Chủ Nhật, Ngày 22 Tháng 12 Năm 2024

“Có bóng” nhưng chưa nên “hình”

Thứ Ba, 21/01/2014 10:03
Thời phim truyền hình nở rộ, hình ảnh doanh nhân xuất hiện trong hầu hết các bộ phim. Tuy nhiên, rất ít bộ phim khắc họa ra được chân dung một doanh nhân gần với hình ảnh của họ ngoài đời sống thực.

Chiếc áo không làm nên thầy tu

Điểm danh một số phim truyền hình dài tập đã và đang phát sóng gần đây, như: Ngôi nhà hạnh phúc, Sắc đẹp và danh vọng, Những mảnh vỡ phù hoa, Bước chân hoàn vũ, Tham vọng, Dù gió có thổi, Cá rô em yêu anh, Chuyện tình mùa thu, Gia đình sóng gió, Đại gia đình..., dù là phim thuộc thể loại tình cảm, tâm lý xã hội hay hài hước cũng đều có một vài nhân vật (chính hoặc phụ) là doanh nhân.

 

Lớn tuổi có, trung niên có, thanh niên trẻ có, và họ kinh doanh trong đủ lĩnh vực: xuất nhập khẩu, chứng khoán, y tế, thời trang, quảng cáo, địa ốc, công nghệ thông tin, thủy hải sản, nông sản...

 

Phong cách bề ngoài của các doanh nhân trên phim đa phần theo khuôn mẫu chung: comple, cà vạt hay thời trang hàng hiệu, laptop xịn, di chuyển bằng xe hơi sang trọng, sống trong những căn nhà hoặc biệt thự lộng lẫy hay chung cư cao cấp.

Cái mác doanh nhân (giàu có và thành đạt) chỉ là cái cớ, là danh xưng của nhân vật để đề cập đến những vấn đề chính là tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình... - chủ đề xuyên suốt của nhiều bộ phim truyền hình hiện nay.

Nói chung, nhân vật doanh nhân được “đặt” vào những biến cố gia đình, sự nghiệp là chính, còn quá trình phấn đấu gầy dựng doanh nghiệp, thể hiện bản lĩnh, tài năng và đạo đức của họ trên thương trường rất mờ nhạt.

Nhân vật doanh nhân trên phim có thể chia thành ba nhóm chính: Doanh nhân lớn tuổi (U.60 trở lên) thường rơi vào bi kịch: nhà tan cửa nát, con cái hãm hại cha mẹ, anh em hại lẫn nhau để tranh giành công ty và tài sản thừa kế (như trong phim Những mảnh vỡ phù hoa, Tham vọng, Gia đình sóng gió).

Doanh nhân trung niên (U.40-U.50) thì dùng nhiều thủ đoạn và mánh khóe làm ăn phi pháp, tranh giành quyền lực rồi tù tội hay phá sản, trăng hoa bồ bịch khiến cuộc sống gia đình lục đục, bất an (trong các phim: Ám ảnh xanh, Vệt nắng cuối trời, Tình yêu tìm lại).

Còn các doanh nhân trẻ độ tuổi 20-30 trong đó có những “cậu ấm” hay “cô chiêu” mặt còn búng sữa đã được đảm nhận các chức vụ như giám đốc, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc trong công ty gia đình thì suốt ngày bận rộn với chuyện yêu đương, thất tình, đau khổ và trả thù (như các phim: Sóng gió thương trường, Đối mặt, Thụy khúc).

Công việc của một doanh nhân trong phim thường chỉ thể hiện ở hình ảnh vài cuộc họp ngắn ngủi, vài cuộc điện thoại nhắc về một hợp đồng làm ăn nào đó, vài lần ký giấy tờ...

Có thể nói, hình ảnh của doanh nhân trên phim Việt đang ở tình trạng có “bóng” mà không rõ “hình”.

Thế nên, trên nhiều diễn đàn phim ảnh đã xuất hiện những lời bình luận kiểu: “Thỉnh thoảng rảnh có xem một số phim truyền hình Việt Nam, thấy hình ảnh của mấy ông chủ doanh nghiệp suốt ngày đi xe hơi xịn, vào nhà hàng dự party, ở khách sạn sang trọng, hợp đồng làm ăn ký không cần đọc, vài ngày lại “chở” một cô “chân dài” đi chơi Vũng Tàu hay Đà Lạt... mà thấy mê. Đời doanh nhân sướng thật”...

Hay “Xem phim trên truyền hình, thấy cứ 10 phim có nhân vật làm giám đốc thì 7-8 phim có kết cục là giám đốc bị tan cửa nát nhà hay bị tù tội, trả giá cho lối sống lấy tiền - tình và hưởng thụ làm mục đích”...

Vì đâu nên nỗi?

Người ta vẫn ví “thương trường như chiến trường”, khốc liệt và nhiều nghịch lý. Trên thực tế, có không ít doanh nhân ở thời kỳ khởi nghiệp đã phải trải qua nhiều gian khó, thức khuya dậy sớm đưa từng món hàng đến tay người tiêu dùng; nhặt và dành dụm từng đồng tiền nhỏ để làm vốn kinh doanh; có khi thất bại tưởng chừng phải từ bỏ giấc mơ làm ông chủ...

 

Ngay cả khi đã thành đạt, các doanh nhân - ông/bà chủ doanh nghiệp vẫn hằng ngày gánh vác trách nhiệm nặng nề trên vai: điều hành doanh nghiệp hoạt động tuân thủ pháp luật, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhân viên, đào tạo nguồn lao động, mở rộng các mối quan hệ và phát triển doanh nghiệp; tham gia các hoạt động của cộng đồng và gia đình;

 

Riêng các nữ doanh nhân còn phải đảm đương thiên chức của người mẹ, người vợ, người con nên rất bận rộn và nhiều áp lực, chứ đâu được thảnh thơi suốt ngày đi xe hơi xịn, du hí ở các khu resort, mua sắm ở các khu trung tâm thương mại cao cấp.

Các doanh nhân thế hệ 7X, 8X hiện nay đại diện cho lớp thanh niên năng động, sáng tạo, có tri thức, nhiệt tình, hăng say công việc, sống lạc quan và lành mạnh trong các mối quan hệ tình cảm, gia đình. Tiếc thay, những hình ảnh thực tế này chưa được hóa thân thành nhân vật trên màn ảnh.

Vì sao có rất ít phim Việt khắc họa được chân dung của một doanh nhân thực sự?

Một trong những nguyên nhân đầu tiên phải nhắc đến là do có ít nhà biên kịch và đạo diễn am hiểu về doanh nhân, doanh nghiệp. Cho nên họ không có được sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, phức tạp trong kinh doanh, hay những áp lực công việc mà doanh nhân phải đối phó hằng ngày.

Thay vì phản ánh việc kinh doanh thì nhà biên kịch lại tập trung xây dựng chân dung của một doanh nhân dưới áp lực của những biến cố hay mâu thuẫn trong gia đình, hay những mánh lới, thủ đoạn của họ trong việc làm giàu...

Khi khai thác mảng tối phía sau cuộc sốnglắng, sóng gió trong cuộc sống của một doanh nhân bề ngoài giàu có, thành đạt, bộ phim sẽ gây được sự tò mò và hấp dẫn được khán giả. Song việc coi nhẹ các chi tiết trong hoạt động kinh doanh của nhân vật doanh nhân trên phim lâu ngày đã khiến khán giả có cái nhìn thiếu thiện cảm với doanh nhân nói chung.

Nguyên nhân thứ hai, nhiều diễn viên, nhất là các diễn viên trẻ, tuổi đời còn ít nên vốn sống mỏng, lại thiếu hiểu biết thực tế nên khó thể hiện một cách chân thực và sinh động hình ảnh một doanh nhân. Họ cứ nghĩ khoác lên người những bộ quần áo sang trọng, đi xe xịn, sử dụng điện thoại di động và laptop đời mới, ngồi trong một văn phòng đầy đủ tiện nghi là đủ “hô biến” nhân vật của mình thành một doanh nhân.

Diễn xuất yếu, thiên về hình thức, thiếu chiều sâu nội tâm đã khiến nhiều diễn viên không thể khắc họa được chân dung, phong thái của một doanh nhân có tầm nhìn và khát vọng trên thương trường.

Trước đây, phim Việt đã có một số bộ phim như Đường đời, Giọt đắng, Miền đất Phúc đã ít nhiều khắc họa một cách chân thực và hấp dẫn về nhân vật doanh nhân. Hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm những bộ phim như thế, để các nhân vật doanh nhân không còn chỉ là cái “bóng” trong phim. 

Theo DoanhnhanSaigon

Thêm bình luận

Họ tên
Email
Nữ doanh nhân