Thứ Bảy, Ngày 14 Tháng 9 Năm 2024

Những ngã rẽ bất ngờ của nữ CEO ngân hàng

Thứ Sáu, 10/01/2014 10:17
Bà Đàm Bích Thủy đến với ngành ngân hàng một cách ngẫu nhiên. Và việc rời vị trí quyền lực của một nhà băng nước ngoài đến với “ghế nóng” tại Ngân hàng VIB cũng rất bất ngờ.

 Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, bà Đàm Bích Thủy được vào công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước – một nơi mà nhiều người mơ ước thời đó. Thế nhưng, làm việc ở đây một thời gian, bà Thủy quyết định cùng bạn bè thành lập công ty tư vấn Invest Consult.

Bố mẹ bà Thủy lúc đó rất lo lắng bởi không muốn con mình bỏ một nơi ổn định, được mọi người đánh giá cao để thành lập một công ty tư nhân – điều mà rất ít người làm và bấp bênh về tương lai. Khi Invest Consult đang thành công với nhiều khách hàng là các công ty nước ngoài lớn của thế giới thì bà Thủy lại đột ngột rẽ ngang.

Bà tâm sự trong một buổi phỏng vấn: “Cuối những năm 80, chúng tôi tư vấn nhiều ý tưởng hay cho các dự án đầu tư, nhưng lại không tìm được nguồn tiền để thực hiện. Cũng vì thế, tôi nảy ra ý định là mình nên tìm hiểu làm thế nào để huy động tài chính cho những ý tưởng đó và rời bỏ ngành tư vấn, đi học ngân hàng tài chính”. Chia sẻ về quyết định này, bà Đàm Bích Thủy cho rằng nó “mang tính ngẫu nhiên” và với lý do “rất trẻ con”.

Những ngã rẽ bất ngờ của nữ CEO ngân hàng
Cựu CEO của Ngân hàng Quốc tế. 

Rời InvestConsult để học MBA tại Wharton Business School (Mỹ) – một trong những trường kinh doanh tốt nhất thuộc hệ thống Ivy League, bà Đàm Bích Thủy trở lại thời sinh viên với các trải nghiệm mới.

Không phải là sinh viên chúi đầu vào những quyển sách, bà Đàm Bích Thủy học được nhiều nhất là từ những người bạn cùng trường ở cách trình bày, phát hiện, giải quyết vấn đề… Hầu hết trong số họ đều là những người có kinh nghiệm làm trong ngành tài chính trước khi tham gia khóa học.

Tốt nghiệp Wharton, dự định của bà Thủy là quay trở lại Phố Wall ngay khi hết thời hạn phải rời nước Mỹ của học bổng (2 năm). Thế nhưng, công việc ngân hàng đầu tư tại Singapore lại khiến bà gắn bó tới 10 năm và không còn nhớ đến Phố Wall nữa.

 

Kể từ khi học ở Mỹ, rồi làm việc tại Singapore tại ngân hàng ANZ, bà Thủy ít khi nghĩ mình sẽ về Việt Nam và làm một công việc khác. Thế nhưng, Việt Nam chính là điểm tới tiếp theo của người phụ nữ này, với công việc về ngân hàng bán lẻ, khác rất nhiều so với nghiệp vụ về ngân hàng đầu tư mà bà Thủy đã làm trong 10 năm.

Trong thời gian làm việc tại Singapore, duyên nợ đặc biệt của người phụ nữ này với Việt Nam là dự án Phú Mỹ 2.2 – BOT đầu tiên của Việt Nam được thực hiện từ huy động tài chính cho tới cấu trúc theo đúng chuẩn mực quốc tế. Đây cũng là một dự án vận hành rất thành công sau này.

Về Việt Nam, vẫn làm việc tại ANZ với đủ thứ việc con mọn, nhà băng mà bà Thủy làm lúc đó chỉ có 100 người và không có nhiều tiếng tăm so với các “ông lớn” như HSBC và Citibank. Thế nhưng, chỉ sau vài năm, ANZ đã vươn lên trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu với số lượng nhân viên tới 1.300 người và bà Thủy trở thành Tổng giám đốc của ANZ khu vực Đông Dương – nữ lãnh đạo người Việt có vị trí cao nhất trong các doanh nghiệp xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

Chưa từng nghĩ sẽ về Việt Nam làm ngân hàng, bà Thủy cũng không tính tới việc được mời điều hành một nhà băng nội địa với môi trường khác hoàn toàn tại ANZ. Thế nhưng, đầu năm 2013, người ta thấy người phụ nữ quyền lực của ANZ tại Ngân hàng cổ phần Quốc tế (VIB) - một trong những nhà băng thay CEO khá nhiều. Làm việc tại VIB, bà Thủy có khoảng thời gian 4 tháng điều hành nhưng chưa chính thức bổ nhiệm mà người nắm quyền tạm thời là ông Lê Quang Trung – Phó tổng giám đốc.

Trong buổi gặp mặt báo chí giới thiệu lãnh đạo mới của VIB, khi được hỏi về thách thức trong việc điều hành một ngân hàng thay CEO liên tục, bà Thủy nói: “Mình không bàn về những vấn đề trước đây vì mới về và đang bận với những nhiệm vụ cụ thể trong đầu. Điều quan trọng là đóng góp tốt cho sự phát triển của VIB, truyền lửa cho đội ngũ nhân viên. Mình có một số việc muốn làm và cần thời gian để thực hiện”.

CEO của VIB chia sẻ: “Bây giờ thì cũng chưa nói trước điều gì nhưng nếu mình có tư duy nhiệm kỳ thì tốt nhất là không nên về ngân hàng Việt Nam mà ở nước ngoài tốt hơn”. Tuy nhiên, người phụ nữ này không ở lại VIB lâu, chỉ sau khoảng hơn 3 tháng nắm quyền chính thức, nhà băng công bố bà Thủy rời khỏi chức CEO, chỉ tham gia các công việc của Hội đồng quản trị.

Và một thời gian ngắn tiếp theo, bà Thủy rời hẳn nhà băng nội địa đầu tiên mà mình điều hành; người thay thế là ông Hàn Ngọc Vũ – trước đây cũng là CEO và có thời điểm là Chủ tịch của VIB. Chủ tịch của VIB hiện tại là ông chủ thực sự và là cổ đông lớn nhất - ông Đặng Khắc Vỹ.

Trước khi bà Thủy rời VIB, một số chuyên gia ngân hàng đã dự đoán về những khó khăn khi người điều hành quen với hệ thống chuẩn mực của quốc tế còn nhà băng Việt Nam thì có những thông lệ riêng. Chủ tịch HĐQT một nhà băng có trụ sở chính tại TPHCM cho biết: “Tại Việt Nam, CEO rất khó là người có quyền lực thực sự trong điều hành mà bị ảnh hưởng quá nhiều bởi HĐQT. Trừ khi họ là cổ đông lớn, còn lại quyền điều hành bị giới hạn nhiều nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm nên rất khó cho những người có cá tính mạnh”.

Theo ông này, hiện ở Việt Nam chỉ còn 1 CEO ngân hàng có quyền lực thực sự và không phải là cổ đông lớn; 2 người khác thì một “gặp nạn”, còn một không còn làm kinh doanh. Còn trước khi sang VIB, bà Thủy chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Các bước ngoặt liên quan đến nghề nghiệp của tôi đều hoàn toàn không nằm trong dự tính trước. Tôi nghĩ rằng đừng cố gắng hoạch định cái gì quá dài, có nhiều lối rẽ thú vị mà mình cần đưa ra đánh giá và quyết định tại thời điểm đó”. Phải chăng lối rẽ tiếp theo từ một nhà băng trong nước sẽ thú vị hơn cho nữ “banker” này?

Theo Soha

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân