Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024

"Không có đường cùng, chỉ có con đường muốn đi mãi..."

Thứ Sáu, 04/07/2014 12:00
Trong đường cùng của bệnh tật, bà trở thành lương y. Trong ước mơ thoát nghèo, bà thành lập công ty với nhà máy tiêu chuẩn GMP, công suất 43 triệu tấn sản phẩm/năm. Dù không ít lần nghĩ đến cái chết nhưng bà Võ Thị Liễu đã tự thay đổi số phận của mình bằng nghị lực vươn lên và sự chân thành với cuộc đời, nghề nghiệp.

 

* Cuộc đời của bà như một cuốn phim mà mỗi lần dừng lại đều chỉ thấy cơ cực và bi kịch. Điều gì đã là động lực để bà vượt qua những biến cố đó?

 

- Tuổi thơ tôi gắn liền với cái nghèo của thôn La Bá, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Năm 1975, khi mới 6 tuổi, tôi đã theo gia đình lên vùng kinh tế mới. Như bao trẻ em khác ở vùng đất mới khai hoang, tôi đã nếm trải cái khổ, cái đói của những bữa cơm không đủ ăn và cái lạnh khi không đủ mặc. Mười một tuổi, tôi đã cùng mẹ gánh chuối, gánh khoai đi hơn 60km về đồng bằng để bán rồi mua mắm, gạo về nuôi 5 đứa em và cha khuyết tật.

Tuy lam lũ, cực khổ nhưng nhờ sáng dạ và chăm chỉ, tôi được Ban Quản lý vùng kinh tế mới cho đi học bổ túc để về xóa mù chữ cho bà con và học hộ sinh để về đỡ đẻ cho chị em trong vùng. Năm 20 tuổi, vừa sinh con được 4 tháng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM phát hiện tôi bị viêm gan siêu vi B giai đoạn cuối, sắp chuyển sang siêu vi C.

Nằm bệnh viện mà không có tiền điều trị, tôi trốn về nhà. Cùng lúc đó, cuộc hôn nhân của tôi tan vỡ, tôi ôm con về nhà cha mẹ và đi bán mì gõ nuôi con. Với gương mặt bị nám đen, đầy mụn nhọt, sần sùi, mọi người trong vùng xa lánh, chẳng ai dám đến ăn mì của tôi vì họ nói tôi bị sida.

Không còn đường mưu sinh, tôi gửi ba đứa con cho cha mẹ, lên TP.HCM xin rửa chén cho một nhà hàng từ 5 giờ chiều đến 2 giờ sáng. Tiền rửa chén lúc đó gấp ba lần đi phụ việc nên ban ngày tôi có điều kiện đến Trung tâm Ứng dụng Y học cổ truyền Chợ Lớn chữa bệnh và học nghề bốc thuốc.

Tuy chữa khỏi bệnh nhưng làn da vẫn không hết nám. Những vết mụn bị hoại tử để lại sẹo thâm tím. Tôi rất mặc cảm, thậm chí làm lương y nhưng chẳng dám nói với ai là mình đang làm lương y. Nhớ lại ngày xưa ở vùng kinh tế mới, cả 5 chị em ăn rất nhiều mủ trôm để chống đói, chẳng biết nó có công dụng gì, mà chị em tôi đều có mái tóc dày, khỏe, làn da hồng hào.

Tôi liều thử nghiệm, cào các vết sẹo mụn và lấy mủ trôm tinh chất vừa chảy ra, đắp lên vết thương. Một tuần sau nữa, thấy vết sẹo khô và vài tuần sau, da sáng lên, các vết mụn thâm hết dần. Với kiến thức 4 năm theo học Y học cổ truyền, lại được thầy truyền nghề bài bản, cộng với nghiên cứu sách vở, tôi đã biết được tính năng của mủ trôm thiên nhiên mà ngay cả người trồng trôm cũng không biết.

Tôi chợt nảy sinh ý nghĩ nghiên cứu dùng mủ trôm để làm mỹ phẩm, trước hết là tiếp tục tự chữa làn da cho mình, nếu thành công sẽ giúp được nhiều chị em mặc cảm vì có làn da xấu như mình. Và đó chính là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi.

* Bà đã đối diện với cuộc đời như thế nào trước khi ổn định cuộc sống và thành lập doanh nghiệp ăn nên làm ra như hiện nay?

- Phải nói rằng tôi có được sự nghiệp như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ tận tình của thầy tôi, lương y Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Y học cổ truyền Chợ Lớn. Ngày đó, học trò của thầy rất đông, nhưng tôi là đứa được thầy quan tâm nhất. Không những chỉ dạy tôi kỹ nhất mà thầy còn tạo điều kiện cho tôi bắt mạch, bốc thuốc, đến nỗi nhiều học viên phải "ghen tỵ”.

Thầy đã truyền cho tôi rất nhiều bài thuốc, trong đó có bài "Mát gan tiêu nhiệt độc" được tôi xem như "thuốc quý” gia truyền. Song, đã là "thuốc quý” thì ai có duyên thì gặp, tôi không quảng cáo, phô trương...

Tôi bán thuốc cũng rất rẻ, chủ yếu đủ tiền mua nguyên liệu và có chút vốn xoay xở chứ không chủ đích bán thuốc làm giàu. Vậy mà tiếng lành đồn xa, nhiều người uống thuốc thấy công dụng đến đề nghị tôi bán lại công thức, nhưng tôi không bán bởi nhớ lời thầy dặn: "Con muốn làm giàu thì đừng theo nghề thuốc, vì như vậy sẽ không có đức".

Nhiều năm làm nghề bốc thuốc và tích góp, tôi đã vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và bắt tay nghiên cứu làm mỹ phẩm từ mủ trôm. Song, việc nghiên cứu không dễ dàng. Do xuất thân là nông dân, không được tiếp cận khoa học và học hành bài bản nên tôi phải học theo sách vở, bạn bè trong ngành mỹ phẩm, học từ những người đi trước để có kiến thức và xây dựng cho mình ý thức cẩn trọng trong công việc, đảm bảo những gì tôi làm ra là hoàn toàn nghiêm túc.

Điều may mắn nhất là tôi kịp thời nghiên cứu thành công để giữ lại cây trôm, nếu không bà con ở Bình Thuận đã chặt hết rồi. Bởi trước đây khi tôi chưa chiết xuất tinh chất mủ trôm, cây trôm chỉ bán được dưới dạng nguyên liệu thô, giá bấp bênh, cuộc sống người dân không khá lên được. Từ khi tôi có được bí quyết làm mỹ phẩm từ mủ trôm, bà con tin tưởng trồng trôm, nhiều người có nguồn thu nhập ổn định và trở nên khấm khá trên chính quê hương mình.

* Dù phải mày mò học hỏi nhưng xem ra quá trình nghiên cứu của bà cũng khá nhanh và suôn sẻ?

- Không đúng đâu. Để có sản phẩm ra mắt thị trường, tôi đã mất 20 năm với 15 năm thất bại, thậm chí tôi còn liều lĩnh thí nghiệm lâm sàng ngay với các con và bản thân mình. Khi bôi sản phẩm đến ngày thứ ba, da mặt tôi bị nám đen, còn con thì bị bỏng loang lổ, phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.

Tôi ân hận mãi vì tại sao không chỉ làm thử nghiệm trên bản thân mình mà còn gây hại cho con. Nhưng sau đó tôi vẫn không từ bỏ ý định. Tôi chấp nhận thất bại để có thành công chắc chắn chứ không bộp chộp và làm những điều trái với lương tâm.

Nhiều năm nghiên cứu, tôi luôn lấy chữ tín làm đầu, giữ chữ tín với người trồng trôm, với bạn hàng, với sức khỏe người dùng. Tôi luôn tìm tòi những gì tốt nhất cho sản phẩm, phải tạo ra sản phẩm bằng nguyên liệu từ thiên nhiên, không dùng hóa chất mà chỉ thông qua quy trình ủ và lên men.


* Nhiều năm nay, ngành mỹ phẩm nội địa đang gặp khó vì vô số thương hiệu mỹ phẩm ngoại cạnh tranh, người tiêu dùng lại không tin dùng mỹ phẩm trong nước, bà có thấy mình sai lầm khi đầu tư mở rộng sản xuất vào một lĩnh vực đang bị xem là... hết thời không?

- Không biết người khác bước vào kinh doanh như thế nào, riêng tôi đi vào con đường kinh doanh với tâm thế rất nhẹ nhàng, dường như chẳng bị áp lực mà cũng không nghĩ đến chuyện phải cạnh tranh. Bởi lúc đầu, tôi chỉ đặt ra mục tiêu nghiên cứu sản phẩm thật tốt, đúng tiêu chuẩn quy định, rồi bán cho những người cần, miễn đủ chi phí nuôi công ty và tiếp tục nghiên cứu.

