Thứ Tư, Ngày 8 Tháng 1 Năm 2025

Bí quyết của bà Khanh

Thứ Hai, 23/12/2013 09:16
15 năm trước, một xí nghiệp chế biến cá basa nhỏ được thành lập tại Đồng Tháp để gia công cho các công ty xuất khẩu thủy sản vốn bắt đầu manh nha phát triển lúc đó. Ít ai ngờ rằng xí nghiệp đó 15 năm sau đã trở thành công ty lớn nhất nhì ngành thủy sản Việt Nam. Còn bà chủ của nó cũng là doanh nhân giàu có số 1 trong ngành (tính đến tháng 10/2013). Đó là câu chuyện của Vĩnh Hoàn và nữ Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh.

 Cuối tháng 10/2010, khi Bộ Thương mại Mỹ vừa ra quyết định đánh thuế chống bán phá giá lên doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam, trong đó Vĩnh Hoàn thuộc diện phải chịu mức thuế cao nhất, chúng tôi đã có dịp tiếp chuyện với bà Lệ Khanh tại văn phòng Vĩnh Hoàn ở TP.HCM.

Ấn tượng đầu tiên về bà Chủ tịch là một người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và khá thận trọng. Sinh ra và lớn lên tại An Giang, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế, bà Khanh vào làm việc ở Sở Tài chính An Giang.

 

Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn

 

Chỉ 3 năm sau, bà được cử làm Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Đến năm 1997, sau khi giữ nhiều chức vụ quan trọng tại những đơn vị khác nhau, bà ra riêng thành lập Vĩnh Hoàn.

 

Chuỗi khép kín mang tên Vĩnh Hoàn

Việt Nam không thiếu những nữ lãnh đạo doanh nghiệp tài giỏi. Có thể kể ra ngay những nhân vật nổi tiếng như Mai Kiều Liên (Vinamilk), Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang), Nguyễn Thị Mai Thanh (Cơ điện lạnh REE) hay Cao Thị Ngọc Dung (PNJ). Các doanh nghiệp mà họ lèo lái đều đứng trong tốp đầu ở lĩnh vực họ tham gia và được nhìn nhận là những doanh nghiệp làm ăn căn cơ.

Họ đều gặp nhau ở điểm chung là những người quyết đoán và có suy nghĩ cấp tiến. Đơn cử như Vinamilk, vị thế vững chắc như ngày hôm nay có đóng góp không nhỏ của bà Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên.

Chính bà chứ không ai khác là người ra những quyết định quan trọng và kịp thời như đầu tư vùng nguyên liệu sữa từ rất sớm (đầu những năm 1990), tiến hành tái cấu trúc Vinamilk (2003), đưa Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam (2006), hay như quyết định đầu tư và ngừng đầu tư trong lĩnh vực bia, cà phê (giai đoạn 2005-2010).

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Mai Thanh của REE cũng là mẫu phụ nữ luôn đi tiên phong để được thử thách và thay đổi bản thân. Dưới sự dẫn dắt của bà Thanh, REE đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá trở thành công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và REE ngày nay trở thành thương hiệu trị giá hàng trăm triệu USD.

Đặc biệt, với 639 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế đạt được trong 6 tháng đầu năm nay, REE coi như đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013 vì đã đạt đến 98,5% kế hoạch.

Chiến lược của Vĩnh Hoàn cũng vậy, mang đậm phong cách lãnh đạo quyết đoán của nữ thuyền trưởng Trương Thị Lệ Khanh.

Bắt đầu hoạt động một thời gian ngắn, nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng lớn, chất lượng phải được nâng cao và đòi hỏi phải chuyên nghiệp trong sản xuất mới mong có lợi nhuận, Vĩnh Hoàn nghĩ ngay đến việc nâng cấp dây chuyền sản xuất, đầu tư vùng nguyên liệu và nghiên cứu phương án tận dụng nguyên liệu thừa sau chế biến như xương hay đầu cá.

Thành lập xí nghiệp mới được 2 năm, bà Khanh đã nhanh chóng xây dựng thêm nhà máy sản xuất chế biến cá tra tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đến năm 2005, Công ty bắt đầu cải tiến và nâng cấp nhà máy với hệ thống băng chuyền tự động hoàn toàn mới để tiết giảm chi phí sản xuất.

Cũng trong thời điểm này, cá tra của Vĩnh Hoàn đã được nghiên cứu chế biến thành nhiều loại thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, ý tưởng được xem là tiên phong lúc bấy giờ.

Năm 2006, Vĩnh Hoàn bắt đầu đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu với 2 vùng nuôi rộng lớn ở Tân Thuận Tây và Tân Hòa (Đồng Tháp). Ngoài ra, Vĩnh Hoàn còn đầu tư đất cho doanh nghiệp khác thuê ao nuôi cá, sau đó Công ty thu mua lại với giá thị trường.

Đây là chiến thuật khá thông minh, giúp Vĩnh Hoàn vừa có nguồn thu từ việc cho thuê đất, lại vừa đảm bảo được nguồn cá nguyên liệu mà không phải chấp nhận rủi ro tự đầu tư nuôi cá, vốn không phải là thế mạnh của họ.

Thời điểm này cũng là lúc Công ty ghi nhận bước phát triển vượt bậc khi Mỹ giảm mức thuế chống bán phá giá từ 37,84% xuống còn 6,81%. Trước tốc độ tăng trưởng nhanh của thị trường, Vĩnh Hoàn nhanh chóng khánh thành nhà máy sản xuất thứ hai ở tỉnh Đồng Tháp và xúc tiến thành lập Công ty Vĩnh Hoàn tại bang California (Mỹ).

Một chuyên gia trong ngành thủy sản nhận xét việc bà Khanh quyết định thành lập công ty tại Mỹ đã giúp Vĩnh Hoàn giảm được tối đa chi phí trung gian, qua đó tăng lợi nhuận. Văn phòng tại Mỹ đóng vai trò là nhà đại diện trong các giao dịch và chủ động nhập khẩu sản phẩm của Vĩnh Hoàn tại Việt Nam để phân phối lại cho đơn vị khác.

Vĩnh Hoàn chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2007. Lúc này, số vốn của Công ty đã là 300 tỉ đồng, gấp 1.000 lần so với con số 300 triệu đồng ngày mới thành lập.

Nếu như trong giai đoạn 2006-2008, Vĩnh Hoàn mới đứng ở vị trí thứ ba Việt Nam về xuất khẩu cá tra, cá basa thì đến năm 2009, họ đã nhảy lên vị trí thứ nhì và vươn lên dẫn đầu kể từ năm 2010 cho đến nay.

Khi được hỏi về bí quyết, bà Khanh cho biết tất cả chỉ gói gọn trong 3 chữ “chuỗi khép kín”.

Năm 2008, sau quá trình nghiên cứu và nhận thấy chi phí thức ăn cho cá đã chiếm đến 70% giá thành sản phẩm, Vĩnh Hoàn quyết định bỏ ra 26 tỉ đồng để thành lập Công ty Cổ phần Thức ăn Thủy sản Vĩnh Hoàn 1.

Đơn vị con này đã giúp Vĩnh Hoàn giải quyết được 2 bài toán: đầu tiên là cho phép Công ty chủ động được nguồn thức ăn trong nuôi trồng, kế đến là tận dụng những phụ phẩm từ quá trình sản xuất như xương, đầu hay đuôi cá để chế biến lại thành thức ăn cho cá. Thậm chí, nhà máy này cũng đã xuất khẩu sản phẩm sang một số nước ở khu vực châu Á.

Theo bà Khanh, do đã xây dựng được vùng nguyên liệu có khả năng đáp ứng đến 70% nhu cầu chế biến xuất khẩu, đồng thời tổ chức được một mô hình khép kín từ nhà máy chế biến thức ăn, vùng nuôi cho đến nhà máy chế biến sản phẩm nên Vĩnh Hoàn không bị động khi nguyên liệu tăng giá ngoài thị trường.

Bằng chứng là trong giai đoạn 2009-2010, trong khi một số doanh nghiệp cá tra đầu ngành khác bị suy giảm do những tác động của thị trường cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu, Vĩnh Hoàn luôn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20%.

Hiện nay, thị trường EU và Mỹ đang chiếm đến 76% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn. Công ty cũng chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ và 8% cá tra xuất sang châu Âu. Có thể nói Vĩnh Hoàn đã làm chủ và chiếm lĩnh được thị trường Mỹ.

