Các nữ doanh nhân thuộc CLB Doanh nhân Sài Gòn nhận cúp Bông hồng vàng 2013 |
Theo bà Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch kiêm CEO VinE-Com (thuộc Tập đoàn Vingroup), thành công của các lãnh đạo nữ tại Việt Nam một phần do các kỹ năng có được sau nhiều thập kỷ chiến tranh. Khi phần lớn đàn ông nhập ngũ, phụ nữ phải đảm đương việc kinh doanh, quản lý tài sản gia đình và nuôi dạy con cái. Bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch công ty chứng khoán VNDirect cho biết các bài học này đã được duy trì tại Việt Nam, khi những bà mẹ truyền lại kinh nghiệm cho con cháu.
Dù nữ giới chỉ chiếm chưa đến 7% ghế lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam, đây vẫn là tỷ lệ cao nhì Đông Nam Á, sau Philippines. “Không như nhiều nước châu Á khác, phụ nữ Việt Nam rất được tin tưởng trao quyền lực. Đó là một phần văn hóa tại đây. Phụ nữ Việt Nam rất chăm chỉ, thông minh và tận tụy”, ông Peter Ryder – CEO Indochina Capital cho biết. Ông cũng đầu tư vào rất nhiều công ty do nữ giới lãnh đạo, như Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Sự hiện diện của lãnh đạo nữ đã cải thiện việc kinh doanh của rất nhiều công ty trên thế giới. Một báo cáo của Viện nghiên cứu Credit Suisse trên 2.360 doanh nghiệp giai đoạn 2005-2011 cho thấy những công ty có một hoặc nhiều lãnh đạo nữ có lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn trung bình. Giá trị vốn hóa của các công ty đó cũng lớn hơn. “Đây là kết quả quan trọng cho thấy cần có nhiều nữ giới đảm nhận vị trí lãnh đạo”, Deborah Gillis - CEO viện nghiên cứu cho biết.
Tại Việt Nam, niềm tin kinh doanh cũng đang được cải thiện. Chỉ số Vn-Index đã tăng 21% năm ngoái, trong khi lạm phát tháng 3 rơi xuống thấp nhất kể từ 2009. Xuất khẩu vượt dự đoán của các nhà kinh tế và Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất tái cấp vốn xuống thấp nhất 6 năm. Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực duy trì đà phục hồi kinh tế với dự đoán GDP năm nay tăng 5,8%, nhỉnh hơn 5,42% năm ngoái.
Chỉ số gồm 43 công ty Việt Nam có CEO nữ được theo dõi bởi IFRC cũng tăng 40% năm qua. Tính từ tháng 3/2009, tốc độ này là 193%, vượt mức 107% của Vn-Index. Lợi nhuận 5 năm trung bình tăng 72%. Các công ty này thuộc nhiều lĩnh vực, chủ yếu là công nghiệp và tài chính.
Theo IRFC, phụ nữ chiếm khoảng 6,27% ghế lãnh đạo tại Việt Nam. Tỷ lệ này tại Mỹ là 17% năm 2013, theo Catalyst. CEO nữ tại Việt Nam có xu hướng quyết định dựa trên sự thống nhất của nhiều người, hơn là tự quyết, theo Tổng giám đốc Mekong Capital - Chris Freund.
Bà Vũ Thị Thuận – cựu CEO hãng dược phẩm Traphaco cho biết bà luôn duy trì thói quen ăn trưa với nhân viên suốt 11 năm tại vị. Việc này đã giúp bà giữ được nhân viên kể cả khi họ có cơ hội nhận mức lương cao hơn bên ngoài. Freund cũng nhận xét lãnh đạo nữ tại Việt Nam “rất giỏi duy trì môi trường gắn kết như gia đình trong công ty”.
Dù vậy, không phải toàn bộ doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam được dẫn dắt bởi phụ nữ. Cổ phiếu Tập đoàn viễn thông – phần mềm FPT đã tăng 87% năm qua và 145% trong 5 năm gần đây. Trong khi đó, CEO tập đoàn này đều là nam giới.
“Bình đẳng giới là điều tốt, nhưng tôi không cho rằng nhà đầu tư sẽ quá quan tâm đến việc này. Kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo, thích nghi và sự cương quyết mới là những yếu tố căn bản tạo nên một lãnh đạo thành công”, Patrick Mitchell - Trưởng bộ phận khách hàng tổ chức tại công ty chứng khoán VinaSecurities cho biết.
Đưa phụ nữ vào vị trí lãnh đạo sẽ giúp quá trình ra quyết định được xem xét toàn diện hơn, Simon Andrews, giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan tại Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cho biết. “Cái này không liên quan nhiều đến những kỹ năng chỉ phụ nữ có, còn đàn ông thì không. Mà là đưa phụ nữ vào sẽ tạo ra sự đa dạng trong đội ngũ lãnh đạo”, ông nói.
Bà Mai Kiều Liên là CEO Vinamilk từ năm 1992. Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, bà cho biết lãnh đạo nữ có xu hướng thận trọng hơn nam giới, từ đó quản trị rủi ro tốt hơn. Cổ phiếu Vinamilk đã tăng liên tục 5 năm gần đây. Hiện hãng đã xuất khẩu sản phẩm sang 23 quốc gia và đặt mục tiêu doanh thu hơn 3 tỷ USD năm 2017.
Cổ phiếu Vingroup cũng tăng hơn gấp 8 kể từ năm 2009. Bà Lê Thị Thu Thủy gia nhập công ty năm 2008 và nhậm chức CEO 4 năm sau đó. Tổng giám đốc mới của Vingroup cũng là một phụ nữ - bà Dương Thị Mai Hoa.
Bà Lê Thị Thu Thủy cho biết đã lấy cảm hứng từ các lãnh đạo nữ trong thời kỳ chiến tranh. “Phụ nữ trở nên rất độc lập trong thời chiến. Họ phải làm cùng lúc nhiều việc, từ kiếm tiền, nội trợ cho đến nuôi dạy con cái. Những tấm gương như vậy sẽ cho bạn sức mạnh”, bà Thủy cho biết.