Lợi thế của tôi là có người cháu hiện là "Vua trôm" ở Bình Thuận, đang sở hữu gần 70ha vườn trôm trên 20 năm tuổi và có bí quyết chiết xuất tinh chất mủ trôm. Bằng cách tiếp thị trực tiếp đến người dùng, tặng sản phẩm dùng thử, miệt mài gần 10 năm trời từ lúc nghiên cứu thử nghiệm đến khi hoàn chỉnh sản phẩm, đến nay, tôi đã có một lượng khách hàng trung thành với gần 200 đại lý phân phối.

Tuy tự tin về sản phẩm và có lượng khách hàng ủng hộ khá đông nhưng tôi không phải là người liều lĩnh, mạo hiểm. Điều tự hào là đến giờ tôi chưa vay một đồng nào từ ngân hàng. Đồng tiền tôi có được là do sự tích cóp nhọc nhằn, vì vậy tôi đều rất cẩn trọng với mọi quyết định đầu tư.

Khi sản phẩm có đầu ra ổn định, ở trong nước, các dược sĩ như Bùi Bạch Loan từng công tác tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, dược sĩ Nguyễn Văn Tân đang công tác tại Phòng Quản lý dược tỉnh Cà Mau... đồng ý bao tiêu sản phẩm; còn ở nước ngoài, anh em đang làm ở Bệnh viện Mexico (Mỹ) và ở Canada ký hợp đồng mua sản phẩm. Từ những hợp đồng này nên tôi mới quyết định đầu tư nhà máy sản xuất với quy mô và công suất lớn.

* Được biết, thời gian qua, sản phẩm của Vĩnh Tân bị nhiều lời chê bai, cạnh tranh không lành mạnh. Bà không thấy bị áp lực sao?

- Thời gian đầu, nghe dư luận xấu về sản phẩm, đại loại là kem mủ trôm có chứa Corticoid, nhiều người dùng bị hư da, tôi vẫn không hề cảm thấy áp lực mà ngược lại vẫn bình thản, thậm chí lại có chút tự hào vì cho rằng sản phẩm mình tốt mới bị người ta "để ý”. Thế nhưng ngày càng nhiều nơi làm kem mủ trôm, và cũng có rất nhiều người đến bệnh viện chữa da dị ứng do dùng mỹ phẩm mủ trôm không nhãn mác. Lúc đó, tôi mới bắt đầu lo lắng sản phẩm của mình bị ảnh hưởng lây.

Song, tôi cũng phải cám ơn đã bị cạnh tranh. Nhờ bị cạnh tranh mà tôi luôn phải học hỏi, tìm tòi để nâng cao kiến thức, hoàn thiện sản phẩm và quy trình sản xuất. Nhà máy GMP của Vĩnh Tân ra đời một phần cũng là do cạnh tranh. Tôi vẫn nói với nhân viên: "Mỗi điều người khác nói xấu, trả lời được nghĩa là mình đang lớn khôn".

* Như vậy, nhà máy GMP ra đời là do áp lực cạnh tranh chứ không nằm trong chiến lược phát triển của Vĩnh Tân?

- Nói đúng hơn là ra đời sớm hơn kế hoạch. Khi tôi dời Công ty từ Bình Thuận lên TP.HCM, Sở Y tế Bình Thuận đến kiểm tra không thấy cơ sở hoạt động nên ra quyết định rút giấy công bố sản phẩm. Tuy nhiên, khi viết biên bản, cán bộ lại ghi chệch lý do rút giấy phép là: "Kê khai không trung thực các nội dung".

Ngay lập tức thông tin này được loan truyền rằng: "Mỹ phẩm Vĩnh Tân vì kém chất lượng nên bị rút giấy phép". Lúc đó, tôi rất buồn và bức xúc. Ngẫm ra mới thấy, thương trường quả là khắc nghiệt khi mình muốn làm thật, kinh doanh an phận cũng chẳng yên.

Nhiều anh em khuyên tôi phải ra Bộ Y tế khiếu nại, và cuối cùng Sở Y tế Bình Thuận đã ra quyết định vẫn cho Vĩnh Tân sản xuất mỹ phẩm nhưng phải có nhà máy đạt chuẩn GMP. Nhờ Bộ Y tế tư vấn, hướng dẫn, nhà máy GMP của chúng tôi đã được khởi công vào tháng 11/2013 và đang chuẩn bị đi vào hoạt động.

* Bà từng nói với mọi người rằng "Giá trị lớn nhất trong sự nghiệp của bà là làm ra mỹ phẩm thương hiệu Việt và mong tạo được tên tuổi ở thị trường nước ngoài". Điều này liệu có quá tham vọng không?

- Từ khi còn nhỏ tôi đã ước mơ được xinh đẹp, bởi vì sự xinh đẹp mang lại niềm vui cho mọi người và sự tự tin trong cuộc sống. Vì vậy, khi theo lĩnh vực này, tôi tự giao trách nhiệm phải làm cho người khác đẹp và tôi đã làm bằng tất cả tình yêu, sự kiểm định và theo dõi khắt khe của cơ quan y tế và khách hàng.

Song, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam phải mang giá trị Việt, nghĩa là họ phải được làm đẹp từ những phẩm vật, cây trái Việt Nam. Và sản phẩm đó phải được thế giới biết đến. Đó mới là điều tôi tâm đắc và là giá trị mà tôi gửi gắm trong sản phẩm của mình.

Vì vậy, dẫu biết khó khăn, nhưng tôi vẫn tin và tiếp tục nỗ lực. Tôi đã đi lên từ hai bàn tay trắng, từ những khó khăn nên không ngại khó khăn. Ở tuổi gần 50 tôi vẫn đèn sách, thí nghiệm. Một phần vì tôi muốn con cái và lớp trẻ lấy đó làm gương, một phần nếu tôi dừng việc học thì việc nghiên cứu tôi sẽ bị tụt hậu.

Tôi tiếp tục học để tìm ra lời giải trong việc tạo dựng một thương hiệu mỹ phẩm mạnh để nước ngoài khâm phục. Muốn làm được điều này phải có kiến thức khoa học chứ không phải dựa vào kinh nghiệm.

* Con cái trưởng thành, cơ ngơi ổn định, ước mơ đã thành hiện thực, trong ba điều đó, điều gì khiến bà hạnh phúc nhất?

- Từ một nông dân chân lấm tay bùn, trải qua tháng ngày tự vươn lên, góp phần làm cho cây trôm đổi đời và bây giờ được đứng trước hàng trăm người chia sẻ về thành công, tôi thấy đó là niềm vui, niềm hạnh phúc nhất trong đời.

* Hiện nay, doanh nhân làm từ thiện, đóng góp cho xã hội là một trách nhiệm và qua đó cũng là cách để làm thương hiệu. Được biết, bà cũng đóng góp rất nhiều cho công tác xã hội, suy nghĩ của bà khi tham gia công việc này là gì?

- Đồng tiền tôi có được so với các doanh nghiệp khác không là gì nhưng với tôi là quá nhiều. Bởi, người ta hay ví nghèo rớt mồng tơi, còn tôi trước đây nghèo đến nỗi không có mồng tơi để rớt. Vì vậy, bây giờ có tiền, tôi luôn nghĩ và động lòng trắc ẩn với những người khó khăn, đồng cảnh ngộ nghèo khó như mình ngày xưa.

Hơn ba mươi năm quay lại vùng đất mình đã sống, tôi rất xót xa vì cuộc sống của người dân ở đó vẫn còn rất khổ cực, thiếu thốn và bệnh tật. Thành công có thể đo lường bằng mức độ sở hữu vật chất, còn thành đạt chỉ có thể đo lường bằng sự sẻ chia, bằng tấm lòng của sự cho đi.

Một doanh nghiệp muốn tồn tại lâu bền thì phải biết tạo phước đức. Và ngay từ khi bước vào kinh doanh tôi đã xác định, 70% số tiền kiếm được là để tiếp tục đầu tư sản xuất, còn 30% để làm từ thiện, chứ không phải xây dựng xong sự nghiệp, giàu có, dư dả rồi mới đóng góp cho các hoạt động từ thiện xã hội.

* Được biết cả ba người con của bà đều đã trưởng thành nhưng tại sao lại không cùng làm chung công ty với mẹ?

- Mặc dù hai con lớn của tôi đã 26 và 25 tuổi nhưng cả hai đều có công việc làm ăn riêng. Quan điểm của tôi là dạy cho các con kiến thức, cách xoay xở buôn bán, tự kiếm tiền chứ không cho con tài sản. Hơn nữa, tôi muốn thuê những người tài giỏi về điều hành, quản lý Công ty vì sự nghiệp của Vĩnh Tân còn liên quan đến cuộc sống của hàng trăm con người.

Nếu con tôi không giỏi, tôi không thể giao việc và cũng không nhất thiết phải cùng làm với mẹ. Hiện con gái út của tôi đang học Đại học Quân y và nếu học xong, đủ năng lực, kiến thức thì con sẽ cùng tôi tiếp tục vun đắp sự nghiệp Vĩnh Tân.

* Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện chân thành và rất cảm động.


Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân