* Nhưng khởi sự công việc ở tuổi 60, lại vào thời điểm kinh tế còn nhiều khó khăn nên kinh doanh cũng gặp không ít trở ngại. Nếu được chọn lại, bà có thay đổi ý định đầu tư resort không?
- Tôi sang Thụy Sỹ du học vào năm 1966. Những năm đất nước chưa mở cửa, mỗi lần đến Thái Lan, bay ngang bờ biển Việt Nam, từ trên cao nhìn xuống, tôi xúc động rơi nước mắt. Bởi nơi đó không chỉ là nơi tôi sinh ra, có nhiều kỷ niệm tuổi ấu thơ mà còn có cha mẹ tôi đang ngày đêm mong chờ tôi trở về.
Năm 1991, nghe tin Việt Nam mở cửa, nỗi nhớ quê hương trong tôi càng trỗi dậy mãnh liệt. Vì vậy, không chút chần chừ, tôi quyết định khăn gói về Việt Nam.
Phải nói rằng, những năm mới mở cửa, Việt Nam còn nghèo, cơ sở vật chất thiếu thốn, hạ tầng cơ sở còn lạc hậu. Nhất là ở Mũi Né, nhiều nơi còn rất hoang sơ. Phải đối mặt với cuộc sống nhiều thiếu thốn, nhất là đi lại khó khăn, chồng con và bạn bè tôi ở Thụy Sỹ đoán chắc tôi sẽ sớm quay lại Thụy Sỹ.
Nhưng không. Dẫu cuộc sống, công việc không dễ dàng như mong muốn nhưng tôi chưa từng nản chí, nếu cho làm lại, tôi vẫn sẽ làm vậy. Bởi chỉ ở quê nhà tôi mới cảm nhận được sự mộc mạc, ấm cúng của con người, của phong cách, tâm hồn Việt mà hơn ba mươi năm qua, dù đi nhiều nước trên thế giới, tôi vẫn không tìm thấy được.
Nhiều người cũng hỏi, tại sao tôi lại làm resort trong khi có nhiều cơ hội kinh doanh, kiếm tiền khác ở Việt Nam. Tôi trả lời: "Ở tuổi ngoài 60, tôi không có nhu cầu đua chen làm giàu. Tôi làm việc để thấy mình còn có ích cho mọi người và xã hội, muốn đóng góp chút tấm lòng của người con đi xa với đất nước".
Tuy nhiên, khi chọn đầu tư vào resort, tôi cũng nhận thấy tiềm năng phát triển ở lĩnh vực này rất tốt, bản thân tôi cũng thích sống với thiên nhiên. Từng đến Bali, Phuket, tôi thấy lượng khách du lịch đến đây rất đông, doanh thu hằng năm đến hàng tỷ USD. Việt Nam cũng có bãi biển đẹp, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, thậm chí đẹp hơn họ nhiều, vậy tại sao mình lại không làm gì?
* Tiềm năng đã rõ nhưng nhìn lại thực tế và so với các nước, du lịch Việt Nam vẫn còn bị bỏ lại khá xa phía sau. Một chủ đầu tư như bà thường phải đối mặt với vấn đề gì trong thực tế?
- Muốn phát triển ngành du lịch phải có sự quan tâm quy hoạch của Nhà nước, đặc biệt là sự hỗ trợ về hạ tầng, an ninh và môi trường. Vì hiện nay, Mũi Né cũng như nhiều nơi khác ở miền Trung, đang rơi vào tình trạng mất vệ sinh nên khách du lịch rất sợ.
Song, trở ngại lớn nhất là đường đi từ TP.HCM ra Phan Thiết tuy chỉ có 180km nhưng phải mất 5 - 6 tiếng đồng hồ nên chưa thu hút nhiều du khách. Cũng chính vì vậy mà nhiều resort vắng khách đã phải giảm dịch vụ, mà dịch vụ không tốt thì khách lại không đến. Cái vòng luẩn quẩn đó đến nay vẫn là điều nan giải.
* Còn nguyên nhân chủ quan...
- Đầu tư resort là lĩnh vực rất vất vả, không chỉ vốn lớn, thu hồi chậm, mà còn phải đối đầu với rất nhiều khó khăn không thể lường trước từ lúc xây dựng đến khi đi vào hoạt động. Chẳng hạn, chỉ tính riêng việc xây dựng, tôi đã phải chỉnh sửa, đập đi làm lại không biết bao nhiêu lần, do kỹ thuật, tay nghề của người thợ Việt Nam còn hạn chế, không hiểu được ý tưởng của mình để thiết kế.
Khi hoạt động thì nhân viên chưa chuyên nghiệp, không biết ngoại ngữ, kỹ năng kém. Song, khó nhất là các chủ đầu tư resort không có sự liên kết, nhiều doanh nghiệp chỉ bỏ vốn đầu tư nhưng không am hiểu ngành này, thuê người quản lý không có chuyên môn, không theo chuẩn quốc tế nên chưa tạo được dịch vụ tốt; hoạt động resort ở khu vực này lại đa phần tự phát, vì vậy làm ảnh hưởng chung đến thương hiệu nghỉ dưỡng của Mũi Né.
Đã vậy, kinh tế những năm qua khủng hoảng nên lượng khách cũng giảm, nhân viên mình đào tạo xong cũng dễ nhảy việc...
Bây giờ đã 70 tuổi rồi, phải chèo chống kinh doanh, lo cuộc sống cho hàng chục con người, nhiều khi cũng lo lắng lắm, nhưng tôi không nản lòng đâu. Tôi nghĩ, ngay cả màu đen cũng có nhiều gam màu khác nhau, khi mình có cái nhìn tiêu cực thì cái gì cũng đi xuống, còn khi nhìn tích cực thì cái gì cũng tốt lên.
* Vậy niềm vui lớn nhất bà tìm thấy ở công việc hiện nay là gì?
- Mỗi sáng thức dậy, cùng nhân viên lo bữa ăn sáng, sắp đặt bàn cho khách, tôi thấy mình đang trở lại thời thơ ấu cũng thức dậy sớm, chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình. Niềm vui của tôi bây giờ là mang lại niềm vui cho người khác. Cũng nhờ công việc, tôi thấy mình năng động hơn, khỏe hơn.
Hằng ngày làm việc với nhân viên, hòa vào những câu chuyện, tiếng cười hồn nhiên, mộc mạc của các em, tôi thấy cuộc sống thật trẻ trung, dung dị và yên lành. Song, niềm vui lớn nhất là tôi đã tạo được công ăn việc làm, giúp được vài chục gia đình ở đây có cuộc sống ổn định. Nhiều nhân viên đã coi tôi như một người mẹ, luôn bao bọc, chở che cho chúng.
* Một chủ đầu tư cho rằng, khó nhất khi làm resort là sự khác biệt, bởi hiện nay có rất nhiều resort na ná nhau, không có bản sắc riêng và bị pha tạp. Bà đã tạo cho Takalau sự khác biệt như thế nào, thưa bà?
- Tôi cũng là dân tay ngang, học ngành tài chính ngân hàng, có kinh nghiệm trong ngành chứng khoán nhưng lại làm resort. Tuy nhiên, nhờ đam mê kết hợp với sự tìm tòi, nhặt nhạnh những cái đẹp, cái hay ở khắp nơi, tôi tạo cho Takalau Residence & Resort một vẻ đẹp riêng.
Đó là sự kết hợp giữa phong cách làng quê với hiện đại, sự mộc mạc với tiện nghi, sự giản dị nhưng sang trọng. Để tạo cảm giác mới lạ cho du khách khi quay trở lại, ở mỗi căn villa chúng tôi đều có một thiết kế riêng mang phong cách khác nhau, và khác biệt lớn nhất là tất cả các phòng ở đây đều có diện tích rộng, không gian thoáng đãng, thơ mộng và riêng tư.
Song, trên hết vẫn là cung cách phục vụ, tôi nói với nhân viên: "Ở các nước cũng có rất nhiều resort nhưng du khách vẫn chọn đến Việt Nam là một điều đáng quý. Và đến Việt Nam, họ lại chọn resort của mình thì càng đáng trân trọng, nên mình càng phải phục vụ thật tốt. Trong kinh doanh nghỉ dưỡng, sự phục vụ tận tình, chất lượng dịch vụ tốt chính là yếu tố hàng đầu để giữ khách lâu dài, nó có thể khỏa lấp những khiếm khuyết khác của mình".
* Một trong những cái khó của doanh nghiệp hiện nay là nguồn nhân lực thiếu kỹ năng và chuyên môn, nhiều người cho rằng gốc rễ của vấn đề này là giáo dục, ý kiến của bà thế nào?
- Đúng là cung cách làm việc của người nước ngoài chuyên nghiệp hơn, có kỹ năng, tổ chức hơn mình rất nhiều. Nhưng đừng cho rằng họ có bề dày phát triển lâu hơn, mà do họ có nền tảng giáo dục tốt hơn.
Ở nước ngoài, ngay từ nhỏ, trẻ em đã được giáo dục về tính trách nhiệm và tự lập. Khi ra trường, các em không chỉ trưởng thành về kiến thức mà còn cả nhân cách. Trong khi đó, nền tảng giáo dục của Việt Nam vẫn còn kém, có những em làm việc với tôi đã tốt nghiệp trung học phổ thông, có bằng đại học nhưng vẫn như con nít, rất khờ khạo và non nớt.
Hiện nay, rất nhiều gia đình ở Việt Nam cho con em đi du học nước ngoài. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nên chọn trường thật kỹ, vì không phải trường đại học nào ở Mỹ cũng tốt, có những trường chỉ cần đóng tiền đủ là được. Bên cạnh đó, cũng đừng cho con nhiều tiền.
Bạn bè tôi nói, có rất nhiều du học sinh Việt Nam được cha mẹ mua biệt thự, xe hơi, cung cấp quá nhiều tiền nên không chịu học hành và số trở nên hư hỏng rất nhiều. Ngày xưa, khi đi du học, vào mùa Hè, chúng tôi vẫn phải đi làm thêm, giữ em, rửa chén bát trong nhà hàng... Có đi làm mình mới thấy quý đồng tiền và có thêm động lực để học tập, phấn đấu.
Đến bây giờ, tôi cũng vẫn giữ quan điểm đó để dạy các con và thường nói với chúng: "Một ngàn đô la với con không thấy quý, nhưng về Việt Nam, mẹ đã nuôi được bao nhiêu người. Vì vậy, để đồng tiền thực sự có giá trị và ý nghĩa, trước khi tiêu tiền, các con nên nghĩ đến những người khác".
* Bà có nhận xét gì về phụ nữ Việt Nam thời nay?
- Khi tôi còn làm ngân hàng ở Thụy Sỹ, có một nhóm nghiên cứu đầu tư ở nước ngoài tổ chức hội nghị ở Hồng Kông. Tại hội nghị, họ khuyên các nhà đầu tư khi muốn mở nhà máy ở Việt Nam thì nên tuyển phụ nữ, vì phụ nữ Việt Nam làm việc rất chăm chỉ và tiếp thu cái mới rất nhanh.
Không biết tôi có cổ hủ không, nhưng theo tôi, cũng nhờ cách giáo dục ngày xưa - "Tam tòng tứ đức" mà phụ nữ Việt Nam có được đức tính hy sinh, sự chịu đựng, biết sống quên mình vì người khác.
Tất cả điều đó đã ngấm vào máu và trở thành đức tính đặc trưng của phụ nữ Việt Nam. Chính vì vậy, dù có bận rộn với việc kinh doanh, các chị em cũng vẫn đảm việc nhà, giữ được hơi ấm và nền tảng trong gia đình.
* Xin lỗi hỏi một câu tế nhị, bà qua Việt Nam nhưng chồng con ở lại Thụy Sỹ, bà có buồn không?
- Khi tôi về Việt Nam, do công việc nên chồng và các con tôi vẫn ở Thụy Sỹ, nhưng họ cũng qua Việt Nam thường xuyên. Chồng tôi cũng rất yêu Việt Nam, thích món ăn Việt và học tiếng Việt, anh ấy còn bắt cả các con tôi đi học tiếng Việt. Mỗi lần về Việt Nam, được đứng trước biển, ông xã tôi mê lắm, bắt từng con ốc, con dã tràng để ngắm nghía.
Riêng tôi, công việc không phải lúc nào cũng bình yên, vì vậy, khi được sống với thiên nhiên, không gian thanh tịnh, mình cũng sẽ trở về với con người thật của mình, nhất là không khí biển làm cho tôi thêm chất hăng hái, không trầm cảm được.
* Tôi thấy rất nhiều sách ở đây. Bà là người sưu tập sách?
- Tôi mê sách nên đi đâu cũng mang theo sách và đọc sách bất cứ chỗ nào. Khi qua Paris, nơi có nhiều tác phẩm văn học rất hay, điểm ghé vào đầu tiên của tôi là cửa hàng sách, tôi mua hết những sách bán chạy, và nửa vali hành lý của tôi khi ở nước ngoài về toàn là sách.
Với tôi, không có gì thú vị hơn khi được chìm đắm trong những trang sách hay. Nguyên một cuốn sách chỉ cần rút ra một, hai câu mà mình ngộ ra thành triết lý sống là đủ.
Người ta phải học toán để tập cho mình có suy nghĩ logic, còn đọc sách giúp mình nhập tâm, chắt lọc kinh nghiệm của người khác, thu thập được cái mới để sáng tạo, giúp tâm hồn mình thêm phong phú, có chiều sâu. Giữa giàu có về vật chất và giàu có về tâm hồn thì theo tôi, tâm hồn giàu có là cái quý nhất.
* Vâng, xin chúc bà có thêm nhiều quyển sách hay để thật giàu có về tâm hồn. Cảm ơn bà về buổi trò chuyện rất chân tình!