Chuỗi khép kín cũng là mô hình mà Công ty Cổ phần Hùng Vương, một doanh nghiệp thủy sản lớn khác đang theo đuổi. Ra đời sau Vĩnh Hoàn, nhưng Hùng Vương cũng nhanh chóng nhận ra nhu cầu phải mở rộng tích hợp theo chuỗi chiều sâu để đảm bảo tính bền vững cho doanh nghiệp.

 

Vĩnh Hoàn tăng trưởng đều đặn, bất chấp khó khăn thị trường - Nguồn: Báo cáo tài chính Vĩnh Hoàn

Năm 2010 cho đến nay là giai đoạn chệch choạc của ngành thủy sản Việt Nam. Điển hình là sự xuống dốc của tên tuổi lớn như Bianfishco do đầu tư dàn trải.

 

Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành có xu hướng co cụm thì Hùng Vương bắt đầu len lỏi vào những lĩnh vực phụ trợ, sớm xâu chuỗi các đơn vị hỗ trợ cho năng lực lõi của mình.

Gặp khó về đầu ra, Hùng Vương đi mua lại Agifish An Giang. Bị động nguồn thức ăn cho cá tôm, họ mua lại Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng.

Trở ngại về giống thì họ lập Viện giống. Bên cạnh đó, Hùng Vương cũng chủ động đầu tư 2 nhà máy chế biến thức ăn Hùng Vương Tây Nam và Hùng Vương Vĩnh Long để tiến tới giành lại thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước.

Nhờ chiến lược thích hợp, nên dù sinh sau đẻ muộn nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp thuộc Hùng Vương hiện đã chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Tây Âu và Nga.

Thử thách mới cho nữ thuyền trưởng

Năm 2012, dù doanh thu hơn 4.300 tỉ đồng nhưng lợi nhuận của Vĩnh Hoàn lại có sự sụt giảm so với một năm trước đó. Theo lý giải của Công ty, do năm 2011 là giai đoạn tăng trưởng vượt bậc của Vĩnh Hoàn và mức lợi nhuận 210 tỉ đồng năm vừa rồi vẫn là khá tốt so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Tuy nhiên, thực tế xuất khẩu thủy sản vốn là lĩnh vực khó đem lại tỉ suất lợi nhuận cao, trừ phi doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển những sản phẩm đem lại giá trị gia tăng.

Đối với ngành thủy sản, từ lâu collagen là niềm hy vọng nhưng cũng là nỗi ác mộng đối với không ít doanh nghiệp. Mặc dù việc sản xuất collagen từ phụ phẩm cá tra có thể giúp tối ưu hóa giá trị, gia tăng doanh thu và lợi nhuận bởi giá trị xuất khẩu của sản phẩm này cao gấp 8-10 lần so với nguyên liệu cá thông thường, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nắm bắt được cơ hội này.

Bài học nhãn tiền từ Bianfishco với những khoản đầu tư tràn lan, trong đó có 1 nhà máy sản xuất nước uống collagen với trang thiết bị nhập ngoại về để không đã là hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty cùng ngành.

Ngay cả Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cá tra, cá basa đã có hơn 6 năm nghiên cứu về collagen cũng chỉ mới chào bán một số nguyên liệu collagen. Tuy khó khăn là vậy, nhưng nữ thuyền trưởng của Vĩnh Hoàn vẫn tỏ ra khá tự tin khi đề cập đến những khoản đầu tư mới của Công ty.

“Với tính cách của một lãnh đạo doanh nghiệp nữ, tôi rất dè dặt trong việc xây dựng kế hoạch mở rộng và phát triển kinh doanh của công ty. Nhưng trong môi trường đầu tư hết sức thuận lợi như hiện nay của tỉnh Đồng Tháp, tôi không muốn đánh mất cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Vĩnh Hoàn đã thông qua nghị quyết xây dựng 4 dự án gồm 2 nhà máy gạo, 1 nhà máy chiết xuất collagen và 1 nhà máy chế biến thủy sản mới”, bà Khanh phát biểu trong một lần làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

Đúng như lời hứa, hồi đầu năm nay, Vĩnh Hoàn đã đầu tư hơn 420 tỉ đồng để thành lập Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Collagen 5 sản xuất chế biến collagen cung cấp cho ngành mỹ phẩm và thực phẩm.

Nhà máy này sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn phụ phẩm từ cá tra và sản xuất 1.000 tấn thành phẩm collagen/năm từ da cá tra. Theo báo cáo tài chính của Công ty, lợi nhuận ròng từ collagen dự kiến đạt 35 tỉ đồng trong năm 2014, 49 tỉ đồng trong năm 2015 và 118 tỉ đồng năm 2016.

Nếu như collagen được xem là sẽ đem lại giá trị gia tăng cho Vĩnh Hoàn thì quyết định nhảy vào ngành gạo của họ rõ ràng là một thử thách mới.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp Đồng Tháp cho biết Vĩnh Hoàn là một trong số những doanh nghiệp đầu tư mạnh vào sản xuất lúa gạo của tỉnh. Công ty của bà Khanh vừa mới xuất khẩu vài chục tấn gạo đồ chất lượng cao sang thị trường nước ngoài.

Hiện nay, gạo đồ (loại gạo được chế biến từ lúa tươi, giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao hơn từ lúa đã phơi khô) là một trong những giống gạo có giá trị gia tăng cao và nhu cầu tiêu thụ trên thế giới cũng rất lớn.

Cũng theo ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc công ty Vinh Phát (Công ty xuất khẩu gạo đồ) tại một số quốc gia, xu hướng sử dụng gạo đồ thay cho gạo trắng đang tăng lên.

Thị trường Trung Đông sử dụng 80-90% là gạo đồ. Người Nam Phi, nhất là những vùng dân cư có thu nhập cao đang có xu hướng chuyển sang dùng gạo đồ ngày càng nhiều.

Bắt đầu được xuất khẩu từ cuối năm 2010, gạo đồ đã cho thấy là loại gạo có giá trị kinh tế cao với mức giá xuất khẩu thường cao hơn gạo trắng rất nhiều, trung bình từ 30-50 USD/tấn.

Những bước chân đầu tiên của Vĩnh Hoàn vào ngành gạo là khá bài bản, theo nhận xét của ông Hùng, Sở Nông nghiệp Đồng Tháp. Vì chưa biết nhiều về ngành gạo, bà Khanh bỏ tiền thuê chuyên gia nước ngoài nghiên cứu thị trường, nghiên cứu chất lượng gạo rồi mới tính đến phương án xây nhà máy.

Hiện mới có 2 nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo đồ đạt chuẩn ở Lấp Vò (Đồng Tháp), Vĩnh Hoàn cũng đã sớm tính đến phương án triển khai mô hình canh tác khép kín sản phẩm gạo.

Dự tính đến năm 2015, Công ty sẽ tiếp tục triển khai vùng 24 ha đất để làm khu liên hợp về gạo. Khu vực này sẽ đặt cơ sở từ nghiên cứu giống lúa cho đến nhà máy sấy, xay xát, chế biến và công ty xuất khẩu gạo riêng của Vĩnh Hoàn.

Thời điểm Vĩnh Hoàn xây dựng 2 nhà máy gạo trên cũng là lúc Bộ Công Thương siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu gạo. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có nhà xưởng rộng với sức chứa lớn, đầu tư máy móc hiện đại nên kéo theo tổng vốn đầu tư không hề nhỏ.

Khó khăn của người này là cơ hội của người khác, trong khi nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thể tiếp tục tham gia thì Vĩnh Hoàn, với tiềm lực tài chính, đã quyết tâm lấn sân sang mảng này vì thấy được tiềm năng lớn.

Trong suốt 15 năm dựng nghiệp, đây là lần đầu tiên bà Khanh bước chân ra khỏi “vùng an toàn” của mình là thủy sản. Chưa ai nói trước được gạo sẽ mang về vinh quang hay trở thành gánh nặng cho Vĩnh Hoàn, chỉ biết rằng tháng 5 vừa qua, nhận thấy tình hình kinh doanh khởi sắc, Vĩnh Hoàn đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và nâng mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay từ 150 tỉ lên 210 tỉ đồng.

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân