Thứ Sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Nhân sự nữ ngày càng tự tin ứng tuyển các vị trí cấp cao

Thứ Năm, 20/03/2014 12:00
VietnamWorks đã tổng hợp một số thông tin từ báo cáo Bình Đẳng Giới Toàn Cầu 2013 và báo cáo nhân lực của trang web việc làm hàng đầu VietnamWorks.com để đưa ra một số nhận định về tình hình nhân lực nữ tại Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam ngày càng tự tin ứng tuyển các vị trí cấp cao

Tại Việt Nam, theo báo cáo Bình Đẳng Giới Toàn Cầu năm 2013, có tới 26% công ty có lãnh đạo là nữ, một con số khả quan. Theo trang tuyển dụng trực tuyến hàng đầu VietnamWorks, trong vài năm gần đây, phụ nữ Việt Nam ngày càng tự tin ứng tuyển vào những vị trí lãnh đạo cấp cao trong các công ty và tổ chức. Ví dụ, so với năm 2012, số lượng ứng viên nữ nộp đơn vào các vị trí giám đốc hoặc phó giám đốc đã tăng lần lượt gấp 8 lần và gấp 6 lần trong năm 2013.

 


 

Tuy nhiên, báo cáo của VietnamWorks cho thấy vẫn chưa có sự cân bằng về giới dựa trên số lượng hồ sơ ứng tuyển. Ví dụ, số lượng hồ sơ ứng tuyển của nam giới vào các chức vụ phó giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, và giám đốc điều hành đều nhiều hơn nữ giới từ 3 đến 5 lần trong năm 2013. Điều đó cho thấy nam giới vẫn chiếm ưu thế về nguồn cung nhân lực trong các vị trí cấp cao ở Việt Nam, mặc dù tình hình đang cải thiện theo hướng cân bằng hóa cho nữ giới.

Các công ty công nghệ kĩ thuật thu hút nhân lực nữ

Về mặt ngành nghề, các nhóm ngành công nghệ kĩ thuật tiếp tục thu hút ngày càng nhiều ứng viên nữ: tăng 17% số lượng ứng viên nữ trong năm 2013 so với năm 2012. Cùng với ngành bán sỉ/bán lẻ, ngành công nghệ kĩ thuật là nhóm ngành duy nhất có tỉ lệ hồ sơ ứng viên nữ (so với số ứng viên nữ trong tất cả các ngành nghề) tăng liên tục trong tháng đầu của các năm 2012, 2013 và 2014, khi thị trường nhân lực còn đang yên ắng. Điều này cho thấy sức hút ngày càng cao của 2 ngành này đối với giới nữ. Ngành giáo dục đào tạo cũng thu hút được lượng ứng viên nữ hơn 15.18% trong năm 2013 so với năm 2012.

 


 

Về tương quan giữa nữ và nam, số lượng hồ sơ của ứng viên nữ nộp vào các công ty công nghệ kĩ thuật vẫn chỉ bằng 64% nam giới. Trong khi đó, trong các doanh nghiệp giáo dục đào tạo và tổ chức phi lợi nhuận/từ thiện, ứng viên nữ nộp đơn nhiều hơn gấp 2 lần so với ứng viên nam.

Các vị trí truyền thống dành cho nữ giới vẫn chiếm ưu thế

Mặc dù đang có ngày càng nhiều nữ giới ứng tuyển vào các công ty thuộc nhóm ngành công nghệ/kĩ thuật, vốn là “sân chơi” dành cho nam giới, nhưng các vị trí mà họ chọn cho mình vẫn nằm gói gọn trong các vị trí truyền thống cho nữ giới. Trong năm 2013, hơn 50% số lượng hồ sơ ứng tuyển của nữ ứng viên đã được gửi về các vị trí như hành chính/ thư ký, chăm sóc khách hàng và kế toán. Cụ thể, ở vị trí hành chính/thư ký, số lượng hồ sơ ứng tuyển của nữ giới gấp 5 lần nam giới; ở vị trí kế toán, số lượng hồ sơ ứng tuyển của nữ giới gấp 3 lần nam giới; và ở vị trí chăm sóc khách hàng, số lượng hồ sơ của nữ giới gần gấp đôi nam giới. Ngoài ra, trong danh sách 5 vị trí công việc thu hút ứng viên nữ nhất cũng không có vị trí nào liên quan đến kĩ thuật mà chủ yếu là các vị trí đòi hỏi các kĩ năng mềm như khả năng giao tiếp, sắp xếp và sáng tạo. 

 


 

Trong khi đó, các vị trí thu hút ứng viên nam nhiều nhất là vị trí thuộc về Công Nghệ Phần Mềm, Xây Dựng/Công trình và Sản Xuất/Quy trình. Đây là các vị trí đòi hỏi khả năng vận dụng logic và kiến thức khoa học cao. 3 vị trí này cũng chỉ thu hút 30% số lượng hồ sơ ứng tuyển của ứng viên nam, cho thấy nguồn nhân lực nam được trải rộng trên nhiều lĩnh vực hơn nhân lực nữ.  

Nhân lực ngoài khu trung tâm: Chưa cân bằng về giới tính

 


 

Về địa phương, số lượng ứng viên nữ tăng mạnh ở các địa phương có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2013 như Bắc Ninh, Bắc Giang, Biên Hòa, Hà Nam và Thanh Hóa. Ngoài ra, hai trung tâm lao động là TP HCM và Hà Nội vẫn có số lượng hồ sơ của ứng viên nữ cao nhất, chiếm đến 87% tổng số hồ sơ ứng viên nữ gửi cho các vị trí đăng tuyển trên cả nước. Trong khi đó, số liệu tương tự ở nam giới chỉ là 77%. Điều này cho thấy phụ nữ ở những tỉnh thành khác ngoài TP HCM và Hà Nội không ứng tuyển nhiều bằng phụ nữ sống tại hai thành phố này. Trong khi số lượng nữ ứng tuyển cân bằng nam giới tại TP HCM và Hà Nội thì tại các điểm nóng tuyển dụng khác như Bình Dương, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Dương, Đồng Nai, số lượng hồ sơ ứng tuyển của nam luôn gấp đôi nữ giới. Về mặt cơ hội được tuyển dụng, theo báo cáo Bình Đẳng Giới Toàn Cầu, tại Việt Nam hiện nay chỉ có 40% lao động đang được tuyển dụng trong các ngành nghề ngoài nông nghiệp là phụ nữ.

Theo VietnamWorks

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân