nast đã trao cho Anna vị trí tổng biên tập của tạp chí Britist Vogue vào năm 1986.
Ngay khi tiếp quản tạp chí, Anna đã bắt tay vào tái thiết kế hoàn toàn tạp chí, từ trong ra ngoài. Bà biến nó trở nên thích hợp hơn với nhiều lứa tuổi đối tượng. Trong buổi phỏng vấn với London Daily Telegraph, bà đã giải thích lý do tại sao lại có sự thay đổi đột ngột như vậy: “Ngày nay có một mẫu phụ nữ thế hệ mói. Họ thích kinh doanh và tiền bạc. Họ không có thời gian để đi lòng vòng mà mua sắm nữa. Họ vần phải biết được họ sẽ mua cái gì, tại sao, ở đâu và như thế nào.”
Chỉ sau 18 tháng làm việc tại Anh, Condé Nast đã đưa Anna quay trở lại New York để làm mới lại một tạp chí khác của công ty có tên Home and Garden.
Ngay lập tức, Anna thay đổi tên công ty thành HG và từ chối khoảng 2 triệu USD tiền ảnh cũng như các bài báo mà công ty đã chấp nhận chi trả trước đó và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Bà thay nhưng bức hình chụp không gian phòng ở xinh đẹp được bài trí cẩn thận bằng những bức ảnh về người nổi tiếng trong không gian xa hoa lộng lẫy của họ.
Những điều này đã làm dấy lên cuộc nổi loạn trong giới theo dõi và phê bình, họ đều cảm thấy tạp chí đã không còn ở trong hình hài và bản chất vốn có của nó nữa, họ ép công ty phải trả lại số tiền mà họ đã trả để theo dõi các tạp chí của công ty.
Sự nghiệp của Anna Wintour không kết thúc tại đây, khi mà chủ tịch Condé Nast quyết định một tương lai mới dành cho bà. Bà sẽ thay thế Grace Mirabella, người đã giữ vị trí đó trong 17 năm, và Anna trở thành tổng biên tập mới của tạp chí Vogue.
Ở tuổi 38, Anna đã dành được vị trí mà bà mơ ước trong rất nhiều năm. Bìa tạp chí ra mắt đầu tiên của Anna là hình ảnh một người mẫu trẻ trong trang phục đắt tiền, áo mũ 10.000 USD và quần jean 50 USD.
Tạp chí đó là đánh dấu lần đầu tiên bà hoà trộn và phối hợp giữa những mảng thời trang khác nhau cao cấp, tạo ra một kỷ nguyên mới cho chính Vogue. Bà thậm chí còn mạnh tay và táo bạo đưa người nổi tiếng lên trang bìa của Vogue thay vì ảnh các siêu mẫu, bởi lẽ bà cho rằng, sự nổi tiếng, quyền lực và thời trang luôn phối hợp hoàn hảo.
Vogue được dẫn dắt bởi Wintour đã trở nên không chỉ đơn thuần là một tạp chí thời trang và còn trở thành một nhãn hiệu. Nó quảng cáo, kinh doanh và bồi đắp cho tên tuổi của các hãng thời trang nổi tiếng.
Anna tham gia vào tất cả các lĩnh vực đó của tờ tạp chí. Bên cạnh nhiệm vụ tổng biên tập Vogue, bà còn chịu trách nhiệm cho Teen Vogue, Men’s Vogue và Vogue Living. Tuy nhiên sau chỉ một năm, doanh thu của Men’s Vogue đã giảm một mức thảm hại 1 triệu USD vào năm 2008, tiếp đó là những chán ngán dành cho tờ Vogue Living.
Chỉ có Teen Vogue là sống sót khoẻ mạnh trong công cuộc mở rộng nhãn hiệu đầy nguy hiểm này. Thay vì bị chỉ trích vì điều đó, Anna lại được ca ngợi vì tính “dám” của bà. Với bà, thất bại là mẹ thành công, ít nhất bà học hỏi được điều gì đó từ những vấp ngã của bản thân và sẽ áp dụng kinh nghiệm đó cho những cuộc phiêu lưu mới.
Mỗi năm Wintour đều tổ chức một sự kiện gây quỹ từ thiện tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan New York , thu về hơn 50 triệu USD. Tính cả Đêm hội thời trang, khuyến khích khách hàng mua bán quanh đó và hỗ trợ ngành công nghiệp thời trang, cũng được chủ trì bởi Vogue.
Năm 2012, Vogue cùng với Scarlett Johansson đã tổ chức sự kiện gây quỹ có tên “Runway to Win” dành cho tổng thống Barack Obama, thể hiện những phong cách trong giới thượng nghị sỹ được sáng tạo bởi DVF, Tory Burch, và nhiều tên tuổi khác.
Với những nhà thiết kế mới, bà được gọi là “bà tiên”, bởi lẽ bà đã giúp quảng bá sự nghiệp của Alexander McQueen và Marc Jacobs. Bà cũng trở thành người quan trọng được xuất hiện và phát biểu tại nhiều buổi trình diễn thời trang
Không chỉ nổi tiếng gắn liền với Vogue, mà Anna còn rất có ảnh hưởng trong ngành công nghiệp thời trang. Trong nhiều năm bà đã đưa ra nhiều lời khuyên cho mọi người, mặc gì, khi nào mặc, mặc như thế nào.
Những người nổi tiếng như Oprah Winfrey luôn hỏi ý kiến bà về cách giảm cân trước khi xuất hiện trên một trang của Vogue. Thậm chí bộ phim Yêu nữ xài hàng hiệu (The Devil Wears prada) cũng là câu chuyện mô phỏng nhân vật của bà.
Giờ đây tài sản của Anna đã lên tới 35 triệu USD. Tuy Vogue không phải là sở hữu riêng của Anna nhưng bà đã thực sự gây dựng được một đế chế Vogue mang phong cách của riêng mình trong làng thời trang thế giới.