Báo Tây liên tục tôn vinh
Không chỉ là công ty sữa hàng đầu Việt Nam, Vinamilk còn vượt qua nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác để trở thành một trong những “ông lớn” trên toàn thị trường Việt Nam. Vì vậy, không ít người sẽ cảm thấy thú vị khi biết người đứng đầu Vinamilklà một “bóng hồng”.
Đó là bà Mai Kiều Liên, người nắm giữ hai chức vụ cao nhất tại Vinamilk: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Đứng đầu doanh nghiệp quy mô “khủng”, bà Liên vượt qua nhiều thử thách giúp Vinamilk cán mốc doanh thu 1,5 tỷ USD.
Những thành công vang dội của bà Liên đã được báo Tây chú ý, trong đó đáng kể nhất phải kể đến “đại gia” Forbes. Được xuất hiện trên Forbeslà vinh dự lớn với tất cả doanh nhân. Bà Liên đã nhận được vinh dự này không chỉ một lần.
Năm 2012, truyền thông Việt được phen xôn xao khi bà Liên có tên trong danh sách 50 nữ doanh nhân có quyền lực nhất ở châu Á do Forbes công bố. Bà Liên là đại diện Việt Nam duy nhất có mặt ở top 50 và đứng ở vị trí 25.
Forbes không ngại dùng nhiều mỹ từ để mô tả người đứng đầu Vinamilk. Forbes viết bà Liên: “Đã xây dựng Vinamilk trở thành không những là một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn là được kính trọng trên khắp châu Á” sau khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2003 và bà trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị.
Cũng trong năm 2012, bà Kiều Liên cũng là nữ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu “Lãnh đạo xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư” và "Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực châu Á trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp" do tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á - trụ sở tại Hong Kong trao tặng.
Vào tháng 3/2013, Forbes lại một lần nữa nhắc đến tên Mai Kiều Liên khi bà Kiều Liên tiếp tục lọt vào danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Tuy nhiên, lần này, bà Liên có thêm bạn đồng hành người Việt. Đó là bà Phạm Thị Việt Nga, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Dược Hậu Giang.
Sang năm 2014, ba nữ doanh nhân Việt được Forbes ca tụng. Và một trong số đó tiếp tục là bà Mai Kiều Liên. Có thể thấy, bà Liên là một trong số ít nữ doanh nhân Việt được báo Tây ca tụng.
Sở hữu khối tài sản trăm tỷ
Không phải doanh nhân Việt nào cũng liên tục được báo Tây ca tụng. Vì vậy, những dấu ấn mà bà Liên để lại trong mắt truyền thông quốc tế là điều rất đáng trân trọng. Đây được xem là “món quà” tinh thần lớn cho người đứng đầu Vinamilk.
Bên cạnh “món quà tinh thần”, bà Liên cũng có được “món quà vật chất” không hề nhỏ khi giúp Vinamilk tăng trưởng mạnh.
Cổ phiếu VNM của Vinamilk chào sàn từ năm 2006 với mức giá 53.000 đồng/CP. Ngay sau khi giao dịch trên sàn Tp.HCM, VNM nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do không sở hữu số lượng VNM đủ lớn nên tên bà Liên không có trong Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong suốt thời gian dài từ 2007 tới 2010, bà Liên vẫn đứng ngoài “cuộc đua tài sản” của đại gia Việt. Dấu ấn duy nhất mà bà để lại trong lòng giới đầu tư chính là những thành tựu mà Vinamilk đạt được. Dù khủng hoảng khiến cả nền kinh tế lung lay, Vinamilk vẫn tăng trưởng vượt bậc.
Năm 2011, bà Liên chính thức lọt vào Top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, với 130,64 tỷ đồng, giá trị cổ phiếu VNM chỉ đủ để bà Liên giành được vị trí khiêm tốn 63 trong bảng xếp hạng.
Cũng giống Vinamilk, khối tài sản và thứ hạng mà bà Liên sở hữu “chỉ” biết đi lên. Năm 2012, bà Liên vươn lên vị trí 52 với 199,36 tỷ đồng. Năm 2013, cổ phiếu VNM tăng mạnh giúp tài sản của bà Liên vọt lên 305,84 tỷ đồng. Bà Liên bước lên vị trí thứ 36.
Cũng trong năm 2013, bà Liên đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách 50 phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Bà đứng sau chị em nữ đại gia họ Phạm và một số sếp lớn trong các doanh nghiệp tư nhân.
Hiện tại, nhiều chuyên gia phân tích đều đánh giá cao cổ phiếu VNM và đưa ra khuyến nghị mua vào với cổ phiếu này. Dù vậy, cơ hội cho bà Liên bứt phá mạnh trong danh sách những người giàu nhất sàn chưng khoán không hề cao vì khối lượng cổ phiếu bà Liên nắm giữ khiêm tốn hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp khác.
Dù “nghèo” hơn nhiều đồng nghiệp, bà Liên vẫn luôn nằm trong sự chú ý của giới đầu tư, nhà phân tích. Khi phân tích đánh giá cổ phiếu VNM, công ty chứng khoán FPTS rất đề cao bà Liên. FPTS viết: “Nhắc đến Vinamilk không thể không nhắc đến chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO của doanh nghiệp này, bà Mai Kiều Liên (1953), vốn được xem như một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng nhất tại Việt Nam”.
“Tuy nhiên điều này cũng dấy lên lo ngại về khoảng trống quản trị và chất lượng của đội ngũ kế thừa tại VNM trong giai đoạn sắp tới sẽ khó vượt qua được cái bóng của người tiền nhiệm.
Điều này không chỉ xảy ra với VNM mà còn tại những doanh nghiệp lớn khác ở Việt Nam, vốn sẽ phải đối mặt với vấn đề nhân sự kế thừa cho những lứa doanh nhân đầu tiên sau đổi mới” - FPTS nhận định.